Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Yêu cầu EVN giải đáp đầy đủ thắc mắc của khách hàng về hóa đơn tiền điện
Thứ hai: 20:59 ngày 06/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019 diễn ra vào chiều 4/5, hàng loạt vấn đề về tăng giá điện đã được báo giới đặt ra.

Cụ thể, theo quy định, trước khi tăng giá điện phải có đánh giá tác động của chính sách tăng giá. Bộ Công Thương đã tăng giá điện rồi, giờ mới đi lập đoàn kiểm tra đánh giá tác động, vì sao Bộ lại làm ngược như vậy? Trách nhiệm của Bộ trong giám sát việc điều chỉnh tăng giá điện thời gian qua thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương căn cứ vào các Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Quyết định 34/2017/QĐ-TTg về khung giá và mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016- 2020, xét đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và điều kiện thực tiễn, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng các phương án tăng giá điện. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến phê duyệt, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định tăng giá điện 8,36% từ ngày 20/3.

 Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019.

Theo đại điện Bộ Công Thương, thời điểm cuối tháng 4 vừa qua, nhiều hộ dùng điện đã phản ánh hóa đơn tiền điện tăng vọt so với tháng 3. Về nguyên nhân, phía EVN đã có lý giải. Tuy nhiên, Thứ trưởng bày tỏ “chúng tôi chia sẻ với những bức xúc của người tiêu dùng khi bỏ ra khoản tiền lớn hơn  chi trả cho tiền điện trong bối cảnh khó khăn hiện nay”.

Theo đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN tiếp nhận xử lý và giải đáp đầy đủ những ý kiến thắc mắc, khiếu nại của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện trong tháng 4 /2019 và nếu phát hiện sai phạm thì khắc phục triệt để, xử lý nghiêm khắc và xin lỗi khách hàng. Đồng thời, Bộ chỉ đạo EVN đẩy mạnh tuyên truyền về việc điều chỉnh giá điện để khách hàng hiểu rõ cách tính mới, nguyên nhân tăng số điện. Bộ cũng yêu cầu EVN tiếp tục hoàn thiện, cải tiến, làm tốt công tác dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng dùng điện.

Để làm rõ hơn vấn đề này, ngày 3/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương  ra Quyết định 1114 thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra việc điều chỉnh giá điện nhằm bảo đảm theo đúng quyết định 648 ngày 20/3 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng đã ra chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra do TTCP chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng  Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, trước khi tăng giá điện vào ngày 20/3, nhiều bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương đã có đánh  giá tác động khi tăng giá điện để trình lên Chính phủ. Sau khi đã tăng giá, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục báo cáo  lên Chính phủ các ảnh hưởng gián tiếp.

 Yêu cầu EVN giải đáp đầy đủ thắc mắc của khách hàng về hóa đơn tiền điện.

Sau khi lắng nghe câu hỏi và các ý kiến trả lời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh thêm một số vấn đề, đặc biệt liên quan đến việc tăng giá điện. Ông dẫn lời Thủ tướng nói đây là sự quan tâm lớn của nhân dân và xã hội.

Theo người phát ngôn Chính phủ, nền kinh tế của ta là kinh tế thị trường nên không thể bao cấp mãi được, không thể bù lỗ mãi được từ ngân sách. Vì vậy, chúng ta đã tính toán tất cả phương án. Do đó, quan điểm chung là tiến tới thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó, điều chỉnh giá điện là cần thiết nhưng phải có căn cứ khoa học, minh bạch, đánh giá tác động đầu vào.

Lý giải về đề xuất văn bản mật khi xây dựng phương án điều chỉnh giá điện, ông cho biết, văn bản ban hành ra là không mật nhưng trong quá trình soạn thảo và chuẩn bị văn bản đó thì được quản lý theo nguyên tắc như văn bản mật. Ví dụ, một văn bản thông thường phát hành nhưng trong quá trình trao đổi giữa các cơ quan, để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong xây dựng chính sách thì phải mật, đó là cách quản lý nội bộ.

Ông cho biết Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ hợp Bộ Công thương, Tài chính đánh giá rõ việc này và báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2019. Bởi tinh thần là Bộ trưởng Công thương, Chủ tịch, Tổng giám đốc EVN cũng rất muốn có cơ hội báo cáo.

Trước đó, nhiều hộ tiêu dùng phản ánh hoá đơn tiền điện tháng 4/2019 tăng đột biến so với tháng 3. EVN sau đó đã có phản hồi và đưa ra nguyên nhân lý giải hóa đơn tiền điện tăng vọt. Theo EVN, tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C; khu vực miền Bắc đặc biệt là thủ đô Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày đã bắt đầu nắng nóng trên 30°C, do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh tăng cao.

Theo dõi số liệu sản lượng điện tại TP. Hà Nội và TPHCM cho thấy trong giai đoạn cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2019, việc tiêu thụ điện tại địa bàn tăng tương ứng từ 47 triệu kWh/ngày lên đến gần 58 triệu kWh/ngày.

Ngành điện cũng đưa ra nguyên nhân do điều chỉnh giá bán điện kể từ ngày 20/3 vừa qua. Nếu hộ dùng dưới 50 kWh sẽ tăng hơn 7.000 đồng/tháng, từ 51-100 kWh sẽ tăng hơn 14.000 đồng/tháng, nếu dùng từ 101-200 kWh sẽ tăng hơn 31.000 đồng/tháng.

Nguồn doanhnhanviet

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục