BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kế hoạch hoá GĐ: Có hiểu mới làm

Cập nhật ngày: 13/05/2011 - 11:17

Ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân (thị xã Tây Ninh) có khoảng 500 hộ dân, trong đó có gần phân nửa là đồng bào dân tộc Khmer. Tổng số phụ nữ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi 15-49 là 378 chị, trong đó có 269 chị đã lập gia đình. Nhìn chung về nhận thức của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số còn hạn chế nên tình trạng sinh con thứ 3 trở lên còn nhiều. Đây là vấn đề mà Trung tâm Dân số - kế hoạch hoá gia đình (Trung tâm DS-KHHGĐ) Thị xã rất quan tâm trong những năm qua. Năm 2011, xã Thạnh Tân được chọn là một trong hai xã thực hiện Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản  - kế hoạch hoá gia đình đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn (đợt 1.2011) nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân ngoại thị, nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở địa phương.

Đông đảo phụ nữ dân tộc Khmer ở ấp Thạnh Đông dự buổi nói chuyện chuyên đề CSSKSS-KHHGĐ

Chiều ngày 9.5, Trung tâm DS-KHHGĐ Thị xã đã tổ chức nói chuyện chuyên đề cung cấp những kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình cho chị em phụ nữ Khmer trong độ tuổi sinh đẻ ở ấp Thạnh Đông.  Chị Huỳnh Kim Huê, cộng tác viên dân số ấp Thạnh Đông cho biết: “Ở đây nhiều phụ nữ dân tộc Khmer chưa hiểu biết về chăm sóc sức khoẻ sinh sản cũng như sử dụng biện pháp tránh thai nên tôi đã đến từng nhà vận động các chị em đi dự buổi nói chuyện này”. Mặc dù trời mưa nhưng đã có 50 chị em người Khmer đến nghe nói chuyện. Các chị được phổ biến kiến thức xung quanh các biện pháp tránh thai, đình sản bằng những hình ảnh minh hoạ cụ thể, dễ hiểu, được hướng dẫn cách vệ sinh để phòng bệnh phụ khoa, thực hiện khám phụ khoa định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, không để hậu quả ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản.

Bác sĩ Hà Thị Vàng, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Thị xã cho biết: “Hằng năm, chúng tôi đều tham mưu cho Ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình Thị xã triển khai thực hiện Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn ở Thạnh Tân để tạo điều kiện cho chị em, nhất là chị em người dân tộc Khmer được hưởng miễn phí các dịch vụ khám phụ khoa và thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình”.

Sau buổi nói chuyện, nhiều chị em mạnh dạn đặt câu hỏi tìm hiểu về các bệnh phụ khoa, phương pháp tránh thai… và đã được bác sĩ Vàng giải thích cặn kẽ. Chị Cao Thị Mây Giắt, 19 tuổi, đã có một con nói: “Từ nào giờ em đâu có biết những chuyện này. Nay biết rồi, em sẽ bàn với chồng áp dụng kế hoạch hoá gia đình, chứ đẻ nhiều khổ lắm”.

Tan buổi nói chuyện ra về, tôi còn nghe tiếng chị em thì thào với nhau: “Mầy có 3 đứa con rồi mà sức khoẻ cũng yếu lắm. Coi được thì tính đường đình sản đi. Để đẻ nữa, nghèo hoài. Tao cũng làm rồi, vẫn khoẻ mạnh bình thường”.

Rõ ràng, việc vận động, tuyên truyền đến tận người dân là biện pháp tích cực và hiệu quả trong việc nâng cao kiến thức cho xã hội về chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình. Nó cần được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục để góp phần thực hiện tốt chính sách dân số của Đảng và Nhà nước.

QUẾ HƯƠNG