Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Công khai các khoản thu đầu năm học:
Xử lý nghiêm minh những trường hợp cố ý làm trái
Thứ tư: 00:07 ngày 16/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức công khai đúng quy định và thông báo đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh, sinh viên thuộc đối tượng; hướng dẫn rõ các thủ tục thực hiện để học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh biết và làm thủ tục hưởng chế độ kịp thời.

Học sinh Trường tiểu học Trương Ðịnh, TP. Tây Ninh trong ngày khai giảng năm học 2020–2021.

Những khoản ðược thu

Cơ sở giáo dục công lập chỉ được thu, chi các khoản theo quy định, không được thu bất kỳ khoản nào khác. Cụ thể, học phí là khoản thu đầu tiên, mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo Ðiều 1 Quyết định 73/2016/QÐ-UBND ngày 29.12.2016 của UBND tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ học kỳ II năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh. Ðối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở được tự quyết định mức học phí. Các cơ sở giáo dục phải thông báo công khai mức học phí cho từng năm học.

Các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập có thể tự in hoá đơn, đặt in hoá đơn và phát hành hoá đơn theo quy định để sử dụng, khuyến khích áp dụng hoá đơn điện tử nhằm giảm tải các công tác hành chính. Năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục công lập tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện phương thức thu học phí bằng hình thức khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt theo Công văn hướng dẫn số 3268/SGDÐT-KHTC ngày 31.12.2019 của Sở.

Lưu ý, thanh toán học phí không dùng tiền mặt là quy định chung, tuy nhiên, các cơ sở giáo dục công lập căn cứ tình hình thực tế lựa chọn hình thức thu cho phù hợp, thuận lợi mà không gây khó khăn, bất tiện cho phụ huynh như mang tiền mặt đến ngân hàng nộp vào tài khoản của đơn vị, mang tiền mặt nhờ giáo viên chủ nhiệm thu và nộp hộ vào tài khoản của đơn vị tại ngân hàng...

Trong điều kiện nơi nào còn gặp khó khăn trong việc triển khai, có thể tổ chức thu học phí như thời gian qua, nhưng đơn vị cần tăng cường tuyên truyền thường xuyên chủ trương thu học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của UBND tỉnh.

Khoản thu thứ hai, bảo hiểm y tế học sinh, thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Ðiều 2, Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định số 146/2018/NÐ-CP ngày 17.10, 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Khoản thu thứ ba là chi  phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDÐT ngày 16.5.2012 của Bộ GD&ÐT về việc ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Khoản thu thứ tư là tiền giữ xe cho học sinh, thực hiện theo Quyết định số 66/2016/QÐ-UBND ngày 20.12.2016 của UBND tỉnh quy định giá dịch vụ trông giữ xe áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Khoản thu thứ năm là thu căn-tin trong trường học. Cơ sở giáo dục công lập có nhu cầu sử dụng tài sản công cho thuê dịch vụ căn-tin phải thực hiện xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê theo đúng quy định hiện hành (có hướng dẫn cụ thể).

Nhà trường tổ chức cho thuê kinh doanh dịch vụ căn-tin phải tổ chức đấu giá công khai rộng rãi, không thực hiện chỉ định hoặc đấu giá hạn chế trái với quy định hiện hành. Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản cần thực hiện theo quy định của pháp luật.

Khoản thu thứ sáu là vận động tài trợ cho hoạt động giáo dục. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn (dự toán ngân sách giao chưa đáp ứng yêu cầu chi hoạt động của đơn vị), các cơ sở giáo dục công lập được phép tuyên truyền vận động tài trợ cho hoạt động giáo dục để thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, điều này phải bảo đảm công tác vận động tài trợ đúng quy trình trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Không xem vận động tài trợ cho hoạt động giáo dục là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ bảo đảm nguyên tắc công khai minh bạch và thực hiện đúng trình tự quy trình quy định. Các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDÐT ngày 3.8.2018 của Bộ GD&ÐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Các khoản thu hợp pháp nêu trên bắt buộc các cơ sở giáo dục công lập phải ghi nhận đầy đủ nguồn thu vào cùng bộ sổ sách kế toán và thực hiện chi tiêu theo quy định của Nghị định số 43/2006/NÐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thông báo về các khoản thu đầu năm học tại một trường tiểu học trên địa bàn thị xã Hoà Thành do giáo viên công khai trên bảng đen (ảnh KN).

Thu hộ, chi hộ trong nhà trường

Theo hướng dẫn của Sở, các khoản thu hộ, chi hộ trước khi tổ chức triển khai thực hiện, các cơ sở giáo dục công lập phải tổ chức họp cha mẹ học sinh báo cáo chủ trương, kế hoạch triển khai, lấy ý kiến cha mẹ học sinh về nội dung thu, chi theo nguyên tắc tự nguyện, bàn bạc dân chủ không áp đặt bắt buộc;  lập biên bản họp ghi nhận ý kiến của cha mẹ học sinh, nếu nhận được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh mới tiến hành triển khai thực hiện. Các khoản thu hộ, chi hộ theo thoả thuận với cha mẹ học sinh là các khoản phải thực hiện trong hoạt động dạy - học mà ngân sách chưa giao dự toán để chi.

Cụ thể, kinh phí tổ chức dạy 2 buổi/ngày, thực hiện theo Công văn số 7291/BGDÐT-GDTrH ngày 1.11.2010 của Bộ GD&ÐT về việc dạy 2 buổi/ngày đối với các trường trung học. Việc tính toán số tiết dạy tăng tiết, buổi học thứ 2 của trường học 2 buổi/ngày phải được tính toán phù hợp thu nhập của cha mẹ học sinh trên địa bàn và có sự cân đối với các trường ở khu vực lân cận, hạn chế thấp nhất cách tính chi phí quá cao, vượt khả năng đóng góp của phụ huynh có thu nhập thấp.

Tiền thu, chi cho lớp học bán trú và lớp học không bán trú gồm có: tiền ăn, nước uống của học sinh bán trú và không bán trú. Khoản thu này, đầu năm học, nhà trường căn cứ nhu cầu dinh dưỡng cần thiết của học sinh để bàn bạc thống nhất với cha mẹ học sinh về mức thu. Việc thu, chi phải được công khai hằng ngày để cha mẹ học sinh giám sát.

Tiền công cho bảo mẫu, cấp dưỡng, nhân viên phục vụ vệ sinh, bảo vệ… và chi phí quản lý bán trú gồm ban giám hiệu, kế toán, thủ quỹ, y tế, tổng phụ trách Ðội... Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, khối lượng công việc, tiêu chuẩn nhân viên bảo mẫu, cấp dưỡng; nhà trường bàn bạc với cha mẹ học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất số lượng bảo mẫu, cấp dưỡng và mức chi trả, mức đóng góp; sau đó tiến hành hợp đồng theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về lao động cần bảo đảm tính hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.

Tiền tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc ăn, ngủ, nghỉ và chế biến thức ăn cho học sinh bán trú, trước khi thực hiện, nhà trường phải xây dựng dự toán thu - chi theo nhu cầu thực tế của năm học, dự toán này phải được bàn bạc, thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh, kế hoạch thực hiện thu - chi gửi cho cơ quan quản lý trực tiếp có ý kiến.

Tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế từng địa phương và theo nhu cầu đề xuất của cha mẹ học sinh, nhà trường thoả thuận với cha mẹ học sinh về chủ trương và mức thu, đồng thời phải bảo đảm cho khẩu phần ăn và sức khoẻ của học sinh. Trường hợp kết thúc năm học, số thu không chi hết, nhà trường xin ý kiến và phải được phụ huynh đồng thuận hướng xử lý cụ thể (trả lại cho cha mẹ học sinh hoặc chuyển năm sau).

