BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kéo giãn lộ trình sử dụng vật liệu xây không nung 

Cập nhật ngày: 28/06/2017 - 06:05

BTN - UBND tỉnh Tây Ninh đã có kiến nghị Bộ Xây dựng, đề xuất cho Tây Ninh lập lộ trình riêng để thực hiện việc sử dụng VLXKN. Đây là chủ trương hài hoà giữa những khó khăn thực tế của địa phương với quy định chung của ngành xây dựng cả nước.

Sản xuất gạch không nung ở một cơ sở.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, để sản xuất 1 tỷ viên gạch nung tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét- tương đương 75 ha đất nông nghiệp với độ sâu khai thác là 2m, tiêu tốn 150.000 tấn than; đồng thời thải khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường.

Như vậy, đến năm 2020, nếu sản xuất đáp ứng nhu cầu khoảng 42 tỷ viên gạch nung tiêu chuẩn thì sẽ tiêu tốn khoảng 57-60 triệu m3 đất sét, tương đương 2.800-3.000 ha đất nông nghiệp và 5,3-5,6 triệu tấn than, thải ra khoảng 17 triệu tấn khí CO2…

Do đó, việc sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) sẽ hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng nguồn khoáng sản tự nhiên, bảo toàn diện tích đất để phát triển sản xuất nông nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường.

BẮT BUỘC PHẢI SỬ DỤNG VLXKN

Từ năm 2010, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển VLXKN, tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Mục tiêu của việc sử dụng VLXKN hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng tài nguyên đất sét, nhiên liệu hoá thạch (than, dầu); giảm thiểu phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp…

Việc sản xuất VLXKN cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội để lựa chọn những công nghệ tiên tiến, phù hợp, có khả năng cơ giới hoá và tự động hoá cao, góp phần giảm lao động thủ công, tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm, tiết kiệm được hàng nghìn ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha đất dùng để chứa chất phế thải.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, tháng 5.2015, UBND tỉnh ra Quyết định số 1153/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch triển khai phát triển sản xuất, sử dụng VKXKN và lộ trình hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của tỉnh là sản xuất và sử dụng VLXKN để thay thế gạch đất sét nung, nhằm tiết kiệm đất nông nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, góp phần giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

Tỉnh cũng đề ra lộ trình sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng, phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung với tỷ lệ 30% vào năm 2020 trong tổng số vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch này, các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên, bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo tỷ lệ và lộ trình sau: Dự án được phê duyệt trước ngày 31.12.2015 thực hiện theo quyết định được phê duyệt, khuyến khích chủ đầu tư thay đổi thiết kế để sử dụng VLXKN.

Trường hợp vượt quá thời gian thực hiện của dự án mà chưa thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện việc sử dụng VLXKN theo tỷ lệ quy định là 20% trong tổng số vật liệu xây của dự án.

Dự án được phê duyệt sau ngày 31.12.2015 phải sử dụng VLXKN theo tỷ lệ quy định là 20% trong tổng số vật liệu xây của dự án. Dự án được phê duyệt sau ngày 31.12.2019, phải sử dụng tối thiểu 30% VLXKN trong tổng số vật liệu xây của dự án.

Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, đến năm 2020 phải sử dụng tối thiểu 30% VLXKN trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây). Tỉnh khuyến khích các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt số tầng sử dụng VLXKN.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BXD (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.1.2013). Thông tư này quy định các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng VLXKN. Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% VLXKN kể từ ngày thông tư này có hiệu lực. Tại các khu vực còn lại, phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN từ ngày thông tư có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.

Tuy nhiên, theo chủ trương của UBND tỉnh, từ năm 2010 trở lại, nhiều cơ sở sản xuất gạch đã chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang công nghệ tiên tiến hơn như công nghệ Hoffman, Tuynen với số vốn đầu tư lớn.

Nếu phải chuyển sang công nghệ gạch không nung ngay sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Mặt khác, VLXKN còn xa lạ, quá mới mẻ đối với thị trường Tây Ninh và thông tin về loại vật liệu xây dựng này chưa được phổ biến nên người sản xuất, người kinh doanh lẫn người tiêu dùng đều e dè, ngần ngại làm ra, mua bán, sử dụng…

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã có kiến nghị Bộ Xây dựng, đề xuất cho Tây Ninh lập lộ trình riêng để thực hiện việc sử dụng VLXKN. Đây là chủ trương hài hoà giữa những khó khăn thực tế của địa phương với quy định chung của ngành xây dựng cả nước.

Hậu quả để lại phía sau các lò gạch nung.

ÍT NGƯỜI BIẾT, CẦN SỬ DỤNG VLXKN

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, trên thị trường hiện khá phổ biến sản phẩm VLXKN gọi là gạch bê tông khí chưng áp (tên gọi kỹ thuật là gạch AAC).

Loại gạch này có nhiều ưu điểm hơn hẳn gạch đất sét nung sản xuất từ lò Tuynen như: sản xuất gạch AAC không gây ô nhiễm môi trường; nhẹ hơn gạch nung, làm giảm kết cấu móng và kích thước cột, dầm, xà… từ đó giảm chi phí công trình; cường độ chịu nén của gạch AAC có thể điều chỉnh theo yêu cầu công trình; cách nhiệt tốt, làm giảm nhiệt vào mùa nóng và giữ ấm vào mùa lạnh; cách âm tốt; giúp giảm vữa tô, xây, có thể sơn trực tiếp mà không cần tô; kích thước lớn nhưng nhẹ, dễ dàng vận chuyển và thi công; thời gian chống cháy lâu; thi công nhanh, giúp giảm chi phí…

Dù vậy, VLXKN chưa được sử dụng phổ biến, do thói quen sử dụng gạch đất sét nung lâu đời tại địa phương. Trong khi đó, việc quảng bá, cung cấp thông tin đến người tiêu dùng còn hạn chế, nên sản phẩm VLXKN còn xa lạ với người dùng lẫn giới xây dựng. Do đó, cho đến nay, chỉ mới có “lẻ tẻ” người sử dụng VLXKN, dù từ Trung ương đến tỉnh nhà đều đã có lộ trình cụ thể.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết thêm, gạch không nung là một trong những sản phẩm của VLXKN. Các sản phẩm của VLXKN bao gồm: Gạch xi măng - cốt liệu; vật liệu nhẹ (gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt, tấm Panel từ bê tông khí chưng áp); tấm tường thạch cao, tấm 3D; gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicat...).

Theo UBND tỉnh, hiện sản lượng VLXKN đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng tại các công trình xây dựng trong toàn tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện mạnh mẽ các quy định về thu hút đầu tư, ưu đãi về thuế… nhằm từng bước xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tại địa phương để khuyến khích phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tỉnh từng bước hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hoá các chủng loại sản phẩm VLXKN, tăng sản lượng thực tế, bảo đảm đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.

Ông Trần Quốc Phúc, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Hưng Thành (xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành) cho biết, doanh nghiệp của ông đã sản xuất thành công gạch không nung với nguyên liệu chủ yếu là xỉ tro nhiệt điện và xi măng (gạch bê tông khí không chưng áp) từ vài năm trước.

Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm rất khó khăn bởi cho đến nay, thị trường gạch không nung tại địa phương gần như “bất động”. Dù sản phẩm gạch không nung có nhiều ưu điểm vượt trội, trong đó có việc hạ giá thành xây dựng công trình lên đến 10 - 15% so với sử dụng gạch nung, nhưng lượng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh rất ít. Hiện sản phẩm làm ra được doanh nghiệp này đưa đi tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh.

ĐÌNH CHUNG


 
Liên kết hữu ích