Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân 

Cập nhật ngày: 13/11/2021 - 21:21

BTNO - Sáng ngày 13.11, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Báo Nông nghiệp Việt Nam chủ trì phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022 với 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Sản xuất vụ Thu Đông và vụ Mùa 2021 ở các tỉnh Nam bộ đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Theo thông tin từ Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT)  cho biết, vụ Đông Xuân năm 2021 – 2022, các tỉnh phía Nam dự kiến gieo cấy trên 1,6 triệu ha. Để đảm bảo an toàn cho các đợt xuống giống tập trung, né rầy, căn cứ vào diễn biến rầy nâu và chế độ thủy văn của vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo mỗi địa phương cần xác định lịch thời vụ xuống giống dựa vào dữ liệu bẫy đèn cho từng tháng.

Ông Lê Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, dù chịu ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, kèm theo đó là mực nước lũ thấp nhưng nhờ công tác triển khai sản xuất vụ Thu Đông, vụ mùa năm 2021 tại các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được tiến hành sớm và có nhiều giải thích ứng với tình hình dự báo lũ. Đến nay, về cơ bản tình hình sản xuất vụ Thu Đông và vụ mùa 2021 ở các tỉnh Nam bộ đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Về công tác bảo vệ thực vật, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, vụ Đông Xuân năm 2021 -2022, dự kiến khu vực Nam Bộ sẽ gieo sạ gần 1,6 triệu ha, đến nay bà con mới gieo hơn 300.000 ha. Hiện trên đồng ruộng, một số loài sinh vật gây hại trên lúa như rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn, bạc lá, sâu năn, sâu cuốn lá nhỏ chiếm tỷ lệ rất thấp. Bệnh khảm lá trên cây mì (sắn), tiếp tục xuất hiện, ước tính diện tích nhiễm trên đồng khoảng 34,6 nghìn ha, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, qua quan sát trên đồng ruộng, bệnh biểu hiện nhẹ và thiệt hại mức độ thấp hơn so với trước đây.

Ông Thiệt cũng khuyến cáo, khung thời vụ vụ Đông Xuân vào khoảng tháng 11 và tháng 12, tuyệt đối không gieo sạ trong tháng 1.2022. Và đối với cây lúa, rầy di trú vào tuần lễ thứ 3, 4 hàng tháng. Do đó, địa phương căn cứ tình hình rầy vào đèn bố trí thời điểm xuống giống thích hợp để né rầy. Đầu vụ, bà con cần chú ý phòng rầy nâu, sâu năn; giữa vụ phòng trừ đạo ôn lá và cuối vụ phòng trừ đạo ôn cổ bông.

Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing, Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết, hiện nay đang xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất phân phón, việc tìm nguồn cung cấp đang gặp không ít khó khăn.

Thanh tra Sở NN&PTNT Tây Ninh kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh minh hoạ

Theo đại diện của Công ty CP Phân bón Bình Điền, giải pháp để thích ứng là trước mỗi mùa vụ cần có các diễn đàn thảo luận sâu về tình hình thị trường, đưa ra các dự báo về vật tư đầu vào. Từ đó, sẽ đưa là được chiến lược sản xuất phù hợp cho mỗi mùa vụ để đảm bảo được lợi nhuận cho người nông dân dù có biến động về giá vật tư đầu vào.

Về vấn đề tận dụng nguồn hữu cơ cho cây trồng, bà Bùi Thị Hồng Hà - Trưởng phòng Vi sinh Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), cho biết: giải pháp xử lý nhanh rơm rạ tươi trên ruộng được Viện nghiên cứu với đề tài đặc biệt cấp quốc gia EM/KHCN (1997-2000) đang phát huy hiệu quả trong các giải pháp xử lý phế thải của sản xuất nông nghiệp. Giải pháp này nhanh chóng được triển khai ứng dụng diện hẹp ở các liều lượng và quy mô lớn nhỏ và được ứng dụng diện rộng tại các mô hình ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với quy mô trên 50ha (50ha tại An Giang, 120ha tại Thanh Hóa, 160ha tại Thái Nguyên).

Kết quả thu được sau khảo sát mới nhất như sau: Giảm phân hóa học tổng hợp từ 30-50% tùy lượng rơm rạ để lại trên đồng. Khả năng giảm đến 50% là rất tốt trên tất cả các mô hình để lại 100% rơm tại ruộng để xử lý và sạ thưa hơn; Giảm sử dụng thuốc BVTV từ 30 - 50% tùy thói quen phun phòng trừ sâu bệnh của nông dân. Cá biệt có nơi không còn phải dùng đến thuốc BVTV (Ninh Bình, Hải Dương). Một số vùng có thói quen dùng đến 9 lần thuốc/vụ lúa đã cắt giảm chỉ còn 2-3 lần phun.

Theo bà Bùi Thị Hồng Hà, các giá trị khác thu được như giá bán lúa đã được thị trường chấp nhận mua cao hơn, chất lượng hương và vị hạt gạo tăng rõ rệt, chất lượng đất tốt, bùn nhiều, sức khỏe cây trồng tốt và xanh lá đến khi thu hoạch, sức khỏe người nông dân tăng tỉ lệ thuận với mức độ giảm thuốc bảo vệ thực vật trong chăm sóc lúa.

Tham gia Diễn đàn, đại diện Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: Hiện nay tập đoàn đang triển khai 3 mô hình tại ĐBSCL: Liên kết tiêu thụ; sản xuất theo hình thức truyền thống (có hỗ trợ) và bao lợi nhuận. Trong vụ Đông Xuân 2021, tập đoàn sẽ triển khai đẩy mạnh mở rộng mô hình bao lợi nhuận tại các tỉnh như Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ… với diện tích khoảng 30.000 ha.

Trong mô hình bao lợi nhuận, tập đoàn sẽ bao toàn bộ chi phí đầu vào sản xuất cho người dân (thuốc bảo vệ thực vật , phân bón…). Ngay từ đầu vụ người dân sẽ ký thỏa thuận với tập đoàn mức năng suất và mức lợi nhuận cố định. Nếu người dân chăm chỉ sản xuất, năng suất thu được cao hơn mức cam kết thì phần tăng lên đó người dân sẽ được hưởng thêm. Điều này đã tạo động lực rất lớn cho người dân để chăm lo đồng ruộng, nâng cao năng suất.

Về vật tư nông nghiệp, tập đoàn cam kết đến hết năm 2021, sẽ không tăng giá vật tư nông nghiệp như cam kết từ đầu năm.

Từ đầu năm đến nay, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, đang là rào cản lớn đối với việc tập trung sản xuất của người nông dân trong khi vụ Đông Xuân sắp tới. Nhằm kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nắm bắt thông tin về vật tư đầu vào và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ vụ sản xuất lúa Đông Xuân 2-năm 2021 – 2022, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục BVTV, các Cục, Tổng cục có liên quan; các Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam... đã triển khai các dự án khuyến nông và tuyên truyền các biện pháp sản xuất giảm lượng hạt giống gieo sạ; cơ giới hóa trong sản xuất trong lúa cho thấy hiệu quả khá rõ rệt, chi phí sản xuất giảm bình quân 3,triệu đồng/ha (khoảng 18%). Trong đó, giảm chi phí về giống bình quân 1,15 triệu đồng/ha (85 kg lúa giống), hiệu quả kinh tế cao hơn 5,6 triệu đồng/ha (khoảng 40%), góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Thiện Đức