Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng và đối ngoại đã nổi lên như những thành tích rất nổi bật của Việt Nam. Những kết quả đó được Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII đánh giá là chúng ta đã tạo ra được sự chuyển biến rất tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật trong việc kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn hơn giữa “xây” và “chống”…
Quang cảnh chương trình.
Đó cũng chính là nội dung trao đổi của chúng tôi với hai vị khách mời:
- PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Tuyên ngôn hành động rõ ràng, tạo niềm tin giai đoạn mới
PV: Các đồng chí đánh giá như thế nào về những kết quả trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nửa nhiệm kỳ vừa qua?
PGS.TS Nguyễn Viết Thảo: Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, nhiệm vụ then chốt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được triển khai một cách quyết liệt, giành được những kết quả rất đáng trân trọng. Chúng ta đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh để triển khai đồng bộ cuộc đấu tranh này, khắc phục cho bằng được những biểu hiện, những nguy cơ “trên nóng dưới lạnh” với tác dụng rất rõ rệt.
Chúng ta tổ chức 3 hội nghị toàn quốc về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Từ những tổng kết đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, các cơ quan Nhà nước đã ban hành được hơn 100 văn bản chỉ đạo; 24 luật, văn bản, nghị quyết của Quốc hội; Chính phủ đã ban hành 335 nghị định, 86 quyết định, các bộ ban hành gần 2.000 thông tư liên quan đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Nó tạo ra một khung khổ pháp lý rất cần thiết như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều năm nay, tạo ra "chiếc lồng thể chế" để "nhốt" tất cả quyền lực trong "chiếc lồng thể chế" cần thiết đó. Chúng ta đã cho tổng rà soát lại các văn bản của các bộ, ngành, cái nào thấy thiếu thì phải ban hành, cái nào thấy chồng chéo chưa phù hợp thì phải được điều chỉnh. Chúng ta đã rà soát đảm bảo sự công khai minh bạch, rà soát kê khai tài sản, đã xử lý rất nghiêm, rất cụ thể những trường hợp kê khai không đúng, không đủ, không kịp thời. Tôi cho đây là những bước tiến rất lớn.
Ngoài ra, những kết quả cụ thể của đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, không chỉ “củi khô” mà cả “củi tươi” cũng cho vào "lò" để thực hiện bằng được phương châm cuộc đấu tranh này không loại trừ bất cứ ai, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Điều này được Nhân dân rất đồng tình và quốc tế đánh giá rất cao.
PGS.TS Trần Đình Thiên: PGS.TS Nguyễn Viết Thảo đã nói khá đầy đủ. Tôi chỉ nhấn mạnh một ý, tức là cách làm của Đảng rất quyết liệt về mặt con người, về mặt bộ máy. Thực ra, tuyến nổi bật nhất là những phần tử có vấn đề đều được mang ra xử lý để làm gương. Tuyên ngôn hành động như thế là rất rõ ràng, tạo niềm tin cho giai đoạn mới.
Rèn luyện cho cán bộ lãnh đạo quản lý những năng lực cần thiết
PV: Cùng với công tác xây dựng Đảng, Đảng ta, Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thảo kết quả của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta?
PGS.TS Nguyễn Viết Thảo: Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực có tác động rất trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Thứ nhất là, chấn chỉnh lại sai phạm, răn đe đội ngũ cán bộ trong ý thức phòng chống sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý kinh tế, tránh thất thoát nguồn lực.
Thứ hai là, qua phòng chống tham nhũng, tiêu cực này, chúng ta rèn luyện cho cán bộ lãnh đạo quản lý, đặc biệt là những người trực tiếp quản lý kinh tế - xã hội những năng lực cần thiết, tác phong cần thiết, thói quen cần thiết là làm theo đúng luật, quy định, cơ chế, chính sách. Một thời gian khá dài vừa qua, cuộc đấu tranh này không được thúc đẩy kịp thời cho nên những sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Đặc biệt nó hình thành trong đầu óc một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý tâm lý nhận thức rất sai trái, chủ quan. Đó là có làm sai thế hay sai hơn thế nữa cũng vẫn an toàn.
Tôi cho rằng điều này là rất cần thiết. Từ những tác phong, thói quen rất đúng đắn này thì chúng ta mới “bơi” ra biển lớn, làm ăn với quốc tế, với đối tác nước ngoài một cách minh bạch, đúng đắn. Tôi cho rằng chúng ta thu hồi được nguồn lực đáng kể phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội.
Rút ra những bài học rất ý nghĩa
PV: PGS.TS Trần Đình Thiên có nhận định như thế nào đến tình hình kinh tế sau rất nhiều những vụ đại án về tham nhũng kinh tế mà chúng ta đã xử lý trong thời gian qua?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Là một nhà nghiên cứu kinh tế về vĩ mô, tôi thấy rằng cuộc chiến chống tham nhũng làm được điều là phát hiện ra vấn đề của bộ máy, của hệ thống chúng ta. Lần này nhờ vào sự phát hiện ra đó mới sửa được. Bản chất không phải là trừng trị mà cái chính là phát hiện ra bộ máy có những vấn đề cần thay đổi. Đây là gốc của vấn đề. Ví dụ vụ Vạn Thịnh Phát, câu chuyện sở hữu chéo dẫn đến sự thông đồng giữa hệ thống kinh doanh với bộ máy nhà nước. Phải có những đường thông như thế mới ra như vậy.
Thứ hai, tôi thấy càng ngày càng rõ câu chuyện càng duy trì hệ thống gọi là “xin – cho” mà không có sự giám sát, không đặt trên nền tảng công khai, minh bạch thì tham nhũng vẫn tiếp tục hoành hoành. Tôi cho những bài học ấy đắt giá vô cùng. Nó có ý nghĩa giúp chúng ta triệt được cái gốc của bệnh tật.
Thứ ba, xử lý vấn đề kinh tế liên quan đến hình sự dễ làm tổn thương đến kinh tế thị trường. Nó không giống thời kinh tế tập trung bao cấp hay tự cấp tự túc, người nào biết việc của người đấy. Còn hiện tại là làm sai có khả năng gây tổn thương trên phạm vi rất rộng. Về mặt dài hạn đây là bài học rất có ý nghĩa. Ví dụ như xử lý một cán bộ ở miền núi phía Bắc, nhiều khi là cả hệ thống kinh doanh trong Sài Gòn bị chấn động vì cán bộ ấy làm việc với cả hệ thống đó. Nếu chúng ta không biết xử lý một cách tinh tế theo đúng cái gọi là tôn trọng kinh tế thị trường thì có thể tổn hại cũng rất lớn. Tôi nghĩ đó là những bài học đã và sẽ phải rút ra.
PGS.TS Trần Đình Thiên: Là một nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô, tôi thấy rằng cuộc chiến chống tham nhũng làm được điều là phát hiện ra vấn đề của bộ máy, của hệ thống chúng ta.
Cuối cùng, tôi đánh giá cao việc Đảng đã có nghị quyết bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, tránh trộn lẫn những người phạm luật với người vượt luật để đổi mới. Bởi ranh giới giữa hai làn đó rất khó phân biệt. Điều đó không có nghĩa là có nghị quyết là ta giải quyết được vấn đề. Có nghị quyết xong phải có một hệ thống thực thi thật tốt. Tôi cho rằng mấy điểm đó là mấy điểm ảnh hưởng thật sự, tích cực, giúp cho chúng ta “thiết kế” được tương lai chứ không phải là trừng trị.
Thành công lớn với 3 trụ cột đối ngoại
PV: Trong bối cảnh thế giới rất phức tạp và có nhiều biến động cũng như những tình huống nhạy cảm, thế nhưng chính sách đối ngoại của Việt Nam vẫn nhận được sự tin tưởng của bạn bè quốc tế. Vậy thì đâu là nguyên nhân của thành công này, thưa các đồng chí?
PGS.TS Nguyễn Viết Thảo: Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, công tác đối ngoại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân đều đã rất thành công. Chúng ta đã thực hiện rất tốt những mục tiêu đối ngoại được sắp xếp theo thứ tự. Đối ngoại trước hết là để phục vụ phát triển đất nước. Thứ hai, đối ngoại để phục vụ đảm bảo an ninh quốc gia và thứ ba, đối ngoại phục vụ để nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Chúng ta sắp xếp theo thứ tự đó và đang thực hiện rất thành công.
PGS.TS Nguyễn Viết Thảo: Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, công tác đối ngoại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân đều đã rất thành công.
Một điều rất điển hình trong bối cảnh dịch COVID-19 vô cùng khó khăn, chúng ta đã huy động các kênh đối ngoại, huy động tất cả các ngành, các cấp vào cuộc thực hiện thắng lợi nền ngoại giao vắc xin, đã trở thành một trong những quốc gia tiêm chủng mở rộng nhất cho toàn dân, đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, phát triển kinh tế - xã hội với những kết quả rất ấn tượng như chúng ta biết.
Thế rồi trong bối cảnh thế giới đầy biến động, phức tạp, Việt Nam vẫn duy trì được cục diện hòa bình, ổn định, thuận lợi để chúng ta phát triển đất nước, xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây là một kết quả rất lớn, trong đó chúng ta thu hút được nguồn lực rất vô cùng lớn.
Riêng về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong bối cảnh khó khăn thế này, chúng ta vẫn thu hút được trên dưới 35 tỷ đô la trong năm 2023 vừa qua. Tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt trên 650 tỷ đô la, trong khi là đứt gãy thương mại toàn cầu rất nghiêm trọng. Đặc biệt là chúng ta đa dạng hóa, đa phương hóa các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam, tức là đa dạng hóa các đối tác kinh tế trong bối cảnh rất khó khăn. Cái đó cũng góp phần đắc lực để chúng ta duy trì được sản xuất kinh doanh trong nước. Mặc dù vẫn có nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, giới thương nhân, cho Nhân dân nói chung nhưng chúng ta vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trên 5% trong bối cảnh thế giới rất nhiều khu vực kinh tế, rất nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm. Tôi cho rằng đây là một thành công rất lớn trên lĩnh vực đối ngoại của chúng ta.
Trên bình diện an ninh quốc phòng, về cơ bản, chúng ta giữ vững được cục diện hòa bình ổn định. Những cái gì mà chúng ta giải quyết được chúng ta đã giải quyết được với các đối tác, những cái gì phức tạp, chúng ta tiếp tục đàm phán, thương lượng để trong những năm tới chúng ta cũng có giải pháp căn cơ hơn. Tôi cho đây là những thành tựu rất lớn của đối ngoại.
Thành công từ chiến lược đối ngoại chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích
PV: Rõ ràng là nửa nhiệm kỳ vừa qua, công tác đối ngoại cũng đã góp phần rất quan trọng trong việc phục hồi và phát triển kinh tế. PGS.TS Trần Đình Thiên có nhận định thế nào?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Điều này phải nói là rất đúng. Chưa lúc nào thể hiện rõ kinh tế đối ngoại lại hỗ trợ cho Việt Nam như thế. Sự hỗ trợ này bắt nguồn từ phía Việt Nam tác động đến và thể hiện qua chống dịch rất rõ. Chúng ta chống dịch toàn dân nhưng mà tập trung cao độ để cho những khu công nghiệp tập trung, những vùng công nghiệp tập trung và những vùng đó cũng là tập trung đầu tư nước ngoài, những vùng đó cũng là phần để giữ mạch thông của kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới. Nó là 2 tuyến song hành nên việc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tập trung đến chống dịch như ở Bắc Giang, Bắc Ninh hay là vào trong khu vực Đông Nam Bộ, các tỉnh Bình Dương…, chấp nhận rủi ro có thể xảy ra. Điều đó góp phần nói với thế giới rằng chúng tôi giúp các bạn, giúp các nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ rủi ro. Tinh thần đó cũng là cách để giữ cho nền kinh tế thế giới ổn định. Lòng tin rất quan trọng.
Cách chúng ta nhất quán chọn làm bạn với tất cả nước nhưng trong thời kỳ dịch vừa rồi thống nhất quan điểm rủi ro chia sẻ. Phải nói là cực kỳ thành công, mà nó thành ý thức về mặt đường lối, ý thức về tinh thần đối ngoại, tinh thần nhân văn quốc gia chứ không phải chỉ là câu chuyện lấy lòng cho vui. Vì thế, kinh tế Việt Nam mặc dù là gặp khó khăn nhưng tổng thể nền kinh tế cơ bản vẫn giữ được và quan trọng giữ được mạch thông cho thế giới. Cho nên đến bây giờ, đầu tư nước ngoài chưa bao giờ cao như thế. Trong lúc thế giới nhiều nước nguồn đầu tư chảy ra thì lại “chạy” về Việt Nam vì chúng ta tạo được sự tin cậy.
Một vấn đề nữa chính là khía cạnh ngoại giao cấp độ cao. Năm 2023, rất nhiều đoàn doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Chưa bao giờ tính khả thi về đầu tư Việt Nam lại cao đến vậy. Đây là những bằng chứng rất rõ. Cơ hội mở ra cho Việt Nam đang rất lớn và chúng ta phát huy theo đúng đường lối ấy. Và điều quan trọng giai đoạn tới chúng ta phải xử lý được vấn đề tạo năng lực để hấp thụ cái đó. Chúng ta lâu nay cơ hội thì nhiều nhưng năng lực hấp thụ hơi kém. Bây giờ làm nốt được việc ấy thì chúng ta sẽ hài hòa được lợi ích với thế giới. Hai vế của chiến lược đối ngoại Việt Nam chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích chưa bao giờ lại thành công như mấy năm vừa rồi…
PV: Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí đã tham gia chương trình.
Nguồn dangcongsan