Ðối với loại hình bán trú vệ tinh, nhằm đáp ứng nhu cầu học bán trú, trong khi số học sinh tăng, nhiều trường bị quá tải, chỉ có thể dạy 1 buổi/ngày, các trường chưa được đầu tư cơ sở vật chất, phòng ngủ học sinh, chưa có bếp ăn bán trú, hiệu trưởng bàn bạc và thống nhất với cha mẹ học sinh hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh, tổ chức ăn, nghỉ trưa, dạy bơi, hoạt động ngoại khoá,

Việc cung cấp suất ăn cho trường học, hiệu trưởng bàn bạc và thống nhất với cha mẹ học sinh hợp đồng với đơn vị có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật cung cấp suất ăn cho các trường không tổ chức nấu ăn. Các trường công lập đã được đầu tư bếp ăn từ nguồn ngân sách hoặc đã xã hội hoá từ các năm trước hình thành tài sản, công cụ, dụng cụ của trường. Khi hợp đồng đơn vị cung cấp dịch vụ cần tính toán đưa các công cụ, dụng cụ phục vụ bếp ăn vào giá trị đầu tư hợp tác để giảm kinh phí đầu tư ban đầu của doanh nghiệp, đồng thời giảm mức đóng góp của phụ huynh.

Tiền dạy bơi theo chương trình phổ cập bơi phòng, chống đuối nước, các trường được đầu tư hồ bơi, trang thiết bị dạy bơi được phòng Giáo dục và Ðào tạo bố trí thêm kinh phí để thanh toán tiền điện, duy tu bảo dưỡng hồ bơi, hợp đồng giáo viên dạy bơi cho học sinh tại trường và học sinh lân cận trên địa bàn.

Nếu kinh phí bố trí không đủ, hiệu trưởng bàn bạc thoả thuận mức thu với cha mẹ học sinh để chi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy tối đa bằng 80% mức thu, số còn lại tối thiểu 20% bổ sung vào nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị chi cho công tác quản lý, nhân viên phục vụ hồ bơi (nếu có) và sử dụng để chi sửa chữa nhỏ, mua sắm công cụ, dụng cụ, hoá chất và các nội dung chi khác phục vụ hồ bơi theo quy chế chi tiêu nội bộ.

Các trường chưa có hồ bơi, tổ chức dạy bơi cho học sinh theo hình thức đưa học sinh đến các trường được trang bị hồ bơi gần nhất để dạy bơi cho học sinh. Hiệu trưởng các trường không có hồ bơi, hằng năm đưa vào dự toán kinh phí tổ chức dạy bơi trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp tổ chức đưa học sinh đến hồ bơi ngoài nhà trường, các trường phải xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và thống nhất mức thu với phụ huynh.

Tiền học ngoại ngữ theo chương trình tiếng Anh do người nước ngoài giảng dạy và tổ chức dạy học môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2 theo chương trình GDPT 2018, ngoài thực hiện chương trình của Bộ GD&ÐT quy định, hiệu trưởng chọn chương trình giảng dạy (ngoại khoá) thêm các tiết dạy tiếng Anh do giáo viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy.

Nhà trường phối hợp với trung tâm ngoại ngữ được Sở GD&ÐT cấp phép hoạt động, hợp đồng giáo viên người nước ngoài có đủ điều kiện giảng dạy theo quy định. Chương trình, giáo trình theo quy định của Bộ GD&ÐT, số tiết dạy mỗi tuần, chi phí phụ huynh đóng góp do hiệu trưởng thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh và trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tiền hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM. Hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT của Bộ GD&ÐT ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá và các văn bản quy định khác của cấp có thẩm quyền.

Việc tổ chức dạy năng khiếu trong trường học ở các trường mầm non, tiểu học do hiệu trưởng thống nhất với cha mẹ học sinh nội dung, chương trình giảng dạy và thù lao chi trả giáo viên, trên cơ sở thống nhất với giáo viên. Kế hoạch bồi dưỡng, giảng dạy năng khiếu phải thống nhất trong toàn trường. Về nguyên tắc, việc giảng dạy kỹ năng sống, giảng dạy năng khiếu phải căn cứ nhu cầu tham gia trên tinh thần tự nguyện của học sinh, tuyệt đối không ép buộc học sinh tham gia.

Không thu các khoản trái quy ðịnh

Các cơ sở giáo dục công lập không tổ chức thu hộ các khoản thu của tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, cụ thể, các loại quỹ như quỹ Ðoàn, quỹ Ðội, quỹ Khuyến học, hội phí Chữ thập đỏ, quỹ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.... Các loại quỹ nêu trên đã có các tổ chức, đoàn thể liên quan hướng dẫn thực hiện thu chi, quản lý và sử dụng theo quy định.

 Cơ sở giáo dục công lập không tổ chức thu hộ các khoản thu phí dịch vụ, bảo hiểm thân thể và các loại bảo hiểm tự nguyện khác (trừ bảo hiểm y tế là bảo hiểm bắt buộc) của các tổ chức ngoài nhà trường, cụ thể các khoản thu hộ như bảo hiểm thân thể và các loại bảo hiểm tự nguyện khác...

Không phân công, giao quyền cho các thành viên trong nhà trường thực hiện ký hợp đồng cộng tác viên hoặc các hình thức thoả thuận khác để tổ chức thu các nội dung nêu trên trong nhà trường. Các đơn vị dịch vụ, cơ quan bảo hiểm liên hệ trực tiếp với cha mẹ học sinh để thoả thuận thống nhất việc thực hiện dịch vụ, mua bán các loại bảo hiểm theo nguyên tắc tự nguyện.

Căn cứ điểm b, Khoản 6 Ðiều 99 Luật Giáo dục năm 2019 “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh” có hiệu lực từ ngày 1.7.2020. Ðể phù hợp với quy định hiện hành, Sở GD&ÐT đã tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét ban hành nghị quyết.

Do đó, năm học 2020-2021 này, các cơ sở giáo dục công lập không thu các khoản cụ thể như sau: Tiền bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh trong nhà trường, tiền khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, tiền mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho nhà trường hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, tiền vệ sinh môi trường, tiền hỗ trợ các kỳ thi, tiền điện, tiền nước sinh hoạt (phí rác thải, vệ sinh sân trường, vệ sinh lớp học); tiền giấy kiểm tra, tiền mua vở có logo hình ảnh của trường, tiền mua sách vở tài liệu tham khảo, tiền công của phụ huynh đóng góp thay cho lao động của học sinh.

 Các khoản chi đã được quy định trong nội dung chi thường xuyên, đơn vị sử dụng dự toán ngân sách giao hằng năm để thanh toán cho các khoản không thu trên. Trường hợp nếu dự toán ngân sách chi thường xuyên không đủ chi, các đơn vị báo cáo với cơ quan quản lý trực tiếp (Phòng, Sở) báo cáo trình UBND các cấp xem xét giải quyết.

 Các khoản thu hưởng ứng các cuộc vận động mang tính từ thiện, nhân đạo, phong trào... nhà trường hoặc tổ chức đoàn thể cần làm cho học sinh hiểu rõ mục đích ý nghĩa của việc đóng góp để các em hưởng ứng một cách tự nguyện, không dùng biện pháp trực tiếp hay gián tiếp buộc học sinh đóng góp, không tự đề ra chỉ tiêu định mức cụ thể.

Học sinh Trường tiểu học Trương Ðịnh, TP. Tây Ninh ngày khai giảng năm học 2020 – 2021.

Công khai, minh bạch các khoản thu, chi

Nguồn thu học phí, các nguồn thu chi khác và các khoản tài trợ phải được công khai theo quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách Nhà nước hỗ trợ cũng như một số quy định khác của cấp có thẩm quyền.

Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức công khai đúng quy định và thông báo đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh, sinh viên thuộc đối tượng; hướng dẫn rõ các thủ tục thực hiện để học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh biết và làm thủ tục hưởng chế độ kịp thời.

Việt Ðông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh