Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Xoài keo “bén rễ” trên đất vùng biên
Thứ năm: 18:16 ngày 10/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Để nâng cao thu nhập, hộ ông Trần Hữu Phước đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa và mì kém hiệu quả sang xoài keo, mang lại thu nhập ổn định.

Xã Hoà Thạnh nằm ở phía Tây huyện Châu Thành, có đường biên giới tiếp giáp Campuchia dài 5,5km, tổng diện tích tự nhiên 3.424 ha. Trong đó, diện tích đất canh tác nông nghiệp gần 3.000 ha, chủ yếu người dân trồng lúa và khoai mì.

Để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa và mì kém hiệu quả sang những loại cây trồng khác. Điển hình như mô hình trồng xoài keo của hộ ông Trần Hữu Phước tại ấp Hiệp Bình mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Vườn xoài keo của hộ ông Trần Hữu Phước.

Thời gian gần đây, trái xoài keo Campuchia tràn ngập khắp thị trường nội địa, dần dần “đánh bật” trái xoài nội địa từ mẫu mã, chất lượng cho tới giá cả... Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nhiều nông dân vùng biên giới của huyện Châu Thành mua giống, trồng thử loại xoài này, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trần Hữu Phước, ngụ ấp Hiệp Bình, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành dẫn chúng tôi đi tham quan vườn xoài rộng hơn 5ha, đang cho trái sai trĩu cành.

“Tôi trồng giống xoài keo của Campuchia, năng suất trên 30 tấn/ha, năm nay thời tiết sương muối nên có khả năng năng suất không bằng mọi năm. Năm rồi tôi bán cho công ty thu mua, giá khoảng 10.000 đồng/kg, hiện tại giá của thương lái hơn 6.000 đồng/kg, với mức giá này, trừ hết chi phí tôi lãi hơn 100 triệu đồng/ha. Những năm trước tôi trồng 1 vụ, năm nay có thể tăng lên 2-3 vụ”- ông Phước chia sẻ.

Mô hình trồng xoài keo của hộ ông Trần Hữu Phước mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Theo ông Phước, xoài keo rất dễ trồng, ít bị sâu bệnh hơn các loại cây trồng khác, hạt giống xoài từ lúc gieo trồng đến lúc cho trái tầm 24-30 tháng, do ít bệnh nên ít sử dụng phân thuốc. Đây cũng là loại cây chịu ngập úng tốt, đến mùa mưa nước ngập đến nửa thân cây nhưng trái vẫn còn phát triển tốt trên cây.

Xoài keo dễ trồng, sớm thu hoạch, ít bệnh dễ chăm sóc hơn các loại cây khác. Trước đây ông trồng mì, sau đó chuyển qua trồng xoài keo, tính ra 1 ha xoài thu nhập tốt hơn trồng cao su và khoai mì.

Ông Phước chia sẻ, để bảo đảm năng suất cho vụ sau không nên để nhiều trái quá, sau khi thu hoạch cần cắt cành để tạo độ thông thoáng cho vườn. Khi cây phát đọt cứng cáp cần bón phân, phun thuốc để kích thích cây ra hoa đồng loạt.

Sau khi xoài ra hoa, người trồng cần hạn chế nước để lượng phân bón xuống tập trung nuôi hoa mà không nuôi thân. Mùa nắng 7-10 ngày tưới 1 lần nhưng lúc hạn chế nước chỉ tưới định kỳ từ 10-15 ngày/lần và lượng nước gia giảm chỉ tưới đủ ướt mà không tưới đẫm như thời điểm khác.

Xoài keo rất dễ trồng, ít bị sâu bệnh.

Ông Phước cho biết: “Qua hơn 10 năm trồng, có thể khẳng định xoài keo hoàn toàn sạch và an toàn cho người tiêu dùng. Trong quá trình chăm sóc đến lúc ra hoa, kết trái, thu hoạch, chúng tôi không sử dụng bất kỳ loại hoá chất nào. Đặc biệt, trái có vỏ dày nên không bị sâu, rệp đục chích và có thể vận chuyển đường xa mà không bị giập trái. Do đó, loại xoài này được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng”.

Với nhiều điểm nổi bật như: dễ trồng, dễ chăm sóc, năng suất cao và giá ổn định… xoài keo hứa hẹn là một trong những loại cây trồng chủ lực để bà con nông dân phát triển kinh tế gia đình. Thế nhưng, có một thực tế khó khăn là xoài keo được nông dân buôn bán theo hình thức nhỏ lẻ, chủ yếu trong thị trường nội địa.

Chính vì vậy, ông Phước cũng như các hộ trồng xoài khác đều mong muốn phía cơ quan chức năng, các doanh nghiệp có chính sách giúp đỡ nông dân tìm đầu ra cho xoài keo với mức giá ổn định hơn để nông dân yên tâm sản xuất.

Được biết, vườn xoài của ông Phước đang làm hồ sơ để đăng ký chứng nhận VietGAP, nếu được chứng nhận này, giá xoài sẽ cao hơn và cung cấp cho các đơn vị thu mua, chợ, siêu thị dễ dàng hơn.

Xã Hoà Thạnh đang làm hồ sơ chứng nhận VietGAP cho vườn xoài keo của hộ ông Trần Hữu Phước.

Ông Nguyễn Tấn Đạt- Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành cho biết, hiện tại phía địa phương đang làm hồ sơ chứng nhận VietGAP cho vườn xoài keo của hộ ông Trần Hữu Phước. Nếu được công nhận VietGAP sẽ góp phần nâng giá trị cho sản phẩm, mang lại thu nhập cao hơn.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đến nay, nhà nông ở vùng biên giới xã Hoà Thạnh đã có nguồn thu ổn định từ xoài keo. Cây xoài keo “bén duyên” trên mảnh đất khô cằn có thể xem là mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng.

Lãnh đạo xã Hoà Thạnh tham quan mô hình trồng xoài keo.

Thời gian tới, phía địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi các loại cây truyền thống có giá trị kinh tế thấp sang phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó có cây xoài keo; từ đó hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; mở các lớp tập huấn chuyển giao về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác hợp lý; đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ người dân thành lập các tổ hợp tác, HTX làm cầu nối trong việc liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân với doanh nghiệp.

Hoàng Yến - Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục