Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ít được tương tác, trẻ chậm phát triển
Thứ sáu: 16:11 ngày 30/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Buổi sáng hôm đó, một cặp vợ chồng trẻ đưa một bé gái 3 tuổi đến khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám vì cháu bé có biểu hiện tự kỷ, chỉ mới nói được hai tiếng ông, bà, khi ăn phải có người đút, thích chơi một mình, thường tiểu trong quần…


Trẻ em nếu được vui chơi hạnh phúc với người thân trong gia đình sẽ phát triển tốt về mặt tâm lý - Ảnh: Duyên Phan

Nhiều cha mẹ bận rộn, tập trung kiếm sống đã gửi con về quê cho ông bà nuôi hoặc thuê người giúp việc lo cho con mọi việc mà không biết trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh tâm lý, bị “rối loạn gắn bó”...

Mắc bệnh do bị xa cha mẹ sớm

Khi bác sĩ tâm lý hỏi chuyện cha mẹ cháu thì được biết bé gái là con đầu lòng. Khi cháu được 2 tuổi, cha mẹ đã gửi cháu về quê sống với ông bà nội vì lúc này cha mẹ chuẩn bị có thêm em bé.

Mới đây, ông bà gọi điện cho cha mẹ về đón cháu đi khám vì cháu có biểu hiện “kỳ kỳ”, khác với những trẻ cùng lứa tuổi. Các bác sĩ khẳng định cháu bị chậm phát triển so với lứa tuổi do cháu bị tách mẹ quá sớm.

Bác sĩ chẩn đoán trẻ chậm phát triển do môi trường. Trẻ chậm phát triển do môi trường là do thiếu sự tương tác nên trẻ không phát triển bằng tuổi thật của trẻ chứ bản thân trẻ không phải bị chậm phát triển. Bệnh nhi này 3 tuổi nhưng sự phát triển chỉ bằng trẻ 12-16 tháng tuổi.

Nghe gia đình kể khi cháu ở với ông bà, ông bà lo làm việc, thường cho cháu xem tivi nên cháu rất ít khi có sự tương tác với người khác, do vậy cháu bé có biểu hiện giống trẻ tự kỷ.

Bác sĩ tâm lý khuyên cách tốt nhất là cha mẹ đưa con vào ở chung với cha mẹ, nhưng nếu gia đình không làm được điều tốt nhất này thì ông bà hay người chăm sóc trẻ phải dành thời gian chơi với trẻ, dạy, hướng dẫn cho trẻ để trẻ phát triển tốt hơn.

Bác sĩ hẹn ba tháng sau đưa trẻ quay lại tái khám nhưng một năm sau gia đình mới đưa trẻ quay lại tái khám. Lúc này cháu bé được 4 tuổi. Khi đó, cha của bệnh nhi kể sau lần khám đầu tiên trẻ vẫn được cha mẹ cho về quê ở với ông bà.

Nhờ có sự tư vấn của bác sĩ, ông bà đã nói chuyện với cháu nhiều hơn nên bệnh nhi đã cải thiện hơn, những biểu hiện giống trầm cảm, tự kỷ đã bớt đi. Nhưng trẻ phát triển vẫn chậm, còn thụ động, 4 tuổi nhưng sự phát triển chỉ bằng trẻ 30 tháng tuổi.

Trẻ cần tình thương

Theo bác sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, tại khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng từng tiếp nhận một số bệnh nhi có biểu hiện giống như tự kỷ nhưng khi bác sĩ khám, đánh giá lại thì thấy những bệnh nhi này nằm trong nhóm trầm cảm, rối loạn gắn bó.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, nguyên Trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 chia sẻ, bác sĩ gặp nhiều trường hợp trẻ bị tách mẹ quá sớm, bị tổn thương về tâm lý nhiều.

Đã có những nghiên cứu cho thấy trẻ cần tình cảm vuốt ve, âu yếm từ bà mẹ như một dây rốn vô hình vì lúc đó não của trẻ chưa phát triển, nếu tách mẹ quá sớm sẽ không tốt. Khi bị tách mẹ, những đứa trẻ mạnh mẽ mới vượt qua được để ăn, ngủ, còn những đứa trẻ không mạnh mẽ luôn có cảm giác cô đơn, có những biểu hiện như biếng ăn, tự kỷ, chậm nói. Chưa kể, nếu giao trẻ cho ông bà, ông bà chăm sóc trẻ nhỏ mệt nên thường cho cháu xem tivi.

Còn nếu giao trẻ cho người giúp việc, người giúp việc còn phải làm nhiều việc khác ngoài việc chăm trẻ nhỏ, hoặc nếu chỉ phải chăm trẻ, người giúp việc thường bế trẻ trên tay đi tám chuyện với người lớn, trẻ sẽ toàn được nghe chuyện người lớn. Đứa trẻ bị ảnh hưởng nhiều trong giai đoạn này nên trẻ bị biếng ăn, hoặc chậm nói, béo phì...

Theo bác sĩ Triết, nên cho trẻ ở chung với cha mẹ để trẻ được phát triển một cách tốt nhất. Mỗi ngày, cha mẹ nên dành thời gian chơi với con từ 30-60 phút vào một giờ cố định, chơi những trò chơi tương tác, phù hợp với tuổi. Ví dụ khi trẻ 3 tuổi sẽ dành những trò chơi cho trẻ 3 tuổi như chơi banh (đẩy banh qua lại), chơi đóng vai bác sĩ - bệnh nhân, chơi xếp logo... Trong lúc chơi sẽ dạy con những kỹ năng tương tác, kỹ năng mềm...

Tập cho con tự lập, giúp bé tự tin, dễ hòa nhập hơn. Con làm được gì thì cha mẹ khen để con sẽ làm điều đó nhiều hơn. Những cha mẹ bận bịu gửi trẻ cho người thân thì người thân cũng sẽ phải làm như vậy khi chăm sóc trẻ. Cha mẹ ở xa nên gọi về nói chuyện với con để đứa trẻ vẫn thấy gắn bó với cha mẹ.

Xét về mặt tâm lý khi sinh ra, cha mẹ là điểm tựa cho trẻ nên nếu cha mẹ chuyển trẻ cho người khác nuôi thì trẻ sẽ coi những người nuôi như cha mẹ vì trẻ luôn cần ai đó để gắn bó, phát triển. Trẻ không chỉ cần được chăm sóc, ăn uống, vệ sinh cá nhân mà trẻ cần tình thương, được dạy những kỹ năng.

Trẻ rối loạn gắn bó

Trẻ bị rối loạn gắn bó có biểu hiện như trẻ thờ ơ với mọi người, vui hay buồn cũng không để ý tới ai, những nhu cầu cơ bản cũng không biết yêu cầu, chỉ lủi thủi một mình.

Những trẻ em có biểu hiện này đều ít được cha mẹ quan tâm, ít dành thời gian chơi với con. Ở nhà cha mẹ để con cho người giúp việc giữ, hoặc gửi con cho ông bà chăm nhưng ông bà chỉ giữ bằng cách cho trẻ ăn chứ ít khi nói chuyện với trẻ.

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục