Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Toàn bộ nội dung của bản kết luận thanh tra nêu trên cho thấy, các cá nhân đã có nhiều sai phạm liên quan đến nguyên tắc tài chính. Tuy nhiên, khi kết luận, UBND huyện Châu Thành chỉ cho rằng các hành vi sai phạm trên là không đúng quy định pháp luật chung chung.
“Các năm 2013-2016, Công xã Phước Vinh có các hạn chế, thiếu sót như: không phân công lịch trực cụ thể. Một số cá nhân đã nghỉ nhưng vẫn có tên trong danh sách quyết toán, một số cá nhân tham gia tuần tra trên 15 ngày/tháng nhưng quyết toán dưới 1 ngày/tháng và ngược lại.
Riêng năm 2013, 2014, lập chứng từ quyết toán trực sẵn sàng chiến đấu cao hơn thực tế phát sinh…”. Đó là một trong những nội dung được nêu trong bản Kết luận thanh tra gửi đến Chủ tịch UBND xã Phước Vinh (Châu Thành) tại Văn bản số 01 của UBND huyện Châu Thành.
LẬP DANH SÁCH KHỐNG LẤY TIỀN LÀM QUỸ RIÊNG
Như Báo Tây Ninh đã đưa tin, vào tháng 4.2017, ông Nguyễn Văn Thiện (ngụ ấp 3, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành) nguyên công an viên xã Phước Vinh có đơn gửi Đảng uỷ, UBND xã Phước Vinh tố cáo một Phó Công an xã Phước Vinh lập khống chứng từ quyết toán tiền hỗ trợ Tuần tra nhân dân (TTND) trái quy định.
Theo quy định, việc huy động lực lượng tuần tra tối đa 15 ngày/người trong một tháng, nhưng Phó trưởng Công an xã thường xuyên huy động từ 25, 30 ngày/người trong một tháng, một số người không tham gia tuần tra hoặc tham gia ít nhưng lại được đưa tên vào danh sách trực, tăng số ngày trực so với thực tế để quyết toán nhận tiền…
Nhận thấy vụ việc phức tạp, Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ xã Phước Vinh chuyển đơn tố cáo đến Ban Thường vụ Huyện uỷ Châu Thành; sau đó, Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định thanh tra tài chính tại Công an xã Phước Vinh.
Kết luận thanh tra của UBND huyện Châu Thành xác định, về việc TTND trực sẵn sàng chiến đấu, từ năm 2013 đến năm 2017, lực lượng TTND xã Phước Vinh có 90 người, đến nay chỉ còn 58 người, nhưng không có danh sách các TTND nghỉ trực cũng như quyết định thôi tham gia lực lượng tuần tra.
Về việc huy động TTND trực, UBND xã không ban hành kế hoạch huy động lực lượng tuần tra, Công an xã không xếp lịch trực cho từng người. Việc chấm công tuần tra do lãnh đạo công an xã chấm theo thực tế. Theo đó, mỗi lần huy động sẽ được chấm công một lần.
Tuy nhiên, thực tế có trường hợp 1 ngày một người được chấm công 2 lần. Do đó, có một số người được chấm công hơn 30 lần/tháng. Cụ thể, trong tháng 1.2016, ông Đới Đăng Thinh, Nguyễn Văn Chiêm, Phan Ánh Ly, Lê Trọng Nhân được chấm công trên 30 lần/tháng.
Việc lập chứng từ quyết toán, kết luận xác định, khi lập chứng từ quyết toán, Công an xã Phước Vinh lập một bảng chấm công khác, giới hạn một người không quá 15 ngày/tháng theo sự hướng dẫn của… bộ phận tài chính xã (?).
Thực tế trên bảng chấm công từ năm 2013-2016, một số người không tham gia trực nhưng lại có tên trong danh sách quyết toán như các ông Lương Văn Luỹ, Nguyễn Văn Dinh, Lê Văn Tánh, Nguyễn Trường Đua… Một số người thực tế tham gia trực không đúng như bảng danh sách quyết toán gồm ông Nguyễn Văn Tiến, Mai Văn Khánh, Nguyễn Văn Khởi, Bùi Văn Hoà, Phạm Văn Hon, Nguyễn Văn Lợi.
Giải trình với đoàn thanh tra về những nội dung khác nhau giữa bảng chấm công quyết toán và bản chấm công thực tế, Công an xã Phước Vinh cho biết, những người tham gia trực quá số ngày quy định không quyết toán được nên phải lập danh sách bổ sung những người trực không đủ hoặc không đi trực để quyết toán cho những người đi trực nhiều. Tiền nhận về, Công an xã cấp đủ cho lực lượng TTND theo đúng thực tế. Qua xác minh, Thanh tra xác định Công an xã cấp phát đúng với số ngày thực tế, không có ai thắc mắc hay khiếu nại gì.
Thanh tra xác định trong hai năm 2013 và 2014, huyện giao dự toán kinh phí trên 642 triệu đồng, Công an xã Phước Vinh quyết toán trên 536 triệu đồng, nhưng thực chi chỉ có trên 397 triệu đồng, số tiền 138.583.500 đồng (trên 138,5 triệu đồng) Công an xã đã lập hồ sơ hợp thức hoá để quyết toán, sau đó tự ý nhập số tiền này vào quỹ của Công an. Số tiền thực chi trên 397 triệu đồng, kết luận cho biết, đoàn thanh tra không kiểm tra với lý do ông Phan Văn Thanh - Phó trưởng Công an xã không cung cấp được chứng từ chi thực tế (!?).
Về số tiền trên 138,5 triệu đồng làm hồ sơ khống giữ lại chi không đúng quy định, qua xác minh, ông Nguyễn Tấn Đức- nguyên Bí thư xã giai đoạn này cho biết, ông Nguyễn Văn Được- nguyên Trưởng Công an xã có xin ý kiến trong cuộc họp giao ban với nội dung: Tổng số tiền tuần tra được quyết toán không phát hết cho lực lượng tuần tra, mà xin trích lại một phần để mua mì và chi bồi dưỡng thêm cho lực lượng trực đêm.
Tiền được quyết toán từ nguồn nào để mua gạo, mì cho lực lượng tuần tra ăn đêm, ông Đức không biết rõ. Số tiền trích lại bao nhiêu, Công an xã không báo cáo nên ông Đức cũng không biết. Làm việc với công an viên Lê Thị Thu Hương- thủ quỹ của Công an xã, bà Hương cho biết đã nhập chung vào quỹ của Công an xã (nhiều nguồn khác) để chi cho các hoạt động thường xuyên nhưng bà Hương không phân biệt được nguồn thu - chi từ đâu.
Hiện nay, chỉ còn tồn gần 2 triệu đồng. Thanh tra huyện cho biết, số tiền thu - chi chỉ được thủ quỹ mở sổ tay theo dõi nhận tiền từ lãnh đạo Công an xã và chi tiền hoạt động, có ký tên nhận tiền.
Giai đoạn năm 2015 đến tháng 11.2017, Thanh tra xác định trong 2 năm 2015-2016, huyện giao dự toán trên 828 triệu đồng; năm 2017, giao dự toán bao gồm cho công tác khác là 985 triệu đồng, Công an xã lập hồ sơ quyết toán đúng với thực tế.
“XẺ” TIỀN RA LÀM BA, MẠNH AI NẤY DÙNG
Về số tiền tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới, theo quy định của Bộ Tài chính ban hành năm 2008, các xã biên giới được cấp 100 triệu đồng, riêng năm 2017 được cấp 60 triệu đồng.
Từ năm 2013-2016, UBND xã Phước Vinh giao khoán cho Công an xã 30 triệu đồng, Ban CHQS xã 30 triệu đồng/năm, UBND xã 40 triệu đồng/năm. Qua thanh tra xác định, việc quyết toán tiền này do ông Phan Văn Thanh- Phó trưởng Công an xã lập chứng từ.
Ông Thanh đã lập hồ sơ hợp thức hoá chứng từ nhận tiền nhưng không chi thực tế cho lực lượng tuần tra mà “giao cho UBND xã giữ tại bộ phận tài chính”. Các chứng từ khống do tập thể Công an xã thay phiên nhau ký danh sách quyết toán.
Khi Công an xã muốn chi nội dung gì thì đề xuất, Chủ tịch UBND xã phê duyệt. Thanh tra xác định, từ năm 2013 đến tháng 9.2017 đã làm chứng từ quyết toán 138.046.000 đồng (trên 138 triệu đồng), nhưng qua xác minh, chỉ có một số người trong lực lượng TTND có “hỗ trợ” đoàn công tác đi kiểm tra cột mốc.
Khi có được số tiền từ việc lập hồ sơ quyết toán khống nêu trên, Công an xã đã chi vào một số nội dung khác như: làm nhà ăn, làm sân nền, mua máy vi tính… cho Công an xã.
Theo đơn tố cáo, ông Thanh mua máy vi tính sử dụng cá nhân (vì Công an xã đã có máy), nhưng qua làm việc với bà Lê Thị Thu Hương “thể hiện bộ máy vi tính được đặt tại phòng làm việc của ông Phan Văn Thanh và sử dụng cho công việc hành chính chung của đơn vị”.
Ngoài ra, Thanh tra cũng kết luận một số sai phạm tại BCHQS xã, UBND xã liên quan đến số tiền tuần tra bảo vệ cột mốc. Tương tự như Công an xã, BCHQS xã Phước Vinh cũng lập hồ sơ khống để hợp thức hoá nhận tiền trước, sau đó giao cho UBND xã giữ.
Từ năm 2013-2017, BCHQS xã đã nhận trên 177 triệu đồng, nhưng chỉ chi cho lực lượng dân quân trên 117 triệu đồng (nhận tiền trước, tuần tra sau), còn lại chi vào nội dung khác như: họp giao ban, hội ý, tặng quà, bồi dưỡng đi học.
Đối với UBND xã, Thanh tra xác định từ năm 2013-2016, UBND xã đã lập hồ sơ khống hợp thức hoá chứng từ tuần tra bảo vệ cột mốc nhận trên 45 triệu đồng, nhưng lại thể hiện chi thực tế là mua văn phòng phẩm, phát dọn cột mốc, đường ranh tuần tra.
Điều đáng ngạc nhiên, mặc dù nói là chi phát dọn cột mốc, đường ranh biên giới trên 35 triệu đồng nhưng thực tế, UBND xã lại dùng số tiền này chi hỗ trợ công tác thu thuế (!?).
Kết luận thanh tra của UBND huyện Châu Thành xác định, đối với nội dung tuần tra nhân dân trực sẵn sàng chiến đấu, Công an xã “quyết toán tiền thừa” trên 138,5 triệu đồng, sau đó nhập quỹ là không đúng theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, do số tiền này có nhập quỹ, dùng chi hoạt động Công an xã, nhất là chi cho lực lượng tuần tra ăn khuya nên thanh tra không kiến nghị thu hồi. Đối với nội dung tuần tra bảo vệ cột mốc, Công an xã đã làm hồ sơ hợp thức hoá trên 138 triệu đồng là không đúng quy định pháp luật, cụ thể là không đúng nội dung Công văn số 14199/BTC-NSNN về quản lý sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cột mốc và an ninh biên giới.
Tuy nhiên, kết luận cho rằng, số tiền trên, Công an xã chi trên 81 triệu đồng cho hoạt động chung và cần thiết của Công an, hiện còn tồn trên 56,7 triệu đồng được giữ tại bộ phận tài chính của UBND xã. Đối với nội dung tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới, kết luận thanh tra xác định BCHQS xã Phước Vinh lập hồ sơ quyết toán hợp thức hoá số tiền trên 177 triệu đồng, UBND xã Phước Vinh lập hồ sơ hợp thức hoá số tiền trên 35 triệu đồng không đúng quy định pháp luật.
Kết luận của UBND huyện kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với ông Đỗ Trọng Dân- Chủ tịch UBND xã Phước Vinh với nội dung cho ý kiến để Công an xã, BCHQS xã sử dụng tiền quyết toán cột mốc và sử dụng kinh phí từ nguồn cột mốc biên giới chi hỗ trợ cho công tác thu thuế không đúng quy định.
Kết luận cũng kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với kế toán xã Nguyễn Thị Duyên, Phó trưởng Công an xã Phan Văn Thanh về một số nội dung sai phạm có liên quan. Kết luận yêu cầu ông Đỗ Trọng Dân có trách nhiệm thu hồi trên 35 triệu đồng tiền quyết toán phát dọn đường ranh, cột mốc biên giới nhưng lại chi hỗ trợ công tác thuế; chỉ đạo bộ phận tài chính xã thu hồi trên 64 triệu đồng (trên 56 triệu đồng nội dung quyết toán tiền công tác tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới của Công an xã và trên 7 triệu đồng của BCHQS xã) vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra.
Toàn bộ nội dung của bản kết luận thanh tra nêu trên cho thấy, các cá nhân đã có nhiều sai phạm liên quan đến nguyên tắc tài chính. Tuy nhiên, khi kết luận, UBND huyện Châu Thành chỉ cho rằng các hành vi sai phạm trên là không đúng quy định pháp luật chung chung.
Không nêu rõ hành vi của các cá nhân sai phạm tại nội dung cụ thể của điều khoản nào, luật nào, ngoài một công văn của Bộ Tài chính. Dư luận đặt câu hỏi: đối với hành vi làm trái quy định như thế mà chỉ xử lý kiểm điểm, rút kinh nghiệm liệu có thoả đáng?
ĐỨC TIẾN
1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước.
2. Thu sai quy định của các luật thuế và quy định khác của pháp luật về thu ngân sách; phân chia sai quy định nguồn thu giữa ngân sách các cấp; giữ lại nguồn thu của ngân sách nhà nước sai chế độ; tự đặt ra các khoản thu trái với quy định của pháp luật.
3. Chi không có dự toán, trừ trường hợp quy định tại Điều 51 của Luật này; chi không đúng dự toán ngân sách được giao; chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, không đúng mục đích; tự đặt ra các khoản chi trái với quy định của pháp luật.
4. Quyết định đầu tư chương trình, dự án có sử dụng vốn ngân sách không đúng thẩm quyền, không xác định rõ nguồn vốn để thực hiện.
5. Thực hiện vay trái với quy định của pháp luật; vay vượt quá khả năng cân đối của ngân sách.
6. Sử dụng ngân sách Nhà nước để cho vay, tạm ứng, góp vốn trái với quy định của pháp luật.
7. Trì hoãn việc chi ngân sách khi đã bảo đảm các điều kiện chi theo quy định của pháp luật.
8. Hạch toán sai chế độ kế toán nhà nước và mục lục ngân sách nhà nước.
9. Lập, trình dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời hạn quy định.
10. Phê chuẩn, duyệt quyết toán ngân sách nhà nước sai quy định của pháp luật.
11. Xuất quỹ ngân sách Nhà nước tại Kho bạc Nhà nước mà khoản chi đó không có trong dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, trừ trường hợp tạm cấp ngân sách và ứng trước dự toán ngân sách năm sau quy định tại Điều 51 và Điều 57 của Luật này.
12. Các hành vi bị cấm khác trong lĩnh vực ngân sách nhà nước theo quy định của các luật có liên quan.
(trích Luật Ngân sách Nhà nước)