BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kéo giảm tai nạn giao thông - cán bộ, công chức phải làm gương 

Cập nhật ngày: 10/04/2018 - 08:58

BTN - Cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các đối tượng vi phạm, đặc biệt là cán bộ, công chức Nhà nước, nhất là lỗi vi phạm thường xuyên như không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông, không chấp hành tín hiệu đèn, biển báo giao thông…

Thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo, và các ngành chức năng cũng đã tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhưng tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh ta diễn biến ngày càng phức tạp, ở quý I, TNGT tăng cả ba mặt (số vụ, số người thương vong). Nguyên nhân dẫn đến TNGT đa phần do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân còn hạn chế.

Vượt đèn tín hiệu, một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông.

Phóng viên Báo Tây Ninh đã quan sát và ghi nhận một số biểu hiện “chưa đẹp” của người tham gia giao thông trên một số tuyến đường.

Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em- còn lơ là

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người tham gia giao thông khi chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng quy cách cho trẻ. Các trường hợp người điều khiển phương tiện chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm, sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh vẫn thờ ơ trong việc chấp hành quy định này.

Chiều ngày 3.4, phóng viên ghi nhận tại một số trường tiểu học trên địa bàn TP.Tây Ninh như Trần Phú, Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Tôn Thất Tùng… có khá nhiều phụ huynh khi đưa đón con “quên mất” việc đội mũ bảo hiểm cho con em mình. Trong số này, không ít phụ huynh hiện là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở các cơ quan, ban, ngành.

Có trường hợp phụ huynh chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho con, nhưng dường như chấp hành cho có lệ,  như không cài quai nón bảo hiểm cho bé vì… nón không có quai, không phù hợp kích cỡ...v.v…

Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy, mặc dù năm ATGT 2018 có chủ đề là ATGT cho trẻ em, nhưng công tác tuyên truyền về pháp luật ATGT cho phụ huynh và học sinh còn nhiều hạn chế. Tại khu vực cổng trường, số lượng băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về ATGT, tác hại của việc không đội nón bảo hiểm, hình thức và mức độ xử phạt… chưa nhiều, chưa nổi bật.

Mặc dù đèn tín hiệu đã chuyển sang màu vàng nhưng các phương tiện vẫn vô tư di chuyển.

 “Vượt vàng, rẽ đỏ”- chuyện thường ngày

Trong thời gian không quá 10 phút buổi sáng ngày 4.4, tại ngã tư giao giữa đường Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Chí Thanh - Lê Lợi và ngã ba giao lộ Bời Lời - Điện Biên Phủ (TP. Tây Ninh), chúng tôi ghi nhận khá nhiều trường hợp người dân vượt đèn vàng và rẽ phải khi đèn đỏ (ở những nơi không có bảng hiệu cho phép rẽ phải khi đèn đỏ).

Câu chuyện xe hai bánh được phép rẽ phải tại ngã tư hay đi thẳng tại ngã ba khi đèn đỏ tưởng chỉ là một vấn đề nhỏ, nhưng phía sau là cả một vấn đề về ý thức tham gia giao thông. Có không ít trường hợp người tham gia giao thông không kịp quan sát khi rẽ phải nên bị tai nạn.

Đặc biệt là có nhiều trường hợp người điều khiển mô tô tốc độ cao, khi đèn tín hiệu chuyển sang màu vàng họ vẫn không ngừng lại, dù vượt đèn vàng là một trong những lỗi vi phạm. Tận dụng tối đa một, hai giây ngắn ngủi này không giải quyết được công việc cá nhân nhưng lại là nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, có lẽ việc xử phạt của cảnh sát giao thông mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, nên người tham gia giao thông xem việc “bỏ qua đèn vàng” là chuyện bình thường!?

Nghe điện thoại khi điều khiển xe, thói quen khó bỏ?

Trong quý I, đã có gần 80 vụ xử phạt về lỗi sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện giao thông. Chạy một vòng trên các tuyến đường lớn như Điện Biên Phủ, 30.4 (TP.Tây Ninh), Phạm Văn Đồng (Hoà Thành)… không khó bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông một tay lái xe, một tay cầm điện thoại nhắn tin, nghe hoặc gọi điện.

Ông N.T H., ngụ tại phường 1, thành phố Tây Ninh than thở, hằng ngày lưu thông trên đường, ông chứng kiến có khá nhiều trường hợp vi phạm luật giao thông trong vấn đề này. Có không ít người vì mải mê sử dụng điện thoại khi điều khiển xe, qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại… Chỉ vì mất tập trung vài giây, người lái xe không kịp xử lý tình huống bất ngờ xảy ra, dẫn đến tai nạn cho bản thân và cả người cùng tham gia giao thông.

Cán bộ, công chức phải làm gương

Trước tình trạng tai nạn giao thông diễn biến ngày càng phức tạp, Ban An toàn giao thông tỉnh đã đặt nhiệm vụ cấp thiết và trọng tâm trong quý II năm 2018 là huy động tối đa các lực lượng, phương tiện tham gia tuần tra, kiểm soát giao thông cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông; thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương lúc nào cũng phải có mặt lực lượng Cảnh sát giao thông trên đường; trong tuần tra tập trung xử lý nghiêm các lỗi là nguyên nhân gây ra TNGT như vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định…

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ. Tăng cường sử dụng trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự ATGT. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể và rõ ràng cho từng các cơ quan thành viên, địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT…

Vẫn còn nhiều trường hợp phụ huynh không đội mũ cho trẻ khi tan học về.

Đặc biệt, để kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng cần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác tuyên truyền ATGT, chú trọng tuyên truyền cho các nhóm đối tượng thường xuyên tham gia giao thông và có nguy cơ gây TNGT cao như các đối tượng sử dụng rượu, bia; thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên… 

Đồng thời, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các đối tượng vi phạm, đặc biệt là cán bộ, công chức Nhà nước, nhất là lỗi vi phạm thường xuyên như không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông, không chấp hành tín hiệu đèn, biển báo giao thông… để cán bộ, công chức trở thành tấm gương đi đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần hạn chế TNGT.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cần phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong cơ quan tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT của các cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời biểu dương các cá nhân điển hình, gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành pháp luật giao thông… 

Phương Thảo - Đào Như

Trong quý I, đã có gần 80 vụ xử phạt về lỗi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong quý I-2018, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNGT liên quan đến trẻ em, trong đó có 1 trường hợp tử vong, 4 trường hợp bị thương; xử lý vi phạm hành chính gần 1.030 trường hợp đi xe mô tô, gắn máy không đội mũ bảo hiểm.