Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Kênh Vĩnh Tế (tỉnh An Giang) được ông Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu - vị quan triều Nguyễn) chỉ huy đào ròng rã 5 năm liền (1819-1824) để phát triển nông nghiệp và mở đường cho vùng đất phương Nam những ngày đầu khai hoang mở cõi.

![]() |
Từ bao đời nay, con kênh Vĩnh Tế luôn gắn bó với đời sống của người dân An Giang |
Kênh Vĩnh Tế (tỉnh An Giang) được ông Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu - vị quan triều Nguyễn) chỉ huy đào ròng rã 5 năm liền (1819-1824) để phát triển nông nghiệp và mở đường cho vùng đất phương Nam những ngày đầu khai hoang mở cõi. Nhằm ghi công cho vị tướng tài ba này, triều Nguyễn lúc đó đã lấy tên vợ của ông là Châu Thị Vĩnh Tế đặt tên cho con kênh.
Theo sử sách, thời xa xưa vùng đất thuộc kênh Vĩnh Tế vốn là hiểm địa hoang vu, đa số đường sá chỉ là những lối mòn băng qua miệt rừng thẳm sình lầy, đầy thú dữ, rắn độc. Đặc biệt, vùng núi rừng biên viễn còn có nạn cướp bóc hoành hành, vì thế cuộc sống người dân rất bất an. Chính vì vậy, ngoài lý do lập phòng tuyến trấn giữ biên giới, triều đình nhà Nguyễn cho đào con kênh này còn vì mục đích tạo một thủy lộ dài nối miền biển Hà Tiên với vùng núi non Tịnh Biên, Châu Đốc dài 87 km như hiện nay. Nói về kênh Vĩnh Tế người dân Châu Đốc ai cũng biết rằng: "Không có Vĩnh Tế thì sẽ không thể khẩn hoang được đồng lúa bát ngát này. Nước ngọt chở phù sa theo dòng Vĩnh Tế rửa phèn, tưới tắm cho đồng ruộng. Rồi mấy trăm năm nay người dân đi lại, buôn bán cũng bằng đường kênh…".
Dòng người đi lại giao thương, mua bán lúc nào cũng tấp nập. Mặt kênh Vĩnh Tế rộng tầm 40m (có chỗ lên đến 60m). Thương lái ở vùng này vẫn thích chuyển nông sản và buôn bán bằng đường thủy trên con kênh có độ sâu 3-4m này. Chúng tôi đã đi lại dọc hai bờ kênh Vĩnh Tế nhiều lần trong mùa nước nổi. Trên đồng tràn ngập lúa. Dưới kênh Vĩnh Tế tấp nập ghe lúa lặc lè ngược xuôi. Ngoài những ghe đậu rải rác liền kề đồng lúa, còn những điểm ghe lái đậu san sát nhau như chợ nổi ở gần cầu Hữu Nghị, trung tâm các xã An Nông, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều… Vào cao điểm vụ thu hoạch có không dưới 1.000 tấn lúa mỗi ngàyđược chuyên chở ra chợ theo tàu ghe cùng những sinh hoạt đời thường như đánh cá tôm, mua bán, rồi cảnh tắm, giặt bên bờ kênh; thuyền buôn chở mắm muối, đồ gốm… tạo thành bức tranh muôn màu của một miền sông nước trù phú.
![]() |
Nhịp cầu tre lắt lẻo bắc qua kênh |
![]() |
Chiếc ghe bầu đầy ắp lúa vàng trên dòng kênh Vĩnh Tế |
![]() |
Dòng kênh đem đến nguồn cá dồi dào |
![]() |
Thu hoạch bông súng trên dòng kênh Vĩnh Tế |
(Theo BAVN)