Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện thời sự
Ý nghĩa lịch sử của sự kiện đối ngoại ngày 5.10.2019
Thứ ba: 21:57 ngày 08/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc hai nước ký kết hai văn kiện pháp lý lần này sẽ tạo xung lực rất lớn cho việc giải quyết 16% đường biên giới còn lại. Trong đó có việc đối thoại, thương lượng cụ thể phần 6% về hoán đổi đất.

-Chiều thứ bảy, đọc trên các báo thấy có đưa tin “Việt Nam và Campuchia ký thoả thuận biên giới lịch sử”, tôi có chút thắc mắc muốn hỏi ông, theo tôi biết thì nước mình với lại vương quốc láng giềng phía Tây đã ký Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia từ năm 85 của thế kỷ trước, rồi ký tiếp Hiệp ước bổ sung cách nay cũng đã 14 năm, sao bây giờ báo chí lại dùng từ “lịch sử” khi đưa tin về thoả thuận biên giới giữa hai nước hả ông?

-À, có lẽ ông chỉ xem tin theo kiểu “lướt mạng” nên không nắm rõ là hôm 5.10 Thủ tướng Chính phủ ta và Thủ tướng Hun Sen của Vương quốc Campuchia đã ký kết “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia”…

-Vậy là Hiệp ước ký lần này là ký bổ sung lần thứ hai hả ông, vậy sao báo chí lại gọi là “lịch sử” có vẻ quan trọng hoá quá vậy?

-Không phải là quan trọng hoá mà là rất quan trọng, hết sức quan trọng nên các báo mới gọi là “lịch sử” đó ông ơi.

-Ông làm ơn nói cụ thể, rõ ràng hơn đi, bớt dùng tính từ chung chung cho tôi nhờ đi, tôi chưa hiểu thật mà.

-Thế ông có đọc kỹ lời Thủ tướng ta phát biểu trong lễ ký kết không? Đây này tôi đọc lại cho ông nghe nhé, chờ tôi mở xì-mạc-phôn ra cái, đây ông nghe nhé: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia luôn là những điều thiêng liêng của mỗi dân tộc, ẩn sâu trong tâm trí của mỗi người dân.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Việt Nam, Campuchia luôn là hai nước láng giềng anh em gần gũi, có mối quan hệ gắn bó từ lâu. Việc cùng nhau hợp tác hữu nghị phân định biên giới, vạch rõ “bờ cõi núi sông” cho muôn đời sau có ý nghĩa sâu sắc và là trách nhiệm cao cả không chỉ với các thế hệ các nhà lãnh đạo mà cả với mọi người dân hai nước.

Với 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên thực địa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là thành quả vô cùng quan trọng mà hai bên đã đạt được trong quá trình hơn 36 năm hợp tác giải quyết vấn đề về biên giới. Cùng với các văn kiện pháp lý về biên giới đã ký kết từ trước, theo Thủ tướng, hai văn kiện ký kết hôm nay sẽ tạo khung pháp lý quan trọng để quản lý và phát triển đường biên giới hai nước, vừa bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vừa thúc đẩy hợp tác phát triển, giữa hai bên, qua đó xây dựng đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia thành đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững”. Nghe tôi đọc chính xác như vậy ông có hiểu rõ chưa?

-Ờ, cơ bản tôi nắm được rồi, nhưng... tôi vẫn cảm thấy chưa thấu triệt từ “lịch sử” như báo nói ông ơi.

-Chắc có lẽ tôi không đủ thời gian để “quán triệt” cho ông về ý nghĩa của từ lịch sử ấy. Nhưng thôi để Bàn Dân nói vắn tắt như vầy nhé. Theo nội dung các văn kiện ký kết trước đây, quá trình hoạch định biên giới phải trải qua các bước: Một là, phải nhất trí những nguyên tắc cơ bản để thống nhất biên giới lãnh thổ. Hai là, việc hoạch định đường biên giới được thể hiện bằng cả lời văn trong hiệp ước cùng với các bản đồ đính kèm.

Thứ ba là, tiến hành phân giới cắm mốc trên thực địa. 36 năm qua, hai nước đã tiến hành gần xong bước thứ ba, đã phân giới cắm mốc được 81% chiều dài đường biên, còn lại 16% thì trong đó có khoảng 6% là những phần đường biên giới đã được hoạch định và phân giới cơ bản nhưng chưa triển khai cắm mốc do với lịch sử lâu đời, người dân hai nước có thể sống, canh tác sang các phần đất của nhau nếu tính theo đường biên giới pháp lý.

Do đó sẽ dẫn đến sự hoán đổi diện tích đất. Hai bên sẽ trao đổi với nhau về diện tích hoán đổi phù hợp. Với 10% đường biên giới còn lại, hai bên chưa thống nhất với nhau về việc thể hiện trên bản đồ. Bên cạnh đó, 10% còn lại này nằm rải rác ở  6, 7 khu vực khác nhau nên việc giải quyết sẽ cần một quá trình dựa trên quyết tâm chính trị giữa hai bên, cơ sở luật pháp, kinh nghiệm quốc tế.

Việc hai nước ký kết hai văn kiện pháp lý lần này sẽ tạo xung lực rất lớn cho việc giải quyết 16% đường biên giới còn lại. Trong đó có việc đối thoại, thương lượng cụ thể phần 6% về hoán đổi đất.

-À, ra vậy, ý nghĩa “lịch sử” của việc ký kết kỳ này là ở chỗ sắp tới hai nước sẽ có đường biên giới rạch ròi 100% để làm căn cứ pháp lý cho việc phát triển quan hệ ngoại giao đoàn kết hữu nghị lâu dài mãi mãi về sau. Tôi hiểu như vậy có đúng không hở ông?!  

-Đúng quá chứ còn gì nữa, chúng ta là dân ở tỉnh có đoạn biên giới đi qua dài nhất trong 10 tỉnh giáp vương quốc Campuchia càng phải hiểu rõ hơn ai hết việc thoả luận lịch sử ngày 5.10.2019 nghen ông.

BÀN DÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh