BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kế hoạch thu phí đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng: Chưa ổn!

Cập nhật ngày: 29/12/2009 - 05:35

Ngư dân, trong đó có trẻ em phải làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm để kiếm cái ăn cho cả nhà!

Thu phí: “lỗ” hay “lãi”?

Thông tin từ Công ty TNHH -MTV -Khai thác thuỷ lợi (KTTL) Dầu Tiếng cho biết, Công ty dự kiến sẽ thu phí đánh bắt thuỷ sản trong hồ vào quý I năm 2010, sau một năm ngừng thu phí này. “Đầu năm 2008, Công ty thông báo đến ngư dân trong hồ về việc ngừng thu phí đánh bắt thuỷ sản và yêu cầu ngư dân phải đăng ký phương tiện đánh bắt cá. Sau một năm, không có ngư dân nào đến đăng ký phương tiện theo yêu cầu. Trong khi đó, tình hình an ninh trật tự ở đây ngày càng diễn biến phức tạp, một số đối tượng tranh giành “cát cứ” địa bàn “làm ăn” và “mua bán” mặt nước. Đồng thời, tình trạng sử dụng hoá chất độc hại, ngư cụ cấm… để “tàn sát” các loài thuỷ sản ngày càng tăng”, ông Nguyễn Anh Thái-Phó phòng Quản lý nước và công trình Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng nói.

Trước tình hình này, vừa qua, Công ty  TNHH -MTV - KTTL Dầu Tiếng đã xin ý kiến Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt giá thu đánh bắt thuỷ sản trong lòng hồ Dầu Tiếng và mức trích nộp vào ngân sách tỉnh Tây Ninh nhằm tái tạo nguồn vốn để thả cá vào hồ. Mức thu cụ thể mỗi tháng: 80.000 đồng đối với lưới bén cỡ lớn; 140.000 đồng đối với vó; câu giăng: 70.000 đồng; lưới bén bắt cá cơm: 140.000 đồng; lợp cá: 80.000 đồng; cào hến: 80.000 đồng; chà: 50.000 đồng/đống. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng cũng quy định kích cỡ mắt lưới của các loại lưới bắt cá trong hồ. Ông Thái cũng cho biết, mức thu trên đã được UBND hai huyện Tân Châu, Dương Minh Châu và Sở NN&PTNT thông qua.

 “Theo tính toán của Công ty dựa trên thực tế và qua tham khảo ở một số địa phương khác, mức thu trên là phù hợp. Mỗi năm, Công ty sẽ trích nộp ngân sách tỉnh Tây Ninh 30% số thu để tái thả cá xuống hồ. Trong thực tế, mức thu không đủ để chi trả lương, chi phí cho việc đi thu phí. Nếu thu phí theo mức trên, Công ty sẽ “lỗ” trên 200 triệu đồng/năm (!?), chưa tính khoản phải nộp ngân sách tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, để đảm bảo việc quản lý chặt các phương tiện, hoạt động đánh bắt cá, bảo vệ môi trường nước và các loại thuỷ sản cũng như đảm bảo hiệu quả trong việc phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trong hồ, Công ty quyết định phải thu phí”, một cán bộ Công ty TNHH -MTV - KTTL Dầu Tiếng nói.

Sau khi nhận được văn bản đề nghị của Công ty, Bộ NN&PTNT đã có văn bản cho biết: “Để đảm bảo an ninh trật tự trong lòng hồ và an toàn công trình, đồng thời góp phần làm tăng nguồn thu cho ngân sách của Công ty, giảm bao cấp của Nhà nước, việc áp dụng mức thu là cần thiết. Bộ NN&PTNT cơ bản đồng ý với đề nghị của Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng”. Bộ NN&PTNT yêu cầu Công ty áp dụng mức thu đã trình cho đến khi Bộ có quy định mới.

Như vậy, rõ ràng là chưa có sự thống nhất giữa Bộ và Công ty. Bộ cho rằng thu phí đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng góp phần tăng nguồn thu cho Công ty để giảm bao cấp, còn Công ty thì cho biết thu phí sẽ “lỗ” hàng trăm triệu đồng. Vậy khoản lỗ này ai sẽ “bù” đây? Còn ngư dân thì…

Mức thu phí còn cao?

Phóng viên tìm hiểu từ ngư dân, và phân tích biểu tính chi phí, lợi nhuận và mức thu đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng của Công ty, thì nhận thấy mức thu trên dường như chưa được phù hợp. Cụ thể đối với ngư dân sử dụng lưới bén, theo tính toán của Công ty, vốn đầu tư mua lưới là 3 triệu đồng, sử dụng trong 6 tháng, nhân công sử dụng lưới là 1 người/ngày (giá nhân công là 50.000 đồng/người/ngày), chi phí nhiên liệu 30.000 đồng/ngày, mỗi tháng bắt cá 20 ngày, sản lượng mỗi ngày là 7kg, giá 14.500 đồng/kg. Mỗi tháng, tổng chi của một ngư dân sử dụng lưới bén là 1,6 triệu đồng, tổng thu là 2.030.000 đồng, lợi nhuận là… 430.000 đồng, trích nộp phí 80.000 đồng.

Tìm hiểu từ một số ngư dân, họ cho biết lưới bén có nhiều kích cỡ nhưng hầu hết ngư dân trong hồ sử dụng loại mắt lưới nhỏ, giăng gần bờ. Chỉ có một số người “có tiền” mới sử dụng lưới bén cỡ lớn, giăng xa bờ để bắt cá lớn. Với số lưới bén cỡ nhỏ trị giá 3 triệu đồng thì khó có thể “ngày nào cũng kiếm được 7 kg cá”, đồng thời, giá cá “không cao” như cách tính của Công ty. “Với lưới bén cỡ nhỏ, chúng tôi chủ yếu bắt được cá nhỏ, là loại cá dùng làm thức ăn cho cá lóc, cá bông lau. Cá này chúng tôi chỉ bán được 6.000 đồng/kg, thỉnh thoảng mới có vài con cá rô hoặc một ít cá khác có giá trên 10.000 đồng/kg”, một ngư dân cho biết. Theo ngư dân, việc tính toán mức thu phí còn chưa phù hợp ở chỗ: mỗi tháng, lợi nhuận thu được của ngư dân sử dụng lưới bén là 430.000 đồng nhưng phải nộp phí đến 80.000 đồng. Như vậy, theo cách tính của Công ty, mức phí chiếm gần 1/5 (20%) số lợi nhuận ít ỏi của ngư dân!

Trước đây, từ ngày 1.6.2009, Công ty cũng đã tiến hành thu phí đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, chưa được một tháng thì Công ty phải dừng thu vì ngư dân không đồng tình, cho rằng mức thu phí quá cao và khiếu nại đến lãnh đạo tỉnh Tây Ninh. Sau đó, Công ty đã họp bàn và “giảm” đáng kể mức thu phí đã áp dụng trong tháng 6.2009 (giảm khoảng 10 đến hơn 30% tuỳ ngư cụ). 

Nhiều ngư dân nghèo không được xác nhận là “nghèo”!

Theo con số thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, trong hồ Dầu Tiếng hiện có trên 1.000 phương tiện đánh bắt cá với khoảng 3.000 ngư dân. Trong số này, có rất nhiều hộ nghèo sống chủ yếu dựa vào nguồn thu từ thuỷ sản đánh bắt được. Theo một cán bộ Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Dương Minh Châu, có những hộ nghèo, rất nghèo nhưng vì không có đủ các điều kiện theo quy định về giấy tờ tuỳ thân, hộ khẩu, không phải là người địa phương nên không được xác nhận là hộ nghèo. Trong khi đó, việc miễn phí đánh bắt thuỷ sản cho ngư dân nghèo mà Công ty TNHH -MTV - KTTL Dầu Tiếng dự kiến áp dụng căn cứ vào xác nhận hộ nghèo của UBND xã. Như vậy, liệu những hộ nghèo nhưng không được xác nhận là nghèo, cận nghèo có bị thu phí?

BẢO TÂM