Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ TT&TT vừa chính thức yêu cầu các nhãn hàng, thương hiệu dừng quảng cáo trên các clip có nội dung xấu độc, phản động, vi phạm pháp luật trên YouTube.
Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH & TTĐT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước xuất hiện trên video có nội dung xấu độc, phản động và vi phạm pháp luật Việt Nam ở YouTube đã được phát hiện từ đầu năm 2017.
Bộ TT&TT đã gửi công văn cảnh báo tới các doanh nghiệp, đồng thời tổ chức làm việc với doanh nghiệp và đại lý quảng cáo, đại diện của Google yêu cầu khắc phục triệt để tình trạng trên. Đến tháng 3/2017, tình trạng này đã được tạm thời khắc phục.
Quảng cáo của doanh nghiệp xuất hiện trở lại trên những video có nội dung xấu, phản động, vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, gần đây Cục PTTH & TTĐT phát hiện tình trạng clip xấu độc xuất hiện trên nền tảng YouTube vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng. Cùng với đó, quảng cáo của một số thương hiệu lớn xuất hiện trở lại, bị gán vào clip xấu độc, phản động.
Cụ thể, quảng cáo của nhiều thương hiệu lớn như Adayroi của Vingroup, Samsung Việt Nam, Grab, Sun Group, Yamaha, Shopee… xuất hiện trên các clip vi phạm pháp luật Việt Nam.
Ngày 10/6, Cục PTTH & TTĐT đã chính thức gửi công văn tới các doanh nghiệp nói trên, yêu cầu dừng ngay việc quảng cáo trong các video nội dung xấu độc trên YouTube. Cục cũng yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo giải trình về tình trạng này.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, thị trường quảng cáo online tại Việt Nam trị giá khoảng 400 triệu USD. Hơn 70% doanh thu này đổ vào túi của Facebook và Google (khoảng 280 triệu USD).
Trước đó, Bộ TT&TT chỉ ra sai phạm của YouTube khi quản lý nội dung lỏng lẻo, để tình trạng clip xấu độc gia tăng.
Trong đó, Google thu về khoảng 150 triệu USD/năm từ dòng tiền quảng cáo tại Việt Nam nhưng không có bất cứ một đại diện hợp pháp nào. “Lúc có việc, chúng tôi không biết liên hệ với ai. Làm việc qua thư điện tử có nhiều điểm bất tiện, lúc được lúc không”, lãnh đạo Cục PTTH & TTĐT cho biết.
Do đó, việc yêu cầu YouTube mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam là điều cần thiết, trước hết là chăm sóc khách hàng, sau là làm việc với cơ quan quản lý khi có yêu cầu.
Bộ cũng sẽ yêu cầu YouTube định danh các kênh YouTube tiếng Việt, chỉ xem xét chia sẻ tiền quảng cáo với những kênh đã được định danh và cam kết không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng để quản lý dòng tiền quảng cáo trên YouTube và Google, thậm chí chặn dòng tiền nếu Google không hợp tác.
Bộ cũng yêu cầu YouTube bỏ tính năng suggest đối với các kênh mà Bộ đã thông báo vi phạm, bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ trước đây và tiếp tục phối hợp với Bộ để ngăn chặn, gỡ bỏ clip, kênh vi phạm.
Nguồn Zing