Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Kênh Gò Suối
Thứ sáu: 06:25 ngày 27/09/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Về An Thạnh, Bến Cầu mà chưa đến kênh Gò Suối thì hầu như còn chưa biết về An Thạnh! Đấy là cảm nhận của nhiều người khi lần đầu đến với dòng kênh.

Về An Thạnh, Bến Cầu mà chưa đến kênh Gò Suối thì hầu như còn chưa biết về An Thạnh! Đấy là cảm nhận của nhiều người khi lần đầu đến với dòng kênh.

Kênh Gò Suối (nhìn về phía Mộc Bài)

(BTN) - Về An Thạnh, Bến Cầu mà chưa đến kênh Gò Suối thì hầu như còn chưa biết về An Thạnh! Đấy là cảm nhận của nhiều người khi lần đầu đến với dòng kênh. Thôi cứ theo cái tập quán của thời công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà nhìn và gọi thì cái “mặt tiền” An Thạnh nằm trên đường Xuyên Á (đoạn 9km nối thị trấn Gò Dầu sang cửa khẩu quốc tế Mộc Bài). Cái mặt tiền ấy nay đã khang trang, đẹp đẽ. Nhiều quán xá, nhà phố, biệt thự mọc lên lấp lánh kính nhôm, sơn B, sơn Spec rất tươi màu.

Lại có thêm hình ảnh rất công nghiệp của nhà máy gạo xuất khẩu ở ấp Bến gần cửa khẩu. Và có cả một đoạn sát gần chân cầu Gò Dầu nồng thơm vị mặn mòi của muối và nước mắm. Những bao muối xếp chồng nhau ngay sát vệ đường. Từng cặp mắt đỏ đọc của ghe thuyền thức suốt đêm thâu để ngược sông Vàm Cỏ Đông, chở muối mắm lên từ Bến Tre hay Bà Rịa Vũng Tàu, nằm cặp sát con kênh nhỏ bên đường thiêm thiếp ngủ.

Thì cũng chỉ thế thôi, như mọi đô thị nhỏ ven đường quốc lộ. Xe qua lại trên những con đường ấy thường tốc độ khá cao, cảnh vật cứ trôi nhanh nên người ta khó giữ lại một ấn tượng sâu đậm nào. Thế nhưng, rất may An Thạnh còn có cả một mặt hậu phía sau “bát ngát xa trông” những cánh đồng sâu hay những giồng đất nổi. Mà trục chính của mặt hậu này, dĩ nhiên sẽ là kênh Gò Suối dài khoảng 8,5km từ tỉnh lộ 786 (đoạn Mộc Bài - Bình Thạnh) ra tới Vàm Cỏ Đông sông cái.

Đến đây, cần phải cảm ơn Chủ tịch xã An Thạnh tên Lê Hoàng Cưu (chứ không phải Lê Hoàng Thu như một bài viết trước đây đã nhầm)- một người trẻ, nhanh nhẹn và hồ hởi với khách xa, nhất là khách văn nghệ sĩ. Nói về kinh tế của xã, Chủ tịch xã bảo An Thạnh là nơi tiêu biểu của phương cách làm ăn mới liên kết 4 nhà, sản lượng lúa của chương trình này chiếm đến 90% sản lượng lúa toàn xã. Thế nhưng còn một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, các “nhà” (trừ nhà nông) còn ngại tới.

Vậy nên địa phương chỉ mong có vốn đầu tư đường sá để các “nhà” tiện đến với vùng sâu. Nhân nói về cái tên gọi ấp Voi của xã, anh Cưu kể: thực ra phải gọi là ấp Doi mới đúng với cách gọi từ xa xưa khi các cụ tiền bối đến vùng này mở đất. Là vì giữa bốn bề trắng nước nổi lên một doi đất cho thuyền ghe cập bờ. Từ đó mới có tên ấp Doi, sau vì việc phát âm và ghi lại có nhầm lẫn nên địa danh ấy mới biến thành ấp Voi như ngày nay.

Xin trở lại với kênh Gò Suối! Vẫn theo lời anh Cưu, con kênh này chính ra phải gọi là kênh xáng. Thoạt đầu chỉ là con suối nhỏ, sau năm 1954 chính quyền Sài Gòn cho dân phu người Bắc di cư lên đào kênh, nắn thẳng rộng ra tới hai, ba chục mét. Vậy nên có dạo người ta gọi đây là kênh Bắc Kỳ. Nhìn trên bản đồ thì rõ là kênh xáng gồm 2 đoạn thẳng băng, gặp nhau làm thành góc bẹt rộng. Rồi từ sau cầu Tà Bang khoảng 2 - 3 cây số trở đi dòng kênh mới cua, quẹo để ăn nhập vào những con rạch tự nhiên nước xâm xấp ngang mặt ruộng để ra sông.

Từ cầu Tà Bang đi ngược theo bờ kênh non cây số là tới nhà của Phó Chủ tịch xã Trần Ngọc Yến. Nhà cấp bốn tuềnh toàng thôi, phía sau có mảnh vườn con quây rào lưới thép. Chỉ độ nửa công đất thôi nhưng ở trong là ba bốn chục chú heo rừng. Heo mẹ kéo theo bầy con lúc nhúc cỡ trái dưa hấu, thân mình bết bê bùn đất. Thú vị nhất là một cái sàn tre buộc vào mấy gốc cà na chìa ra mặt nước kênh phía trước nhà.

Dưới gầm sàn và chạy dọc mép bờ kênh toàn một loài cây chuối nước. Chao ôi, nghe danh “bù lu, chuối nước” đã lâu mà giờ mới gặp mày đây! Thứ cây từng góp thân mình nuôi quân ta chiến đấu ở mạn rừng Nhum, Long Giang, Long Khánh - Bến Cầu.

Khách cả hơn chục người ngồi kín sàn tre để thưởng thức những món “độc” của miền kênh Gò Suối. Này là chuột đồng ướp sả nướng thơm lừng. Kia là bù tọt rang nghệ vàng ươm, thơm ngon vô kể. Rồi canh chua cá lóc nấu với nõn gốc cây chuối nước, lần đầu khách được ăn nên thấy ngon ngọt vô chừng. Đĩa cà na tươi xanh óng có đủ vị chua giòn, mặn, ngọt… đến tê lòng người thưởng thức. Anh Yến bảo trái cà na tươi đem về đập giập rồi thêm tỏi, mắm, đường là đã thành một món đưa cay “danh bất hư truyền”.

Giữa chừng bữa, lại có ông Tư Hải, chủ nhân của trang trại 24 ha dừa dứa ở bên kia kênh đến tiếp tế thêm cho cả một can nước dừa ngọt và thơm lựng. Dòng kênh nước đỏ màu son vẫn vô tình mải miết chảy ra sông. Bên kia những chân ruộng lúa vàng vụ gặt bỗng có tiếng gọi đò sang. Trên tay người phụ nữ qua kênh là cái giỏ toàn những chuột đồng nung núc béo.

TRẦN VŨ

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục