Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xử lý trên 1.300 ha đất trồng cây sai quy định để chuyển sang trồng rừng
Thứ tư: 05:15 ngày 26/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành kế hoạch xử lý các trường hợp trồng cây nông nghiệp sai quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc và Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm, thu hồi và đưa toàn bộ 1.320,3 ha đất trồng cây nông nghiệp không đúng quy định tại 2 dự án rừng kể trên để chuyển sang trồng rừng và khoanh nuôi, tái sinh lại cây rừng theo đúng quy định của pháp luật.

Ảnh minh hoạ.

Để công việc xử lý các vi phạm đúng theo kế hoạch, đạt hiệu quả, tỉnh yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý những trường hợp vi phạm, như các Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và UBND các huyện Tân Biên, Tân Châu phải kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, công bằng, nghiêm minh.

Đối tượng vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức tỉnh, huyện, xã và viên chức, người lao động đang làm việc tại Ban quản lý các dự án rừng hoặc đã nghỉ hưu phải xử lý trước để làm gương; nếu không chấp hành sẽ thông báo cho đơn vị hoặc địa phương để kiểm điểm, xử lý.

Theo kết quả rà soát diện tích đất trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất trồng cây lâm nghiệp tại 2 khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc và Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, tỉnh ghi nhận còn 1.320,3 ha của trên 800 đối tượng đang bao chiếm trồng các loại cây cao su, cây ăn quả, mì, lúa...  sai quy định.

Trong đó, Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng có 1.229,5 ha, Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc 90,8 ha.

Phương thức xử lý được tỉnh đưa ra là xác định đối tượng vi phạm, vận động người đang sử dụng thu hoạch ngay sản phẩm, thanh lý vườn cây để chuyển đất sang hợp đồng nhận khoán trồng rừng theo mô hình phù hợp.

Nếu không chấp hành, củng cố hồ sơ, hoàn chỉnh thủ tục cưỡng chế, Ban quản lý rừng thu hồi lại đất, tổ chức giao khoán cho các hộ dân khác trồng rừng.

Đối với diện tích đất thuộc vùng trảng, trũng ngập nước theo mùa đang trồng lúa, sau khi xử lý tạm thời cho người dân tiếp tục sử dụng để sản xuất, ổn định cuộc sống, người sử dụng phải cam kết (được UBND xã xác nhận) không được phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khi có mô hình trồng rừng phù hợp, phải chuyển sang trồng rừng theo quy định.

Lê Đức Hoảnh 

Tin cùng chuyên mục