BAOTAYNINH.VN trên Google News

Intel trước sự cạnh tranh của các đối thủ châu Á 

Cập nhật ngày: 05/09/2020 - 07:57

Dòng CPU laptop mới được sản xuất trên tiến trình 10 nm vẫn khiến Intel khó duy trì vị thế trong ngành chế tạo chip so với các đối thủ châu Á.

Intel là công ty sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ xét về lợi nhuận và cũng là nhà sản xuất vi xử lý duy nhất còn chế tạo các mẫu chip đầu bảng tại các nhà máy trong nước. Tuy nhiên, Intel đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong khâu sản xuất, dẫn đến trì hoãn kéo dài những năm gần đây.

Hãng này ngày 2/9 vừa công bố bố vi xử lý thế hệ thứ 11 dành cho laptop với tên mã Tiger Lake dựa trên quy trình 10 nm thế hệ thứ hai của công ty. Intel cho biết các sản phẩm chipset 10 nm sẽ bắt đầu được tích hợp trong các hệ thống máy chủ đám mây và laptop trên thị trường lần lượt vào cuối năm 2020 và 2021.

Hầu hết đối thủ của Intel đều thuê các hãng châu Á gia công chip cho mình. Ảnh: WSJ.

Intel đáng lẽ phải trình làng công nghệ sản xuất chip 10 nm từ năm 2016. Chính các vấn đề với dây chuyền sản xuất của Intel dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn chip cho máy tính cá nhân.

Sự kiện ra mắt bộ vi xử lý mới diễn ra đúng một tháng sau khi Intel thừa nhận hãng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về công nghệ trong việc sản xuất các thế hệ chip tiếp theo. Công ty đang đặt mục tiêu triển khai công nghệ chip 7 nm vào 2022 hoặc 2023. Trong khi đó, các đối thủ châu Á của Intel là Samsung Electronics và TSMC đang sản xuất chip 7 nm và 5 nm.

Kích thước nanomet đề cập đến khoảng cách giữa các bóng bán dẫn trên chip. Số nanomet càng nhỏ, chip càng hiện đại và mạnh mẽ hơn, và do đó khó phát triển và sản xuất hơn.

Intel hiện là nhà sản xuất bộ vi xử lý cho PC và máy chủ lớn nhất thế giới. Từ lâu, hãng đã luôn đi đầu trong ngành công nghiệp chip toàn cầu. Trong nhiều thập kỷ, khả năng thiết kế nhiều bóng bán dẫn trên chip của Intel đã giúp hãng này luôn dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.

Intel có thành công như hôm nay là nhờ triết lý tự chủ trong thiết kế và sản xuất tất cả các chip của mình. Tuy nhiên, sự chậm trễ gần đây đã bộc lộ những điểm yếu của phương pháp này, khiến công ty phải đối mặt với nguy cơ vượt lên từ AMD và Nvidia.

Intel, AMD và Nvidia thuê hãng khác sản xuất các dòng chip tiên tiến nhất giúp họ. Các sản phẩm chip cao cấp nhất của AMD năm nay đều dựa trên công nghệ 7 nm của TSMC. CEO của AMD Lisa Su cho biết công ty sẽ áp dụng công nghệ sản xuất chip 5 nm của TSMC vào năm 2021. Apple, từng là khách hàng lâu năm của Intel, cũng tuyên bố sẽ chuyển sang chip do Apple thiết kế và sản xuất bởi TSMC trên các máy Mac thế hệ tiếp theo.

Ryzen 4000 là dòng chip đầu tiên của AMD sản xuất trên tiến trình 7nm. Ảnh: The Verge.

Hai tập đoàn sản xuất và thiết kế chip nổi tiếng khác của Mỹ - Texas Instruments và Analog Devices - cũng chọn TSMC gia công sản xuất chip tiên tiến nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động và cắt giảm chi phí cho việc xây dựng nhà máy chế tạo chip. Với việc AMD và Nvidia cũng thuê các công ty châu Á sản xuất chip, Intel là hy vọng cuối cùng để Mỹ duy trì năng lực sản xuất chip tiên tiến của riêng mình.

Ngành công nghiệp chip đã trở thành mặt trận quan trọng trong cuộc chiến công nghệ giữa Bắc Kinh và Washington. Các thành phần bán dẫn hoạt động như bộ não của hầu hết thiết bị điện tử, khiến việc thiết kế và sản xuất trở thành vấn đề an ninh quốc gia. Tháng 6/2020, chính quyền Mỹ đã đề xuất gói tín dụng gần 23 tỷ USD để hỗ trợ các nhà máy bán dẫn ở nước này nhằm trấn áp ngành công nghiệp chip đang trỗi dậy của Trung Quốc và duy trì vị thế hàng đầu của Mỹ.

Tuy nhiên, những khó khăn của Intel có vẻ vẫn chưa kết thúc. Tháng 7 năm nay, công ty lần đầu thừa nhận đang lên kế hoạch thuê một số hãng gia công chip để tập trung giải quyết các vấn đề kỹ thuật.

Theo công ty nghiên cứu IDC, năm 2017, Intel chiếm 92% thị phần chip xử lý cho máy tính xách tay, trong khi AMD chỉ có 7%. Nhưng trong nửa đầu năm 2020, thị phần của Intel trong lĩnh vực vi xử lý laptop toàn cầu giảm xuống còn 80%, trong khi AMD đạt gần 20%.

Joey Yen, một nhà phân tích công nghệ kỳ cựu của IDC, cho biết sự chậm trễ của Intel trong việc tung ra các công nghệ mới và những hạn chế về nguồn cung trong hai năm qua đã góp phần giúp AMD tăng nhanh thị phần.

Tất cả hãng sản xuất máy tính từ HP, Dell tới Lenovo, Asus đều phải tìm lựa chọn thay thế khi Intel gặp vấn đề về sản xuất chip. Giải pháp của họ chính là thiết kế máy tính dựa trên chip của AMD, vốn trước kia bị coi là kém ổn định khi so với sản phẩm của Intel.

Intel cho biết CPU Tiger Lake mới nhất của hãng mang đến những đột phá về hiệu suất tính toán, khả năng xử lý đồ họa và sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, đồng thời hy vọng nó sẽ là động lực tăng trưởng chính của công ty cho năm 2020.

Trong khi đó TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đang cố củng cố vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip. Công ty này hiện có dây chuyền sản xuất chip sử dụng công nghệ 5 nm, dự kiến được trang bị bên trong sản phẩm iPhone sắp tới của Apple. TSMC cũng đang xây dựng một trung tâm R&D mới tập trung nghiên cứu công nghệ chip 2 nm.

C Y. Yao, chuyên gia phân tích của TrendForce, cho biết mặc dù Intel phải đối mặt với một số sự chậm trễ đối với công nghệ chip tiên tiến, hãng và các công ty sản xuất chất bán dẫn khác của Mỹ như Texas Instruments, Analog Devices và Micron, vẫn giữ vị trí chiến lược và cạnh tranh trong ngành công nghiệp chip toàn cầu.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm Mỹ không thể "mất cảnh giác trong những thời điểm như thế này, đặc biệt việc nâng cao khả năng chế tạo chip tiên tiến trong nước có thể tạo ra nhiều việc làm - yếu tố Trump luôn đề cập trong các chiến dịch tranh cử tổng thống của mình".

Nguồn VNE (theo Nikkei)