Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ hai: 20:08 ngày 09/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 692 đặt mục tiêu đến năm 2020 xóa mù chữ cho 300 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS), nâng tỷ lệ người DTTS biết chữ đạt 90%.

Thực tế ghi nhận tại một số tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ cho thấy, các đối tượng mù chữ phần lớn là người cao tuổi, ngại đi học, cho nên việc vận động họ đến lớp rất khó; nhiều người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại là lao động chính, không có thời gian dành cho việc học tập.

Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách hỗ trợ, tài liệu học xóa mù chữ chưa phù hợp với thực tế cuộc sống của đồng bào DTTS. Ngoài ra, một số cán bộ, giáo viên không biết tiếng dân tộc, khiến việc vận động người dân đến lớp cũng như khi đứng lớp còn gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, tại vùng biên giới Tây Bắc, tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi từ 15 đến 60 không biết đọc, biết viết hiện chiếm 21% số dân.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các ban chỉ đạo phổ cập giáo dục cấp xã, cấp huyện, nhất là ở những xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn chưa thật sự chú trọng, quan tâm công tác xóa mù chữ. Số người mù chữ, tái mù chữ ở các xã này rất cao, công tác xóa mù chữ không đạt hiệu quả như đề án yêu cầu.

Công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS và miền núi rất cần thiết, song nếu cứ huy động người dân đến lớp học theo phong trào hay chỉ để đủ sĩ số thì chắc chắn không thể đạt kết quả như mong muốn. Trong số những người hiện không biết chữ cũng có không ít người đã từng đi học - họ bị tái mù chữ vì học rồi mà không thường xuyên sử dụng, việc học chữ không đem lại cho họ những lợi ích thiết thực trong cuộc sống.

Học phải đi đôi với hành, học để tiếp thu kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Cho nên, chính quyền địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi, khi tổ chức các lớp học xóa mù chữ phải chú ý sao cho phù hợp với tập quán văn hóa, sinh hoạt cũng như cách thức sản xuất của đồng bào; không nên làm kiểu hình thức, chạy theo phong trào để lấy thành tích…

Ngoài ra, các thôn, bản cần phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, dòng họ trong việc vận động những người chưa biết chữ đến lớp, những người đã biết chữ dạy người chưa biết chữ mọi lúc, mọi nơi…

Để đạt được mục tiêu đề án, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương vào cuộc quyết liệt hơn. Các tỉnh có đông đồng bào DTTS phải mở rộng độ tuổi xóa mù chữ và chú trọng xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em, nhất là trẻ em gái. Những cán bộ, giáo viên tham gia công tác xóa mù chữ ở vùng đồng bào DTTS nhất thiết phải biết tiếng dân tộc.

Đồng thời, huy động các lực lượng xã hội tham gia xóa mù chữ theo phương châm người biết chữ dạy người chưa biết chữ. Trong đó, phải xây dựng chính sách đãi ngộ đối với những người tham gia công tác xóa mù chữ ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, cần xây dựng chương trình, tài liệu xóa mù chữ khoa học, phù hợp các nhóm đối tượng; nhất là quy trình kiểm tra, đánh giá, công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ của từng địa phương.

Tăng cường giáo viên chuyên trách xóa mù chữ cho các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; trong đó chú ý điều chỉnh mức lương chi trả cho giáo viên đứng lớp phù hợp thực tế từng vùng.

Huy động cán bộ hưu trí, các hội viên, đoàn viên các hội, đoàn thể và cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tham gia các lớp xóa mù chữ. Tổ chức các lớp học chuyên đề về y tế, văn hóa, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt tại các trung tâm học tập cộng đồng nhằm giúp người học cập nhật kiến thức, kỹ năng, áp dụng vào cuộc sống, sản xuất, qua đó củng cố kết quả công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên mới bảo đảm xóa mù chữ cho đồng bào DTTS và miền núi một cách bền vững.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục