Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng:
Ý nghĩa đặc biệt với báo giới cả nước
Thứ năm: 14:37 ngày 08/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng với lớp dạy làm báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với giới báo chí và các cơ sở đào tạo báo chí trong cả nước, là dấu son lịch sử quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam.

Ngày 18/1/2024, Hội Nhà báo Việt Nam khởi công xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái (Đại Từ). Ngày mai (9/8/2024), công trình được khánh thành. Hoàn thành một công trình mang tính nghệ thuật, văn hóa và lịch sử cao trong quãng thời gian không dài, lại từ nguồn kinh phí xã hội hóa, thể hiện quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn và dày công của Hội Nhà báo Việt Nam. Công trình có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với báo giới cả nước.

Công trình được xây dựng trên diện tích 859m2, gồm 3 hạng mục: Nhà Tổng bộ Việt Minh phỏng dựng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống; Nhà dạy học làm báo gồm 2 tầng, được xây mới trên cơ sở thiết kế theo hình ảnh tư liệu; các hạng mục khác (nhà bia, tường rào, cổng, nhà bảo vệ…).

Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được xây dựng trên diện tích 859m2, nằm bên bờ hồ Núi Cốc.

Trước đó, ngày 28/3/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đối với Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại khu vực khoanh định Di tích ở xã Tân Thái (Đại Từ). Trên cơ sở đó, ngày 4/4/2019, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức khánh thành Bia Di tích lịch sử Quốc gia nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
 

Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng với lớp dạy làm báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với giới báo chí và các cơ sở đào tạo báo chí trong cả nước, là dấu son lịch sử quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại buổi Lễ.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Lễ khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo Nhà bia di tích lịch sử quốc gia Báo Nhân Dân ra số đầu tiên (11/3/1951) tại xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa (ngày 10/7/2024).

Với mong muốn phát huy giá trị lịch sử của Di tích, giúp Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trở thành điểm đến của công chúng báo chí nói chung và người làm báo nói riêng, đáp ứng mong mỏi của các thế hệ người làm báo cả nước, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đối với thế hệ trẻ, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên lập kế hoạch xây dựng Khu lưu niệm và trưng bày tại Địa điểm Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tân Thái (Đại Từ).

Phù điêu gồm 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường.

Phù điêu gồm 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Mong muốn và kế hoạch đầy ý nghĩa này sẽ không thể trở thành hiện thực nếu không có nguồn kinh phí. Đây chính là mối quan tâm lớn nhất của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam. Rất may mắn là Hội đã có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Sau khi nắm được thông tin về dự án vô cùng quan trọng này, các đồng chí lãnh đạo của Petrovietnam đã quyết định dành cho Hội Nhà báo Việt Nam một khoản hỗ trợ tài chính đủ để trang trải phần lớn kinh phí thực hiện dự án.
 

Ngoài những hồ sơ, tài liệu, hiện vật do Bảo tàng Báo chí Việt Nam dày công sưu tầm, chuẩn bị, với quyết tâm rất cao của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng còn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Nguyên và ngành Văn hóa. Có thể khẳng định, nếu không có sự phối hợp rất tích cực và nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ thì tiến độ công trình không thể nhanh chóng như vậy.

Cụ thể, UBND huyện Đại Từ đã có Văn bản số 1491/UBND-TNMT từ ngày 12/7/2023 về việc phối hợp thực hiện lập Dự án đầu tư xây dựng Khu lưu niệm tại Địa điểm Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tân Thái theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam; huyện cũng là nơi cấp giấy phép xây dựng cho công trình và sau này là nơi tiếp nhận và quản lý Di tích. Huyện Đại Từ đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ đầu tư là Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong quá trình thực hiện công trình.

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 3415/QĐ-UBND ngày 28/12/2023 phê duyệt Dự án và giao Bảo tàng Báo chí Việt Nam làm chủ đầu tư. Đây là căn cứ quan trọng nhất để từ đó tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ sát sao, gồm Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường...

Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (ngày 18/1/2024). Ảnh: T.L

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (ngày 18/1/2024). Ảnh: T.L

Đến nay, công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính. Cùng với Bia Di tích dựng từ năm 2019 đã được tu bổ, tôn tạo, công trình còn có các cấu phần: 1-Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu, xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy;
 

2-Ngôi nhà sàn - Bảo tàng thu nhỏ về báo chí kháng chiến Việt Bắc giai đoạn 1946-1954, rộng 80m2, phỏng dựng theo ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến;

3-Phù điêu với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường;

4-Hội trường trong lòng đồi có thể phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, có sức chứa khoảng 150 người;

5-Quảng trường mini phục vụ tổ chức sự kiện, rộng 200m2. Xung quanh có những khu vườn nhỏ trồng cây xanh tươi mát trong một không gian rất thoáng đãng.

Không chỉ là một bảo tàng báo chí Việt Bắc thu nhỏ, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng còn là một di tích quan trọng trong toàn bộ hệ thống di tích lịch sử cách mạng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Trung ương, Chính phủ, chiến khu Việt Bắc và trên hết là “địa chỉ đỏ” của báo chí cách mạng Việt Nam, nơi nhắc nhớ, giáo dục các thế hệ làm báo về nguồn cội.

Hội Nhà báo Việt Nam dự kiến sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đưa Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vào danh mục các điểm tham quan tại “Thủ đô gió ngàn” - Thủ đô của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (gồm Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn), trong đó Thái Nguyên giữ vị trí đặc biệt quan trọng, vị trí trung tâm của “Thủ đô kháng chiến”.

Hội Nhà báo Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến các hội nhà báo địa phương, các liên chi hội và chi hội nhà báo trong toàn quốc với mong muốn tất cả giới báo chí thấy rõ tầm quan trọng của di tích này, từ đó coi đây là một “địa chỉ đỏ” để các nhà báo, nhất là những nhà báo trẻ hướng về nguồn để tìm hiểu lịch sử báo chí hào hùng, nghe kể chuyện về lớp lớp đàn anh đi trước và xây đắp cho tương lai của báo chí nước nhà.

Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cũng có thể là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo về báo chí, tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, hoặc là nơi tổ chức phát thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, lễ trao các giải báo chí khu vực và địa phương… Tin tưởng rằng các hội nhà báo, cơ quan báo chí sẽ dành sự quan tâm thỏa đáng và có nhiều hoạt động sôi nổi, giúp cho địa điểm này thường xuyên có nhiều người đến thăm và tham gia các sự kiện ý nghĩa với nghề báo.

Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cũng là một trong những công trình, hoạt động quan trọng, có ý nghĩa thiết thực hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Nằm bên bờ hồ Núi Cốc, Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ là một điểm thu hút khách du lịch đến Thái Nguyên.

Nằm bên bờ hồ Núi Cốc, Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ là một điểm thu hút khách du lịch đến Thái Nguyên.

Trước đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có chỉ đạo từ rất sớm về các hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các đơn vị thành viên về nội dung này.

Đến nay, một số hội nhà báo địa phương và cơ quan báo chí cũng đã bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị riêng. Trong thời gian từ nay đến tháng 6-2025 sẽ có rất nhiều hoạt động đa dạng và thiết thực từ cấp Trung ương đến địa phương, từ các cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện, quy mô lớn đến những cơ quan báo chí với số lượng nhân sự ít.

Dịp 21/6/2024, Hội Nhà báo Việt Nam đã kêu gọi tất cả các cơ quan báo chí, hội nhà báo, liên chi hội, chi hội nhà báo trên toàn quốc xây dựng phong trào thi đua, nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn để tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng cao; đồng thời tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và quán triệt thực hiện đạo đức nghề báo. Hội Nhà báo Việt Nam cũng khuyến khích tổ chức các hoạt động cấp khu vực, cấp cụm để tăng cường sự liên kết, tình đoàn kết và hợp tác.

Hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam đang phối hợp với các ban, bộ, ngành xây dựng chương trình kỷ niệm cấp quốc gia, Hội báo toàn quốc cũng như Lễ trao giải báo chí Quốc gia trong năm 2025 với quy mô rất lớn, có nhiều đổi mới.

Hội Nhà báo Việt Nam còn có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động nghiệp vụ cũng như các hoạt động thể thao, văn nghệ, hoạt động tri ân các nhà báo - liệt sĩ, trong đó có kế hoạch kêu gọi ủng hộ xây Bia tưởng niệm 512 liệt sĩ nhà báo cách mạng tại chùa Da (Âu Lạc cổ tự) ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An…

Nguồn Báo Thái Nguyên

Tin cùng chuyên mục