Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Yếu tố then chốt để tạo lập 'kỷ lục' phát triển cao tốc
Thứ ba: 09:38 ngày 02/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chỉ tính riêng trong năm 2023, Việt Nam đã đưa vào khai thác 475km đường cao tốc. Đây được xem là một kỷ lục trong phát triển cao tốc ở nước ta.

Giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là một trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Vì vậy, ngành Giao thông vận tải (GTVT) và các địa phương được Quốc hội, Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó ưu tiên nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông thiết yếu; tập trung vào đường bộ cao tốc, với mục tiêu đến năm 2025, cả nước ta sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bằng sự nỗ lực, quyết tâm, không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, năm 2023 Bộ GTVT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó có việc đưa vào khai thác 9 dự án đường bộ cao tốc.

Tại hội nghị tổng kết Bộ GTVT hôm 28/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ghi nhận những kết quả mà ngành GTVT đã làm được trong năm qua, trong đó có việc triển khai đầu tư hạ tầng giao thông.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án thành phần Diễn Châu -Bãi Vọt thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 1. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

“Các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông năm 2023 là điểm sáng với nhiều dự án mới được phê duyệt, khởi công mới, cũng như hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến cao tốc, nhà ga hàng không…

Chỉ trong thời gian ngắn, từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách linh hoạt, sáng tạo, hoàn thành khối lượng công việc vô cùng lớn trong công tác chuẩn bị đầu tư để tiến hành khởi công các tuyến đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, đã rút ngắn thời gian 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.

Nhìn lại một năm có 20 dự án giao thông về đích, trong đó có 9 dự án cao tốc trọng điểm, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của Bộ GTVT và lãnh đạo các địa phương.

"Một tinh thần hăng say, xuyên lễ, xuyên tết, không ngừng nghỉ, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, 3 ca 4 kíp được quán triệt từ lãnh đạo Bộ, ban quản lý dự án đến người công nhân trên công trường", Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận.

Đoàn kết, hỗ trợ để tạo nên kỳ tích

Trước khối lượng hoàn thành công việc trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, đó là thành quả cho sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt.

Bộ trưởng nhấn mạnh, sự đoàn kết, thống nhất thực hiện nhiệm vụ với phương châm: “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” đã tạo được sự chuyển biến toàn diện, rõ nét trên tất cả các lĩnh vực quản lý trong đó có đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Chia sẻ với PV VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, một trong những thành tựu lớn nhất của ngành GTVT trong năm 2023 là khởi công xây dựng và đưa vào khai thác hàng loạt tuyến cao tốc.

Nếu như giai đoạn 2001 - 2010, cả nước đưa vào khai thác được 89km đường cao tốc, giai đoạn 2011 - 2020 đưa vào khai thác thêm 1.074km thì chỉ trong nửa nhiệm kỳ (2021 - đầu năm 2023) gần 600km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác sử dụng.

“Đặc biệt, chỉ tính riêng trong năm 2023, đã đưa vào khai thác 475km đường cao tốc. Đây là kỷ lục của năm 2023, là thành quả lớn nhất của ngành giao thông trong bối cảnh phải đối diện với nhiều khó khăn như: Nền kinh tế suy thoái sau đại dịch Covid- 19, giá vật liệu biến động, khan hiếm nguồn cung cấp vật liệu, thời tiết cực đoan, công tác giải phóng mặt bằng và những điểm nghẽn trong các thủ tục hành chính”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, mặc dù khối lượng công việc lớn với thời hạn tiến độ gấp gáp, tưởng chừng không thể hoàn thành, nhưng với cách chỉ đạo mới, điều hành mới từ Chính phủ đến Bộ GTVT, đến từng hạng mục thi công trên công trường, ngành giao thông đã vượt qua những khó khăn, đạt được thành tựu nhất định trong chiến lược phát triển đất nước qua đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Nhìn lại sự phát triển của đường cao tốc trong những năm gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn "nước rút" hoàn thành hàng loạt cao tốc vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, thành công đến từ sự phối hợp, kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Sự đoàn kết, hỗ trợ thông suốt chính là bài học kinh nghiệm xương máu để ngành GTVT đạt được thành tựu lịch sử.

"Trên hỗ trợ dưới, dưới hỗ trợ trên; Bộ hỗ trợ địa phương, địa phương tương trợ Bộ; hỗ trợ ở chiều dọc, hỗ trợ ở chiều ngang; đặc biệt là các nhà thầu, khi đấu thầu thì cạnh tranh khốc liệt, khi thi công thì tương trợ nhau tích cực vì một mục tiêu chung là hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng của tuyến đường", Thứ trưởng Lê Đình Thọ bày tỏ.

Nguồn vietnamnet

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục