Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thông điệp được Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) thị trấn Dương Minh Châu Nguyễn Thị Thắng đúc kết qua thực tiễn trong công tác giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng theo Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16.9.2011 của Chính phủ là “sẻ chia và yêu thương”.
Anh Ngô Thành Nguyên khoe nhiều giấy khen về thành tích đóng góp cho các hoạt động Hội LHTN huyện Dương Minh Châu.
Nỗ lực không ngừng
Đầu năm 2014, tình hình tội phạm- nhất là tội phạm về trộm cắp tài sản tăng nhanh, trong đó có nhiều vụ do người mới chấp hành xong án phạt tù, đặc xá trở về địa phương thực hiện, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, UBND thị trấn Dương Minh Châu xây dựng mô hình “4+1” (4 người quản lý 1 người chấp hành xong án phạt tù) để quản lý, giáo dục số người có nguy cơ tái phạm.
Bà Nguyễn Thị Thắng- Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN thị trấn Dương Minh Châu cho biết, khi bắt tay vào thực hiện chương trình này mới thấy hết những khó khăn trước đó không hình dung được. Trước tiên là các đối tượng này rất khó tiếp cận, bởi đa phần đều mặc cảm với tội lỗi của mình, có trường hợp “bất cần đời” nên cũng chẳng cần ai quan tâm, giúp đỡ. “Có lúc tôi chỉ muốn bỏ cuộc hoặc làm cho xong vì không thấy lối ra cho nhiệm vụ này” - bà Thắng nhớ lại.
Sau đó một thời gian, một người hàng xóm của bà Thắng vướng vào vòng lao lý. Sau khi mãn hạn tù, trở về địa phương, người này chủ động xa lánh bà. Lúc đầu bà không hiểu vì sao người bạn khá thân bỗng nhiên e dè với mình đến vậy. Bà chủ động tìm mọi cách để tiếp cận, tìm hiểu.
Lúc đó, người hàng xóm mới tâm sự về mặc cảm quá khứ của mình, khiến bà nhiều đêm suy nghĩ, rồi quyết tâm thực hiện nhiệm vụ với đầy lòng yêu thương và chia sẻ. Từ đó, hằng ngày, bà bỏ công sàng lọc, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, nhân thân của từng đối tượng để có kế hoạch tiếp cận và giúp đỡ.
“Hiểu được hoàn cảnh, tâm lý của họ thì mình mới có thể gần gũi, giúp họ trở thành con người tốt, có ích cho xã hội được”- bà Thắng khẳng định. Qua sự nỗ lực của bà, mô hình “4+1” của thị trấn Dương Minh Châu được đánh giá là đạt kết quả tích cực, có chiều sâu, thiết thực giúp đỡ các đối tượng hoàn lương trở thành con người tốt cho xã hội.
Theo kinh nghiệm của bà Thắng, để dễ tiếp cận với những người hoàn lương, “đội hình 4+1” của thị trấn Dương Minh Châu được đề nghị không có sự tháp tùng của lực lượng công an. Bởi lẽ, khi giáo dục và cảm hoá một đối tượng cụ thể, cần có thời gian để lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ, nên nếu liên tục có “bóng dáng” công an đến nhà sẽ khiến cho người trong cuộc e ngại và lẩn tránh. Vì thế, phương châm “tác chiến” của đội hình này là chỉ cần lực lượng công an trong trường hợp thật sự cần thiết.
Một kinh nghiệm nữa cũng được “đội hình 4+1” thị trấn Dương Minh Châu đúc kết và áp dụng thành công là khi tiếp cận từng con người cụ thể, trang phục cũng được “hoà đồng” theo đối tượng. Theo bà Thắng, khi đến tiếp cận một đối tượng, cách ăn mặc phải phù hợp, không phải lúc nào cũng trang phục công sở nghiêm túc, bởi như thế sẽ tạo sự cách biệt, khiến đối tượng e dè, né tránh. Nếu đối tượng có tôn giáo, trong đội hình cũng phải có người trong tôn giáo ấy để tạo sự đồng cảm, từ đó dễ tiếp cận, động viên, chia sẻ.
Những “trái ngọt” cho đời
Một trong những quả ngọt mà “đội hình 4+1” của thị trấn Dương Minh Châu gặt hái được là trường hợp của Ngô Thành Nguyên- ngụ tại khu phố 1, thị trấn Dương Minh Châu.
Bà Thắng kể, lúc người thanh niên này trở về địa phương sau khi thụ án với mức phạt khá nặng, “đội hình 4+1” quyết định tìm nguồn vận động xây dựng nhà để giúp đối tượng an cư lạc nghiệp. Việc vận động kinh phí được Uỷ ban MTTQVN Thị trấn cùng Ban cai quản họ đạo thánh thất Cao Đài hỗ trợ thực hiện. Tuy nhiên, khi đưa ra bình xét, ban đầu nhiều người dân tại khu phố không đồng tình xây nhà cho đối tượng.
“Đội hình 4+1” phải tổ chức nhiều cuộc họp, kiên trì phân tích, vận động, trong đó có việc mời gia đình thanh niên này cam kết sống tốt. Ngày bàn giao nhà, cả gia đình anh Nguyên chỉ biết khóc, bởi không ngờ người từng đi tù vẫn được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ tận tình. Ngoài ra, Thị trấn còn tạo công ăn việc làm cho Nguyên bằng nghề rửa xe máy. Nguyên hiện giờ đã trở thành một thanh niên gương mẫu, sống tốt và tích cực tham gia các hoạt động phong trào của địa phương.
Một trường hợp khác rất xúc động là chuyện một thanh niên hoàn lương không thể xin làm việc được do lý lịch có thông tin về quá khứ lầm lỡ. Khi tiếp nhận được thông tin này, “đội hình 4+1” lập tức vào cuộc. Đội hình thống nhất đề nghị công an không ghi tình trạng nhân thân xấu vào lý lịch để đối tượng có thể tìm được việc làm. Đây là một trong những việc làm đầy tính nhân văn, giúp đối tượng ổn định cuộc sống, có điều kiện trở thành người có ích cho xã hội.
Một trong những việc cụ thể nữa mà “đội hình 4+1” đang thực hiện là việc giúp đỡ làm thủ tục xoá án tích cho những người chấp hành án xong trở về địa phương. Công việc không hề đơn giản do phải trích lục hồ sơ của người phạm tội từ nhiều cơ quan chức năng khác nhau. Tuy nhiên, bằng cả tấm lòng, những thành viên trong “đội hình 4+1” đã giúp 13 trường hợp, trả lại cho họ quyền công dân với một lý lịch trong sạch, xoá bỏ quá khứ lỗi lầm của mình.
Bí thư Đảng uỷ Thị trấn Dương Minh Châu Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, Đảng uỷ phải luôn chủ động vào cuộc, chỉ đạo các đoàn thể tích cực tham gia, phối hợp cùng Ban Quản lý khu phố, các Bí thư chi bộ cùng giúp đỡ, sẻ chia với các đối tượng trên địa bàn. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đều được Đảng uỷ xem xét chỉ đạo tháo gỡ, hỗ trợ để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chung, đồng thời cũng động viên kịp thời những thành viên đã tích cực tham gia mô hình này.
Phải thấu hiểu, sẻ chia và yêu thương thì mới giúp những con người đã từng lầm lỡ cảm thấy được quan tâm, để họ từ bỏ những hành động, hành vi vi phạm pháp luật, sớm trở thành con người tốt và có ích cho xã hội. Đó cũng là mục tiêu và hành động của “đội hình 4+1” thị trấn Dương Minh Châu.
Đức An