Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xử lý tốt vấn đề môi trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội
Thứ bảy: 18:47 ngày 04/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tuy các cụm công nghiệp mới thu hút được 11 dự án nhưng các dự án này đều đã đầu tư các công trình xử lý chất thải theo quy định nên không gây tác động tiêu cực lớn đến môi trường. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để 2 cơ sở sản xuất công nghiệp, 9 cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ ít gây ô nhiễm và lắp đặt thiết bị xử lý chất thải để bảo vệ môi trường theo quy định.

Hệ thống xử lý nước thải của Công ty cổ phần cao su Tây Ninh.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát triển kinh tế phải đi đôi với vấn đề bảo vệ môi trường. Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội của tỉnh cũng nêu:…nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên, khoáng sản. Cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân. Đồng thời tăng cường các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn, từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên. Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn... Một khi vấn đề môi trường được xử lý tốt sẽ tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Chất lượng môi trường từng bước được cải thiện

Ông Nguyễn Đình Xuân- nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện đang là Bí thư huyện Tân Châu cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, về lĩnh vực môi trường, tỉnh đã giải quyết rất nhiều điểm nóng như: vụ các lò mì ở phường 3- một thời gian dài gây ô nhiễm; những cơ sở tiểu thủ công nghiệp, lò bún, cơ sở giết mổ ở Hiệp Ninh hay cụm lò mì ở Bình Minh trên địa bàn Thành phố; cụm lò gạch ở Hoà Thành... Tỉnh cũng đã xử lý được tình trạng bao, lấn chiếm đất rừng trồng cây sai mục đích; giải quyết cơ bản tình trạng cơ sở chế biến mía, mì, cao su gây ô nhiễm môi trường...

Theo Sở TN&MT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp và 6 cụm công nghiệp đang hoạt động. Các khu công nghiệp rất nỗ lực trong công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Đã có 5/5 khu công nghiệp lắp đặt hệ thống  tự động kết nối dữ liệu quan trắc đến Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh. Các nhà máy đầu tư bên trong khu công nghiệp đều được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Các nhà máy đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt quy định, thực hiện tốt công tác thu gom, quản lý chất thải rắn. Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp đều thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi hoạt động. Tuy các cụm công nghiệp mới thu hút được 11 dự án nhưng các dự án này đều đã đầu tư các công trình xử lý chất thải theo quy định nên không gây tác động tiêu cực lớn đến môi trường. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để 2 cơ sở sản xuất công nghiệp, 9 cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, trong năm 2015 và 2016, tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT tập trung xử lý triệt để việc xả nước thải của các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy chế biến mía đường, chế biến tinh bột khoai mì, nhà máy cao su, bệnh viện và các cơ sở sản xuất đang hoạt động trên lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, bắt buộc phải xử lý nước thải đạt cột A, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở chưa nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt cột A, đặc biệt là các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì và cao su.

Các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ ít gây ô nhiễm và lắp đặt thiết bị xử lý chất thải để bảo vệ môi trường theo quy định. Ngoài ra, tỉnh còn tích cực phối hợp với các tỉnh Long An, Tiền Giang và thành phố Hồ Chí Minh quan trắc nước sông Vàm Cỏ Đông với tần suất từ 4 - 12 lần/năm, vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5 hằng năm) đã tăng tần suất kiểm tra tại một số vị trí thường xảy ra cá chết ở rạch Tây Ninh và sông Vàm Cỏ Đông để theo dõi diễn biến chất lượng nước và có biện pháp xử lý, ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm.

Những nỗ lực đó đã tạo được bước chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của cộng đồng, doanh nghiệp, giảm dần số lượng và mức độ tác động của các nguồn thải chủ yếu gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường. Chất thải rắn, chất thải nguy hại và chất thải y tế được quản lý tốt hơn sau các hoạt động kiểm soát nguồn phát thải, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và đầu tư các công trình xử lý chất thải đạt quy định về môi trường. Độ che phủ của rừng tăng, bảo tồn đa dạng sinh học được cải thiện; tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh và bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường tăng.

Doanh nghiệp quan tâm bảo vệ môi trường

Hiện có 65/67 nhà máy chế biến tinh bột khoai mì đã xử lý nước thải đạt cột A, 2 nhà máy đang tạm ngưng hoạt động do chưa có phương án thiết kế và đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Trong khi 24 nhà máy chế biến cao su đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt cột A.

Sở TN&MT cũng cho biết, hiện nay, các nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp có quy mô xả nước thải ra môi trường từ 1.000m3/ngày đêm trở lên đang tích cực lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động và truyền số liệu trực tiếp về Sở để theo dõi, giám sát.

Ông Nguyễn Nhật Long- Giám đốc Công ty TNHH Hoà Hiệp Hưng, doanh nghiệp chế biến tinh bột mì cho biết, ông đã cho lắp đặt hệ thống xử lý nước thải hiện đại với màng lọc sinh học MBR theo công nghệ Nhật Bản, tiết kiệm diện tích xây dựng, hạn chế dùng hoá chất và nước thải hoàn lưu có thể sử dụng tiếp tục cho sản xuất kinh doanh xử lý nước thải đạt chuẩn. Đây là công trình được ngành TN&MT kiểm tra thường xuyên, lấy mẫu nước thải kiểm nghiệm đạt chuẩn và đã được Sở cấp phép xả thải với lưu lượng xử lý 1.500m3 nước thải/ngày đêm. Với công nghệ này, nước thải xả ra hồ chứa có thể nuôi cá như nước ao, hồ tự nhiên. “Chính nhờ đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại, mà sản phẩm của công ty được thị trường đón nhận tích cực hơn”- ông Long chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Xuân cho rằng, trong thời gian tới, cần phải quan tâm đặc biệt đến việc xử lý môi trường đối với những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Tây Ninh có khoảng 3.000 cơ sở ở khắp nơi trong tỉnh như các lò giết mổ gia súc, cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu, kể cả cơ sở rửa xe, nhà ăn, nhà hàng... Tuy rằng, mỗi cơ sở nhỏ lẻ thải ra lượng nước thải không lớn, nhưng nhiều cơ sở cộng lại cũng bằng nhiều nhà máy lớn. Hơn nữa, phải xử lý nước thải sinh hoạt đô thị mới bảo vệ được các dòng sông. Mặt khác, chính quyền cần có giải pháp hỗ trợ về kỹ thuật, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có điều kiện xử lý chất thải. Bởi thực tế, việc xử lý nghiêm túc vấn đề môi trường làm cho sản xuất phát triển tốt hơn, lành mạnh hơn và hài hoà lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội.

HẢI NAM

Tin cùng chuyên mục