Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xử lý chó mèo thả rông -vẫn còn lúng túng
Chủ nhật: 14:33 ngày 02/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những hành vi vi phạm liên quan đến việc nuôi chó mèo tồn tại cũng đã lâu- từ nông thôn đến thành thị dẫn đến nhiều hệ luỵ. Đã có không ít người bị tai nạn giao thông vì tông phải chó, mèo trên các tuyến đường.

Hiện nay, tình trạng chó, mèo chạy rông gây tai nạn giao thông vẫn thường xuyên diễn ra. Không khó để bắt gặp hình ảnh của chúng trên các tuyến đường hay trong các con hẻm, thậm chí là ở các địa điểm công cộng. Nhiều trường hợp người dân dẫn chó, mèo đi dạo, chở trên xe gắn máy nhưng không rọ mõm, không có dây xích cho chúng. Thậm chí, nhiều người nuôi còn thả cho thú nuôi của mình đi vệ sinh, phóng uế khắp nơi, gây bức xúc cho người dân xung quanh. Nguy hiểm hơn, nhiều con trong số chúng chưa hề được tiêm phòng dại.

Chó chạy rông trên đường giao thông.

KHÓ XỬ LÝ

Chó, mèo là động vật nuôi phổ biến của nhiều gia đình, chủ yếu để giữ nhà, làm thú cưng, tổng đàn thường xuyên thay đổi. Ước tính trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 80.000 con chó, mèo.

Trước đây, việc bắt chó thả rông thuộc trách nhiệm của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (thuộc Sở NN&PTNT). Tuy nhiên, Quyết định số 2020 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030 quy định, từ năm 2023, UBND tỉnh đã đưa chỉ tiêu quản lý chó mèo và bắt chó thả rông, kiểm soát bệnh dại vào tiêu chí đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của UBND các cấp. Trong đó, UBND cấp xã phải phân công nhân sự theo dõi, quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó, mèo và xây dựng kế hoạch bắt chó, mèo thả rông, không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh dại.

Lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, cấp cơ sở đã có quá nhiều việc phải làm, nay lại thêm việc xử lý chó thả rông trong điều kiện nhiều khó khăn- từ nguồn nhân lực đến kinh phí, địa điểm nuôi thả, chăm sóc sau khi bắt chó về… Vì vậy, đến nay, công tác này vẫn chưa được các địa phương thực hiện.

Ông Trần Thủ Nghiệp- Chủ tịch UBND phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành cho biết, trên địa bàn phường hiện còn nhiều hộ dân nuôi chó, cũng có tình trạng chó thả rông. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý chó, mèo chạy rông gặp nhiều khó khăn vì người dân nuôi theo kiểu truyền thống, không tự giác đăng ký với chính quyền địa phương. Nhiều người nuôi chó cỏ, giá trị thấp nên không tiêm ngừa bệnh dại cho vật nuôi.

Một khó khăn nữa là, ở địa phương không có cán bộ chuyên trách, đươc đào tạo chuyên môn để đi bắt chó thả rông. Việc dự toán kinh phí và mua sắm công cụ chuyên dụng để bắt và nhốt chó sau khi bắt về cũng chưa chưa rõ ràng nên đến nay địa phương vẫn chưa đầu tư.

Theo Chủ tịch UBND phường Long Hoa, trước đây, việc bắt chó thả rông được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai hiệu quả do đây là đơn vị có chuyên môn, đầy đủ phương tiện. Ông kiến nghị nên giao lại công tác bắt chó thả rông cho đơn vị này tiếp tục thực hiện.

Còn theo một lãnh đạo UBND phường 3 (thành phố Tây Ninh), hiện nay, công tác quản lý tình trạng nuôi chó, mèo trên địa bàn được thực hiện chủ yếu là tuyên truyền đến người dân các quy định của Nhà nước để họ chủ động đăng ký với chính quyền địa phương; nhắc nhở người dân không để vật nuôi chạy rông ra đường, gây mất an toàn giao thông và tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chúng theo định kỳ.

Riêng việc bắt chó mèo thả rông vẫn chưa thể thực hiện được do thiếu nhân lực; không có kinh phí cho việc thành lập, hoạt động và duy trì tổ bắt chó thả rông. Chưa kể, địa phương còn phải có nơi nuôi nhốt, cho ăn, trông nom chó sau khi bắt về trong thời gian chờ xử lý.

Đội bắt chó của Chi cục Chăn nuôi và Thú y bắt chó chạy rông tại phường IV.

PHẢI QUYẾT TÂM VÀ QUYẾT LIỆT

Ông Nguyễn Minh Nhựt- Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Hoà Thành cho biết, Quyết định số 2020 của UBND tỉnh chuyển việc bắt chó thả rông về cho địa phương, tuy nhiên, việc giao kinh phí thực hiện chưa cụ thể nên các xã không thể mua sắm thiết bị. Ngoài ra, ở địa phương hầu như không có người chuyên đi bắt chó. Trong trường hợp những người này bị chó cắn cũng không có kinh phí hỗ trợ tiêm vaccine. Chính vậy, đến nay, trên địa bàn thị xã Hoà Thành, công tác bắt chó thả rông vẫn chưa thể thực hiện được.

Qua trao đổi, theo lãnh đạo nhiều địa phương trong tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay có rất ít trường hợp chủ nuôi bị xử lý hành chính bởi hành vi không đăng ký vật nuôi, để chó chạy rông hay cho chó ra đường mà không rọ mõm. Có thể thấy, việc quản lý chó thả rông tại nhiều địa phương vẫn còn bỏ ngỏ. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là chưa có kinh phí cho việc tổ chức, hoạt động, duy trì các đội bắt và xử lý chó sau khi bắt về.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay, các xã, thị trấn vẫn còn lúng túng trong việc lập sổ theo dõi đàn chó, mèo tại địa phương; việc đánh dấu để nhận diện (đeo vòng cổ) cho chó, mèo không thực hiện được dù đã được tuyên truyền, vận động, chỉ có một số con chó kiểng, đắt tiền được đeo vòng nhận diện và tiêm phòng định kỳ tại các phòng khám thú y.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, quản lý việc nuôi chó, mèo đã khó, công tác bắt chó thả rông càng khó khăn hơn do cấp xã chưa có phương tiện, nhân sự- nhất là không có xe chuyên dụng và người có chuyên môn được đào tạo.

Trong năm 2023, có 4 huyện, thành phố ban hành quyết định giao kinh phí để thực hiện công tác bắt chó chạy rông (Dương Minh Châu, Bến Cầu, Gò Dầu và thành phố Tây Ninh).

Tình trạng nuôi chó, mèo thả rông đã có từ lâu. Những hành vi vi phạm liên quan đến việc nuôi chó mèo tồn tại cũng đã lâu- từ nông thôn đến thành thị dẫn đến nhiều hệ luỵ. Đã có không ít người bị tai nạn giao thông vì tông phải chó, mèo trên các tuyến đường.

Ngoài ra, những nơi công cộng như công viên, ngõ hẻm đều trở thành “nhà vệ sinh” cho chúng. Đáng lo hơn cả là đã có trường hợp tử vong vì bệnh dại, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình người bệnh.

Để công tác phòng, chống bệnh dại thật sự đi vào nề nếp, thiết nghĩ chính quyền các địa phương cần sớm có giải pháp chấn chỉnh tình trạng trên. Bởi, chó mèo thả rông chính là nguy cơ tiềm ẩn với cộng đồng, gây mất an toàn giao thông, an ninh trật tự, ảnh hưởng vệ sinh môi trường và cả nguy cơ lây truyền bệnh dại dẫn đến chết người.

Thiện Đức

Tin cùng chuyên mục