Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xuân mới trên quê hương “cái nôi cách mạng”
Thứ bảy: 01:27 ngày 06/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nằm ở cánh Tây thị xã Trảng Bàng, cũng là vùng cực Tây Nam của tỉnh, tiếp giáp với tỉnh Long An và nước láng giềng Campuchia, xã Phước Chỉ là một trong những “cái nôi cách mạng” của tỉnh Tây Ninh. Ðây là một trong những nơi hình thành cơ sở Ðảng đầu tiên của tỉnh ta.

Xuân này, bà con xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng rất phấn khởi khi trục lộ chính ngang qua địa phương vừa được nâng cấp rộng rãi, phẳng lỳ; nhiều công trình giao thông quan trọng khác hướng về xã, cũng như nhiều con đường, chiếc cầu trên địa bàn được đầu tư nâng cấp, hoặc xây dựng mới. Diện mạo xã đổi thay chưa từng có. Ðời sống của người dân được nâng cao so với trước. Một địa phương vùng sâu, miền sông nước, biên giới gặp rất nhiều khó khăn, nay đã thay da đổi thịt hoàn toàn và cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. 

Nằm ở cánh Tây thị xã Trảng Bàng, cũng là vùng cực Tây Nam của tỉnh, tiếp giáp với tỉnh Long An và nước láng giềng Campuchia, xã Phước Chỉ là một trong những “cái nôi cách mạng” của tỉnh Tây Ninh. Ðây là một trong những nơi hình thành cơ sở Ðảng đầu tiên của tỉnh ta. Hơn 80 năm trước, ở vùng sông nước miền biên giới này đã có tổ chức cơ sở Ðảng và những cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng rất sôi nổi.

Theo Lịch sử Ðảng bộ tỉnh, vào khoảng năm 1936-1937, ở Phước Chỉ có một nhóm thanh niên yêu nước gồm các ông Lê Văn Vẳng, Dương Quang Thạnh và Bùi Quang Ngỡi, dưới sự chỉ đạo của một cán bộ Tổng uỷ Cầu An Thượng (thuộc Quận uỷ Ðức Hoà, Long An ngày nay) đã đứng ra thành lập Hội Ái hữu giúp nhau cày cấy, lo liệu ma chay, đám cưới, đám giỗ, ốm đau, túng thiếu…

Hội phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều thanh niên vào làm việc nghĩa và được quần chúng đồng tình ủng hộ. Ở chợ Rạch Tràm (nay là ấp Phước Bình, xã Phước Chỉ) có nhóm đấu tranh xin giảm thuế được nhân dân rất ủng hộ.

Ðến năm 1938, phong trào quần chúng ở xã Phước Chỉ hoạt động công khai khá mạnh, đủ điều kiện thành lập một Uỷ ban Hành động và đặt trụ sở tại chợ Rạch Tràm. Tháng 8.1938, nhân lúc Tỉnh trưởng Tây Ninh Renoux đi xem xét tình hình và tổ chức một cuộc diễn thuyết trước quần chúng, Uỷ ban Hành động vận động hàng trăm quần chúng đến nghe.

Rồi nhân đó chuyển cuộc nghe diễn thuyết thành cuộc biểu tình đòi giảm thuế. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, Tỉnh trưởng Renoux phải xuống giọng nhận bản yêu sách và hứa báo cáo lên Thống đốc Nam kỳ xem xét giải quyết.

Cuộc đấu tranh của quần chúng giành thắng lợi bước đầu. Sau cuộc đấu tranh, các ông Vẳng, Thạnh, Ngỡi được Tổng uỷ Cầu An Thượng kết nạp vào Ðảng, hình thành cơ sở Ðảng ở vùng Phước Chỉ. Trải qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân Phước Chỉ anh dũng đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Ðầu năm 1996, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Phước Chỉ được Nhà nước tuyên dương Anh hùng.

Với đặc thù vùng sông nước, giao thông đường bộ trắc trở, quanh năm hầu hết nông dân chỉ độc canh cây lúa, nên những năm trước đây, nhìn chung đời sống của người dân Phước Chỉ còn nhiều khó khăn. Do dòng sông Vàm Cỏ Ðông ngăn cách, bà con muốn về huyện lỵ bằng đường bộ, phải đi theo con đường Phước Chỉ - An Thạnh vòng qua địa bàn huyện Bến Cầu, rồi ngang qua huyện Gò Dầu, mới về tới địa phận Trảng Bàng.

Nếu không đi theo lộ trình này, người dân ở đây đi phà ngang qua bến đò Lộc Giang (xã Lộc Giang, huyện Ðức Hoà, tỉnh Long An) rồi ngược về xã An Hoà (nay là phường An Hoà) đến huyện lỵ. Những năm gần đây, ngoài bến phà Lộc Giang- Phước Chỉ, có thêm bến phà An Hoà- Lái Mai (cũng thuộc xã Phước Chỉ) đưa khách sang sông. Nhờ vậy, việc lưu thông của bà con Phước Chỉ có phần thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hoá và đi lại của người dân cũng còn hạn chế.

Từ đầu năm 2020, bà con Phước Chỉ rất phấn khởi khi Nhà nước đầu tư và khởi công xây dựng cùng lúc nhiều công trình giao thông trên địa bàn xã. Ðó là công trình sửa chữa toàn bộ tuyến đường An Thạnh- Phước Chỉ, nối từ đường Xuyên Á (tại ngã ba xã An Thạnh- huyện Bến Cầu) qua địa bàn xã Phước Bình đến Phước Chỉ.

Ðến cuối tháng 12.2020, con đường này đã hoàn thành đoạn qua địa bàn Phước Chỉ. Bà con ở đây tích cực đóng góp cùng với Nhà nước làm cho đoạn đường xanh, sạch, đẹp hơn bằng cách cùng chính quyền địa phương trồng hoa giấy hai bên đường.

Cũng trong năm 2020, con đường Rạch Mương Ðào, nối từ bến phà Lộc Giang - Phước Chỉ vào hương lộ 8 được lãnh đạo thị xã Trảng Bàng đầu tư nâng cấp láng nhựa; rồi toàn tuyến hương lộ 8 cũng được sửa chữa nâng cấp.

Ðặc biệt là công trình cầu An Hoà bắc qua sông Vàm Cỏ Ðông đang được xây dựng. Khi cầu An Hoà hoàn thành đưa vào sử dụng, không chỉ riêng bà con các xã cánh Tây của thị xã Trảng Bàng hưởng lợi, người dân các khu vực lân cận thuộc huyện Ðức Huệ (tỉnh Long An) cũng có phần, vì đây là con đường ngắn nhất cho bà con vùng biên giới giáp với cánh Tây Trảng Bàng đến với nội thị thị xã Trảng Bàng.

Cùng với việc làm cầu, con đường Lái Mai qua địa bàn Phước Chỉ và Phước Bình đang được Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng. Không chỉ vậy, những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn xã được Nhà nước cùng với nhân dân tập trung đầu tư xây dựng. Ðến nay, địa bàn xã có 49 tuyến đường được thi công nhựa hoá, bê tông xi măng, sỏi đỏ, nâng cấp cứng hoá... với tổng chiều dài trên 64km, và 27 công trình cầu với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 103 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng.

Phần lớn người dân Phước Chỉ sống bằng nghề nông. Những năm gần đây, nông dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đạt hiệu quả cao. Hầu hết diện tích đất nông nghiệp đều được cơ giới hoá trong sản xuất. Giá trị tạo ra bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp trong năm 2020 là trên 80 triệu đồng/năm.

Trong những năm qua, được các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng khuyến khích và tạo nhiều điều kiện thuận lợi, một bộ phận người dân ở đây mạnh dạn đầu tư phát triển các ngành nghề - nhất là các nghề chế biến đặc sản địa phương như: mắm chua, cà na muối, nước mắm cà cuống, rau móp muối chua, chuối nước, rau thuỷ canh...

Cùng với nông nghiệp, người dân ngày càng quan tâm đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Ðây là nét mới của địa phương vùng nông thôn, biên giới. Trên địa bàn có 23 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, 12 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, 2 doanh nghiệp, 66 hộ kinh doanh có môn bài.

Từ đó, đời sống nhân dân từng bước nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 5,6%, đến nay giảm xuống còn 0,44%; thu nhập bình quân của người dân năm 2011 là 16,5 triệu đồng/năm, đến năm 2020 tăng lên 59,2 triệu đồng/năm.

Thu nhập ngày càng được nâng cao, nhiều hộ dân có điều kiện xây cất nhà cửa khang trang. Những hộ khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách được chính quyền địa phương xem xét, vận động xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa. 10 năm qua, từ ngân sách tỉnh, Thị xã và vận động mạnh thường quân hỗ trợ, UBND xã Phước Chỉ đã xây mới và sửa chữa 74 căn nhà tình nghĩa, xây mới 104 nhà đại đoàn kết. Trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Ngọc Hân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục