Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Liệu vườn xoài trên suối Môn, thuộc xã Phan kia có phải là vườn xoài thanh duy nhất còn sót lại? Một vài dự án công trình, đường sá của con người cũng đã và đang xáp gần tới vườn xoài. Ruộng rau cần, diếp cá của anh Quân cũng đã bỏ hoang vì suối Môn kiệt nước.
Vừa mới đọc bài “Chuyện về Căn cứ Suối Môn” của tác giả Ðại Dương trên báo Tây Ninh ra ngày 3.5.2019 thì hôm sau tôi đã được ăn trái xoài thanh trồng ở suối Môn. Tác giả Ðại Dương viết: “Trên bờ suối là vườn xoài cổ thụ cả trăm năm tuổi. Mỗi thân xoài to cỡ hai vòng tay người lớn, đang cho trái sum suê trĩu xuống sát mặt đất…”.
Thì đúng là xoài vườn núi nhà anh Quân, người trồng và cũng là người bán xoài cho tôi trước khách sạn Ðông Phương. Có điều trong câu chuyện của anh Quân kể, có vẻ cường điệu hơn một chút. Ðấy là anh bảo, có cây tới 4 người ôm mới hết. Chu choa! Nếu vậy thì vườn xoài nhà anh có khi đã trở thành vườn cây di sản. Làm gì đến lượt tôi có thể mua trái cây ấy về ăn.
Di sản hay không thì tôi cũng đã có trên tay bịch xoài Suối Môn. Xoài thanh thứ thiệt của Tây Ninh màu cam vàng rực. Nhưng vẫn còn một loại trái đẹp hơn, là xoài cát chu, thây lẩy đầy tròn, cầm vừa vặn lòng bàn tay, mát rượi. Thôi thì lấy thêm hai trái cát chu để còn có cái mà so.
Anh Quân bảo:- “Lớp trẻ bọn cháu bây giờ đã ít người biết đến xoài thanh, vì người trồng cũng đã lai tạo đủ thứ. Hoặc là để cho trái xoài đẹp hơn, hoặc để phù hợp với thị trường. Nhưng, với cháu thì xoài thanh Tây Ninh vẫn ngon hơn tất cả”. May mà vườn trên núi cạnh suối Môn của nhà anh còn có vườn xoài của ông nội anh trồng để lại.
Trăm năm thì chưa dám chắc, nhưng chắc chắn là cụ đã trồng trước năm 1975. Nghe tôi hỏi về những cây sum suê, trĩu trái xuống sát đất, Quân bảo đấy đã là xoài cát chu hoặc xoài lai. Còn xoài thanh, toàn cây lớn và đã cao lên vài chục mét. Cây đã già, đất lại đang có xu hướng kiệt khô nguồn nước nên trái cũng ít đi. Muốn hái lại phải trèo cao, để có mớ xoài thanh về phố bán thật chẳng dễ dàng gì.
Quả nhiên, ngày sau nữa tôi ra tìm thì Quân đã vừa bán hết. Mà anh bảo:- bữa nay chỉ toàn xoài cát. Mà cát “Suối Môn” nên cũng bán hết veo. Ôi trái xoài thanh bữa trước! Trái hơi mỏng, gầy gò như cái bánh tiêu đã xẹp, chỉ có nước da vẫn hăm hở rực vàng. Như là cái nắng tháng năm đã cô đặc lại trên lớp vỏ mỏng mà dai, khiến ta có thể bóc dễ dàng; để ta có thể “cạp” cả trái xoài vào miệng, cảm nhận vị ngọt ngào xen lẫn vị chua rất nhẹ nhàng, thanh thiết. Thảo nào người Tây Ninh đã đặt cho xoài một cái tên có vẻ bình thường nhưng rất gợi cảm:- xoài thanh.
Ăn trái xoài thanh, lại nhớ ra một “vựa trái cây” ở núi quê mình. Nào chuối, mãng cầu, me, sung… dường như mùa nào cũng có. Mãng cầu đã có thương hiệu quốc gia- Na Bà Ðen. Chuối dù chưa, nhưng cũng đã nổi tiếng với chuối hột, cả do người trồng và chuối rừng mọc hoang trên núi. Xoài thì ở đâu cũng có. Mùa này, khi hoa phượng đỏ đã bừng lên dọc tuyến cáp treo cũ, ngồi trên cáp treo, ta được ngắm những tán xoài treo lúc lỉu trái xanh, trái chín giữa ngàn cây.
Theo con đường bộ lên núi, ngó vào chùa Long Châu Phước Trung cũng thấy xoài treo lơ ửng trước hiên chùa. Bên Ma Thiên Lãnh cũng vô số những vườn xoài giữa lô nhô đá tảng. Mùa này, nếu ai đi qua đấy, chỉ nhặt ăn những trái xoài chín rụng thôi cũng thấy đời như đã lên hương mà quên mất lối về…
Thấy tôi cứ băn khoăn về màu của trái xoài thanh, dường như không đẹp bằng màu vàng phơn phớt xanh xoài cát. Anh Quân bảo:- Thì lúc hái xuống chúng cũng còn xanh, chỉ mới “đỏ đuôi”. Nhưng, để cho thật ngon, phải rải ra nền nhà nơi mát cả hai ngày, sau đó lại cho vào bao bố ủ thêm hai, ba ngày nữa. Ðến khi cả trái rực vàng cam mới cho hương vị thơm ngon nhất của xoài thanh. Ôi cực công thế, thảo nào không mấy khi ta gặp trái xoài thanh.
Liệu vườn xoài trên suối Môn, thuộc xã Phan kia có phải là vườn xoài thanh duy nhất còn sót lại? Một vài dự án công trình, đường sá của con người cũng đã và đang xáp gần tới vườn xoài. Ruộng rau cần, diếp cá của anh Quân cũng đã bỏ hoang vì suối Môn kiệt nước. Một đằng là thiên nhiên mỗi ngày mỗi thêm khắc nghiệt. Một bên là con người vẫn đang tiếp tục sáng tạo, mở mang. Giá đất cặp đường sang Suối Ðá đang tăng chóng mặt… Liệu một vài năm nữa có còn những trái xoài thanh mang thương hiệu Suối Môn?
NGUYỄN