Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện “mục tiêu kép”- vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, Tây Ninh đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn và kích cầu doanh nghiệp.
Trong đó, việc tổ chức các hoạt động giao thương xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, kết nối, tiêu thụ… được xem là giải pháp hữu hiệu trong tình hình hiện nay.
Doanh nghiệp tìm hiểu sản phẩm trưng bày tại hội nghị kết nối giao thương Tây Ninh - Lâm Đồng.
Ông Lê Khánh Trình- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (XTTM) cho biết, đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, thiếu hụt nguyên liệu... dẫn tới sụt giảm doanh thu, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp.
Cộng đồng doanh nghiệp Tây Ninh nhanh chóng thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh như: đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ chủ lực; tích cực tìm kiếm thị trường nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, doanh nghiệp tỉnh vẫn có thể tìm được những cơ hội để phát triển và cải thiện năng lực. Việc đẩy lùi dịch bệnh giúp nước ta trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài, điểm đến tiềm năng giao thương hàng hoá. Bên cạnh đó, các chính sách hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành chuỗi giá trị mới, nhất là tận dụng những lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Doanh nghiệp Tây Ninh ký biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp Lâm Đồng tại một hội nghị kết nối giao thương.
Hoạt động giao thương đã tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Tây Ninh và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường.
Theo ông Trình, năm 2020, Sở Công Thương chủ trì, cùng các sở, ngành liên quan tổ chức cho đoàn cán bộ tỉnh và doanh nghiệp địa phương tham gia 6 chương trình hội thảo, hội nghị kết nối giao thương, khảo sát thị trường trong nước.
Đơn vị làm tốt vai trò đầu mối hỗ trợ, là trung gian cho doanh nghiệp địa phương tham gia, giới thiệu quảng bá sản phẩm thế mạnh, đặc sản và dịch vụ chất lượng có uy tín của địa phương tại các hoạt động, tiến tới kết nối, ký kết thoả thuận hợp tác, hợp đồng thương mại với các đối tác, nhà phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại trong nước; tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư, mở rộng cơ hội quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm thế mạnh và đặc sản của doanh nghiệp Tây Ninh.
Qua các hội nghị, hội thảo, khảo sát thị trường, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất trong tỉnh có hơn 100 cuộc tiếp xúc với khách hàng để giới thiệu sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, xây dựng các mối quan hệ, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Xác định phát triển thị trường trong nước là giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hoá, giữa tháng 9.2020, sau khi cả nước bỏ quy định giãn cách xã hội do dịch bệnh, Sở Công Thương khẩn trương xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường trong nước- Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá giữa tỉnh Tây Ninh và các tỉnh, thành trong nước.
Theo đó, đoàn lãnh đạo và doanh nghiệp Tây Ninh tiếp xúc, trao đổi với đại diện Siêu thị Sài Gòn thuộc Tổng Công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV Satra về dự án “Khu đặc sản vùng miền” với mục tiêu tạo ra một nơi kinh doanh tập trung và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành trong cả nước, hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để đưa những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh mình đến với người tiêu dùng một cách thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Hiện tại, lãnh đạo Sở chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai dự án để kịp khai trương khu đặc sản của Tây Ninh tại siêu thị Satra quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị giao thương, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam, đồng thời, góp phần tạo nguồn cung hàng hoá ổn định, kích cầu tiêu dùng trong nước, bình ổn thị trường.
Theo đại diện doanh nghiệp tư nhân Vương Ngọc, phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành, ngoài nỗ lực sản xuất ra sản phẩm an toàn và chất lượng, doanh nghiệp thường xuyên tham gia các hoạt động kết nối, xúc tiến giao thương do tỉnh tổ chức. Đây là cơ hội để doanh nghiệp gặp gỡ nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và cập nhật thông tin về tiêu dùng, xu thế thị trường mới nhất của thế giới.
Bên cạnh đó, các chương trình kết nối còn là cầu nối gắn kết giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng; qua đó, người dân tiếp cận được sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, giá cả phù hợp; doanh nghiệp sản xuất kết nối với doanh nghiệp bán lẻ, hình thành hệ thống cung cầu, tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Theo đại diện Công ty TNHH thực phẩm Tân Nhiên (xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành), khi xảy ra dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị sản xuất đang thiếu đầu ra cho sản phẩm.
Thời gian qua, công ty đã tham gia nhiều chương trình kết nối giao thương do Sở Công Thương tổ chức, đạt được nhiều thoả thuận hợp tác với doanh nghiệp trên địa bàn và trong cả nước trong việc tiêu thụ sản phẩm tại các hệ thống siêu thị. Các chương trình không chỉ đem lại cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và hợp tác lâu dài.
Trưng bày hàng hoá là đặc sản vùng miền tại một hội nghị xúc tiến thương mại.
Được biết, Công ty TNHH thực phẩm Tân Nhiên là một trong những doanh nghiệp mới thành lập trên địa bàn tỉnh. Qua gần 2 năm tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do Trung tâm tổ chức, đến nay, đơn vị đã nâng công suất nhà máy lên gấp 3 lần; sản phẩm bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên phủ khắp thị trường Bắc, Trung, Nam; doanh nghiệp còn ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu qua các thị trường nước ngoài như: Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu…
Theo Sở Công Thương, để sản phẩm được phân phối tại các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại thì các địa phương, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, ổn định nguồn cung ứng và đầu tư hơn cho bao bì, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn của doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng hiện nay.
Ông Lê Khánh Trình - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và XTTM cho biết thêm, dự kiến năm 2021, Trung tâm phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch triển khai một số lớp đào tạo tập huấn về tiếp cận, phát triển thị trường, áp dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số, phát triển thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng hoá; nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tây Ninh, từ đó, nâng cao tính thẩm mỹ và chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
NHI TRẦN