Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Y tế dự phòng Tây Ninh: Chặng đường 10 năm phát triển
Thứ hai: 10:02 ngày 27/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong 10 năm qua (2006-2016), ngành Y tế dự phòng Tây Ninh đã từng bước phát triển và không ngừng lớn mạnh.

Chích ngừa cho trẻ tại Trung tâm YTDP Tây Ninh.

Những năm qua, trước tốc độ đô thị hóa nhanh, Tây Ninh phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo báo cáo y tế hằng năm, các bệnh truyền nhiễm gây dịch vẫn là một gánh nặng bệnh tật đáng kể đối với người dân. Nhiều bệnh dịch có xu hướng phát triển thành dịch lớn. Hơn nữa sự xuất hiện của một số bệnh như tả, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, cúm A/H7N9, sốt xuất huyết, tay chân miệng… đang là những nguy cơ đe dọa tới sức khỏe cộng đồng.

Là tỉnh biên giới, Tây Ninh luôn xác định công tác y tế dự phòng cần được ưu tiên hàng đầu. Ngành Y tế dự phòng (YTDP) Tây Ninh có vai trò quan trọng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhiều năm qua, hệ thống YTDP đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt, đang từng bước loại trừ uốn ván sơ sinh, bệnh sởi… đồng thời góp phần làm giảm tỷ lệ người mắc và chết.

Các TTYT huyện và thành phố là đầu mối triển khai các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương. Tuyến xã, phường, thị trấn có 95 Trạm y tế đều có cán bộ phụ trách công tác phòng chống dịch; ngành cũng xây dựng mạng lưới cộng tác viên, nhân viên y tế thôn bản, qua đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe.

Kiểm tra sức khỏe hành khách nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Đặc biệt, trong năm 2011, dịch cúm A/H1N1 lan rộng ở nhiều tỉnh thành, Tây Ninh là địa phương có nguy cơ dịch bệnh tăng cao do là tỉnh giáp biên, hằng ngày phải đón một  lượng khách quốc tế nhập cảnh khá đông. Song, tỉnh đã nhanh chóng khoanh vùng dập dịch thành công khi phát hiện các trường hợp liên quan đến cúm, không để dịch bệnh lan rộng.

Gần đây nhất, ngành YTDP đang tăng cường các biện pháp xử lý triệt để nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết và Zika. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 1 trường hợp nhiễm virus Zika và đã cho xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát dịch trong cộng đồng dân cư.

Thời gian qua, ngành y tế cũng chủ động triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. 10 năm gần đây, tỷ lệ tiêm đủ mũi các loại vắc-xin luôn đạt trên 95% và đồng đều ở quy mô cấp cơ sở. Công tác an toàn tiêm chủng được tăng cường, hạn chế tối đa các phản ứng sau tiêm.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được mục tiêu thiên niên kỷ, tỷ lệ nhiễm mới HIV giảm qua từng năm. Hoạt động điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai tích cực. Tính đến ngày 31.12.2016, số trường hợp báo cáo hiện nhiễm HIV là 4.243 trường hợp, số bệnh nhân AIDS là 3.230 và có 1.439 trường hợp tử vong. Trong năm 2016, toàn tỉnh phát hiện mới 302 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 284 bệnh nhân AIDS và có 88 người đã tử vong.

Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm tại Gò Dầu.

Trong công tác phòng chống bệnh phong, năm 2014, Tây Ninh đã được công nhận loại trừ bệnh phong trên quy mô toàn tỉnh, gần đây không phát hiện bệnh nhân phong mới.

Về công tác phòng chống lao tại Tây Ninh, từ năm 1998 đã triển khai tại 9/9 huyện/thành phố; phạm nhân trong trại giam và học viên trong Trung tâm giáo dục Lao động Xã hội được chẩn đoán và thu nhận điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (Trại giam, Trung tâm có nhiệm vụ theo dõi giám sát điều trị).

Năm 2010 thành lập Tổ chống lao tại Trại giam Cây Cầy với chức năng hoạt động tương tự Tổ chống lao tuyến huyện. Năm 2014 triển khai thêm điểm xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11 đơn vị triển khai tổ chống lao cấp huyện/thành phố và tương đương, đồng thời triển khai tại 95 đơn vị trạm y tế xã-phường-thị trấn, đạt tỷ lệ 100%.

Truyền thông về dân số-kế hoạch hóa gia đình.

Từ năm 2007-2016, tình hình bệnh nhân mắc sốt rét giảm mạnh trên toàn tỉnh; số ca mắc rốt rét ác tính và tử vong được hạn chế đến mức thấp nhất. Trong năm 2016, cả tỉnh không phát hiện trường hợp nào mắc sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét.

Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh luôn là nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với ngành y tế. Tuy vậy, ngành cũng đã phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp, Công thương triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trong tỉnh. Trong năm 2016 ngành Y tế đã cấp 674 giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP, lũy tích 4.684/5.116 cơ sở được cấp giấy chứng nhận, đạt tỷ lệ 91,55%. Trong năm không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Ngành y tế cũng đã tổ chức triển khai các đề án, mô hình để nâng cao chất lượng dân số của tỉnh, như: đề án tầm soát phát hiện sớm dị tật bẩm sinh thông qua sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kế hoạch kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025…

Có thể nói, 10 năm qua, công tác y tế dự phòng của ngành y tế Tây Ninh đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân. 

NVC

"Năm 2016, báo cáo nghiên cứu về 10 năm phát triển kinh tế-xã hội của Tây Ninh do tác giả Huỳnh Thế Du và cộng sự (Đại học Fulbright Việt Nam) thực hiện cho biết, 10 năm qua, công tác y tế dự phòng của Tây Ninh đạt được rất tốt, số người dân Tây Ninh mắc các loại bệnh dịch thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ, cụ thể: Tỷ lệ trung bình người dân Tây Ninh mắc bệnh dịch là 42 người/vạn dân; trong khi đó, tỷ lệ này ở Tiền Giang là 48 người/vạn dân, Long An 53 người/vạn dân, Đồng Nai 54 người/vạn dân, Bà Rịa-Vũng Tàu 296 người/vạn dân, Bình Dương 307 người/vạn dân và Bình Phước 605 người/vạn dân".

 

Tin cùng chuyên mục