Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
TÌNH HÌNH KHAI THÁC CÁT TRONG KHU VỰC HỒ DẦU TIẾNG:
Xuất hiện “tàu lạ” (!?)
Thứ hai: 06:09 ngày 06/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mới đây, khi tổ kiểm tra kiểm đếm các phương tiện khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng lại phát hiện 11 tàu không biển số, nằm trôi nổi trong các suối nhánh phía tỉnh Bình Dương và 2 tàu tương tự trong các suối nhánh phía tỉnh Bình Phước.

Tàu khai thác cát đang hoạt động trong hồ Dầu Tiếng (ảnh minh hoạ)

Năm 2019, Tây Ninh và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước ban hành văn bản về việc tạm ngưng khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng để tổng kiểm tra tàu khai thác cát của các doanh nghiệp trong hồ Dầu Tiếng nhằm chấn chỉnh, đưa hoạt động này đi vào nề nếp, đúng quy định pháp luật.

Sau đợt kiểm tra tổng thể này, công tác kiểm đếm tàu khai thác cát được cơ quan có thẩm quyền các tỉnh, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà thực hiện kỹ càng nhằm trục xuất số tàu không nằm trong danh sách đăng ký của các doanh nghiệp ra khỏi hồ Dầu Tiếng; bảo đảm các doanh nghiệp khai thác đúng với số lượng tàu đã đăng ký, đăng kiểm… không để xảy ra tình trạng thất thoát khoáng sản.

HIỆU QUẢ RÕ RỆT

Kết quả kiểm tra gần đây cho thấy, số phương tiện khai thác là 178, trong đó, tỉnh Tây Ninh là 111. So với lần kiểm tra năm 2018 là 162- giảm 51 phương tiện, so với lần kiểm tra năm 2020 là 94 phương tiện- tăng 17.

Trong đó, 95 phương tiện được Sở Công Thương thẩm định công suất, 16 phương tiện chưa được thẩm định; tỉnh Bình Dương 40 phương tiện, trong đó 22 phương tiện có trong kế hoạch khai thác, 7 phương tiện không có trong kế hoạch khai thác, 11 phương tiện nằm trôi nổi ở các suối nhánh.

So với lần kiểm tra năm 2018 giảm 9 phương tiện, so với lần kiểm tra năm 2020 giảm 33 phương tiện; tỉnh Bình Phước là 7 phương tiện (3 phương tiện đang sửa chữa), 2 phương tiện đang khai thác có biển số: NA 05-04-21HS, NA 06-04-21HS, 2 phương tiện nằm trôi nổi.

Tổng số bến bãi là 24, trong đó Tây Ninh là 14 bến- so với lần kiểm tra năm 2018 là 18 bến, giảm 4 bến, so với năm 2020 là 14 bến bãi, không tăng; Bình Dương 9 bến- so với năm 2018 là 19 bến, giảm 10 bến, so với năm 2020 là 4 bến, tăng 5 bến; tỉnh Bình Phước là 1 bến.

Cơ bản, các doanh nghiệp chấp hành tốt và khẩn trương liên hệ cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục còn thiếu sót để được cho phép hoạt động trở lại. Các đơn vị hoạt động khai thác được cấp bến thuỷ nội địa theo quy định; phương tiện khai thác có gắn logo, định vị hành trình và đúng theo công suất thẩm định của Sở Công Thương; đã lắp đặt camera, trạm cân, lưu truyền dữ liệu từ trạm cân vào máy tính và được cơ quan có chức năng tiến hành đăng kiểm đưa vào hoạt động; xây dựng ao lắng; hoàn thành nghĩa vụ tài chính; được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động trong công trình thuỷ lợi theo quy định, mỗi giấy phép chỉ 1 bến bãi.

CẦN LÀM RÕ NGUỒN GỐC SỐ “TÀU LẠ”

Tuy nhiên mới đây, khi tổ kiểm tra kiểm đếm các phương tiện khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng lại phát hiện 11 tàu không biển số, nằm trôi nổi trong các suối nhánh phía tỉnh Bình Dương và 2 tàu tương tự trong các suối nhánh phía tỉnh Bình Phước.

Đây là vấn đề mà 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà (đơn vị chủ hồ) phải làm rõ, vì sao sau nhiều lần kiểm đếm, hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng để khai thác cát đúng quy định. Vậy mà cứ kiểm tra là lại phát hiện thêm “tàu lạ”?

Một doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng (thuộc địa phận huyện Dương Minh Châu) bức xúc, khi tỉnh ban hành quy định đăng ký các tàu nằm trong danh sách, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải đưa số tàu không nằm trong danh sách đăng ký ra khỏi hồ, các doanh nghiệp trong tỉnh Tây Ninh đều chấp hành tốt. Nhiều doanh nghiệp “bấm bụng” bán ve chai số tàu bị trục xuất, chưa kể việc phải lắp đặt trạm cân, gắn định vị, thiết bị hành trình… tốn không ít chi phí. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng làm rõ nguồn gốc số “tàu lạ” trên.

Ông Trần Quang Hùng, Giám  đốc Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà cho rằng, có thể số “tàu lạ” trên đã bị bỏ sót khi kiểm kê hoặc chủ tàu lén lút đưa vào hồ nhưng do lực lượng bảo vệ hồ mỏng nên không phát hiện.

Cũng có thể khi đoàn kiểm tra đi kiểm kê, họ đưa tàu trốn vào kênh rạch (!?). Ông Trần Quang Hùng khẳng định Công ty sẽ phối hợp cơ quan chức năng các tỉnh có liên quan có biện pháp trục xuất số “tàu lạ” trên ra khỏi hồ Dầu Tiếng.

THIÊN TÂM

Tin cùng chuyên mục