Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xung quanh việc thu hồi đất làm dự án điện năng lượng mặt trời
Thứ sáu: 06:20 ngày 07/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Toàn bộ diện tích đất 720 ha thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời 1, 2, 3 đều nằm trong tổng diện tích 20.620,47 ha được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà quản lý.

Ngày 26.4.2005, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 376/QÐ-CT giao vùng đất bán ngập này Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng quản lý và sau đó được thay thế bằng Quyết định số 2812/QÐ-UBND ngày 9.12.2014. Như vậy, toàn bộ diện tích đất 720 ha thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời 1, 2, 3 đều nằm trong tổng diện tích 20.620,47 ha được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà quản lý.

Theo báo cáo dự đoán của Tổ chức Năng lượng quốc tế (International Energy Agency), đến năm 2050, mặt trời có thể sẽ trở thành nguồn điện năng lớn nhất, xếp trên cả nhiên liệu hoá thạch, năng lượng gió, thuỷ năng và năng lượng hạt nhân. Trong ảnh, hệ thống bảng điện mặt trời trên mái siêu thị Auchan, TP. Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông.

Một công trình mang lợi ích lớn cho địa phương

Dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2 và 3 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện, và được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Ðịa điểm được chọn thực hiện dự án là khu vực đất bán ngập hồ Dầu Tiếng, thuộc địa bàn hai huyện Tân Châu và Dương Minh Châu. Cụ thể là các xã Tân Phú, Tân Hưng và Suối Ðá.

Trong đó, dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1 có quy mô công suất 150MW, diện tích sử dụng đất khoảng 216 ha. Tổng vốn đầu tư khoảng 4 ngàn tỷ đồng. Dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 2 có quy mô công suất 200 MW, diện tích sử dụng đất khoảng 288 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 5 ngàn tỷ đồng. Dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 3 có quy mô công suất 150MW, diện tích sử dụng đất khoảng 216 ha. Tổng vốn đầu tư khoảng 3.662 tỷ đồng.

Với tổng công suất 500MW, 3 dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1, 2 và 3 là dự án điện năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay, và là một trong những dự án điện năng lượng mặt trời quy mô tầm khu vực.

Việc triển khai thực hiện dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1, 2, 3 là sự cụ thể hoá mục tiêu của tỉnh và nhà đầu tư nhằm đưa Tây Ninh thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn của Việt Nam và khu vực. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ phát huy được tiềm năng to lớn về năng lượng mặt trời ở địa phương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Ðồng thời, các nhà máy điện năng lượng tự nhiên này còn góp phần làm giảm áp lực cung cấp điện từ các nhà máy phát điện sử dụng nhiên liệu truyền thống, từ đó giảm lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Ngày 4.1.2018, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Thông báo số 48/TB-UBND về việc thu hồi đất thuộc quyền sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (trước đây là Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng, gọi tắt là chủ hồ). Khu vực thực hiện dự án là vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng từ cao trình 24,4m xuống cao trình 22m, do Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà quản lý.

Ðến ngày 7.5.2018, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 1227/QÐ-UBND thu hồi 7.200.000m2 đất thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà để thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2, 3; đồng thời ban hành Quyết định số 1228/QÐ-UBND cho Công ty TNHH Xuân Cầu (nay là Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh) thuê đất để thực hiện dự án trên.

Theo kế hoạch, để thực hiện dự án rất quan trọng này, nhà đầu tư cần khoảng 720 ha đất bán ngập; trong đó, xã Tân Phú 65,45 ha, xã Tân Hưng 271,05 ha và xã Suối Ðá 383,58 ha. Trên diện tích đất bán ngập do Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà quản lý, nhiều năm qua đã có một số hộ dân tận dụng để sản xuất nông nghiệp theo thời vụ, chủ yếu là trồng cây khoai mì (khoảng 99%). Theo thống kê ban đầu, có 3 tổ chức, 175 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án.

Do đây là đất công nên khi giao trả đất thực hiện dự án, người dân không được đền bù về đất. Dù vậy, nhằm hỗ trợ người dân có điều kiện ổn định cuộc sống, nhà đầu tư vận dụng chính sách lập kế hoạch hỗ trợ trên diện tích canh tác thực tế; hỗ trợ nhà cửa, công trình, vật kiến trúc hình thành trước khi có thông báo bàn giao mặt bằng tương ứng với 40% mức bồi thường, hỗ trợ xây dựng mới nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo đơn giá tại Quyết định số 81/2014/QÐ-UBND ngày 31.12.2014 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc ban hành bảng đơn giá nhà, công trình xây dựng, vật kiến trúc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; hỗ trợ cây trái, hoa màu hình thành trước khi có thông báo thu hồi đất bằng 100% theo đơn giá tại Quyết định số 62/2015/QÐ-UBND ngày 29.12.2015 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc ban hành bảng giá bồi thường, hỗ trợ hoa màu, cây trái và vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Như vậy, có thể nói đây là sự quan tâm chia sẻ rất lớn của nhà đầu tư đối với các hộ dân đang tận dụng đất bán ngập để sản xuất theo thời vụ. Do các hộ dân không thuộc diện đền bù về đất theo Luật Ðất đai, nên chủ đầu tư sẽ không được khấu trừ các khoản kinh phí hỗ trợ vào giá thuê đất theo quy định như các dự án khác.

Theo UBND huyện Tân Châu, trên địa bàn các xã Tân Hưng và Tân Phú có 133 hộ gia đình, cá nhân và 4 tổ chức đang tận dụng đất bán ngập thuộc diện phải bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Trong đó, xã Tân Hưng có 86 hộ gia đình, cá nhân và 4 tổ chức; xã Tân Phú có 47 hộ gia đình, cá nhân. Còn theo UBND huyện Dương Minh Châu, tổng diện tích đất thuộc phạm vi dự án trên địa bàn huyện là 383 ha, trong đó đất do các hộ dân đang tận dụng canh tác là 354 ha/107 hộ, còn lại 29 ha là đất trống.

Ðất thực hiện dự án là đất công

Từ khi dự án được triển khai, trên địa bàn hai huyện Tân Châu và Dương Minh Châu phát sinh tình trạng khiếu nại về tiền hỗ trợ. Một số hộ khiếu nại cho rằng đây là đất được gia đình khai phá, sử dụng ổn định không tranh chấp từ nhiều năm qua, và không phải đất của Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà quản lý. Một số hộ cũng đề nghị chính quyền và nhà đầu tư xem xét lại mức hỗ trợ về đất, cây trồng cho phù hợp với thị trường hiện nay. Tuy nhiên, đây là đất công, các hộ dân không phải là đối tượng thuộc diện đền bù theo Luật Ðất đai, nên mức hỗ trợ của nhà đầu tư là mức vận dụng, không phải là mức kinh phí theo pháp luật quy định và bắt buộc phải có. Theo nguyên tắc, các hộ dân phải tự thu hoạch hoa màu và bàn giao lại đất cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng Phước Hoà để từ đó công ty sẽ bàn giao lại cho chủ đầu tư triển khai xây dựng, mà không có bất cứ khoản hỗ trợ nào từ phía chủ đầu tư.

UBND các huyện Tân Châu và Dương Minh Châu đã giao các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc giải quyết những trường hợp khiếu nại theo trình tự và quy định của pháp luật. Ðồng thời, hai huyện trên cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ hơn về nguồn gốc đất thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời 1, 2, 3 cũng như các chủ trương, chính sách có liên quan đến dự án; hiểu rõ về lợi ích to lớn trên các mặt kinh tế, xã hội mà dự án này mang lại cho tỉnh nhà, và nhân dân là những người được thụ hưởng. Ðến nay, đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng từ dự án đã đồng thuận với chủ trương chung, nhiều hộ dân tự nguyện thu hoạch cây trồng và giao mặt bằng để nhà đầu tư triển khai dự án theo tiến độ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc thu hồi đất để triển khai dự án điện năng lượng mặt trời 1, 2, 3, Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở TN&MT) đã phối hợp với hai huyện Tân Châu, Dương Minh Châu triển khai một số công việc như: điều tra, khảo sát tình hình sử dụng đất... Kết quả điều tra cho thấy, khu vực đất thực hiện dự án là đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng, từ cao trình 24,4m trở xuống đã được giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà quản lý theo Quyết định số 2812/QÐ-UBND ngày 9.12.2014. Tuy nhiên, có một số hộ dân vẫn tận dụng đất bán ngập để canh tác theo thời vụ (chủ yếu là trồng mì).

Sở TN&MT cũng xác định Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà được UBND tỉnh giao 202.604.764,7m2 đất từ cao trình 24,4m trở xuống từ năm 2014. Nay nếu UBND tỉnh thu hồi đất thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời từ cao trình 24,4m xuống cao trình 22m tức là thu hồi đất từ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà chứ không phải thu hồi từ các hộ gia đình hay cá nhân nào.

Hơn nữa, tại thời điểm 1985, khi hồ Dầu Tiếng được đóng đập tích nước thì toàn bộ diện tích từ cao trình 24,4m trở xuống trong hồ đều được xác định là đất do Nhà nước quản lý (thời điểm này chưa có Luật Ðất đai cũng như bất kỳ văn bản pháp lý nào về công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng).

Khu đất thực hiện dự án ở Tân Hưng.

Căn cứ theo các quy định được bồi thường về đất, những hộ sản xuất trong vùng đất bán ngập từ cao trình 24,4m trở xuống ở vùng dự án điện năng lượng mặt trời 1, 2, 3 không thuộc đối tượng được bồi thường, cũng không phải là đối tượng bị thu hồi đất. Còn căn cứ vào Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH10 quy định về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, việc sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi khi chưa được phép là hành vi bị nghiêm cấm.

Theo Thông tư số 03.2012/TT-BTNMT quy định việc quản lý, sử dụng đất vùng bán ngập lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi thì việc sử dụng đất vùng bán ngập phải có phương án cụ thể. Tại Ðiều 7 của Thông tư trên quy định “Hình thức giao khoán đất vùng bán ngập”, đất vùng bán ngập chỉ được giao khoán để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp theo mùa vụ hoặc theo chu kỳ cây trồng, chu kỳ nuôi trồng thuỷ sản; không quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi vùng bán ngập.

 Ðược biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho UBND các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu phối hợp với chủ hồ thống kê rà soát lại đất bán ngập, xây dựng kế hoạch giao khoán lại cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện để sản xuất theo đúng quy định.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn của dự án năng lượng mặt trời đối với sự phát triển của tỉnh và rộng hơn là khu vực, với chính sách hỗ trợ hợp lý bảo đảm lợi ích hài hòa của người dân, với sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị và người dân; chúng ta có quyền tin vào sự phát triển và thành công của dự án điện mặt trời, từ đó góp phần lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất Tây Ninh trung dũng kiên cường.

ÐÌNH CHUNG

Tin cùng chuyên mục