Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp phía Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu 

Cập nhật ngày: 12/07/2023 - 21:02

BTNO - Từ ngày 12-16.7.2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam khai mạc chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các tỉnh thành phía Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại”.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc hội nghị.

Tham dự lễ khai mạc diễn ra sáng 12.7 có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương, lãnh đạo các Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại, Trung tâm khuyến công, các cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài, các cơ quan thông tấn báo chí và các doanh nghiệp tham gia Chương trình.

Về phía tỉnh Tây Ninh, ông Huỳnh Đăng Khoa- Phó Giám đốc Sở Công Thương làm Trưởng đoàn, cùng các doanh nghiệp tham dự chương trình.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng. Nhiều nền kinh tế lớn- trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của nước ta- tăng trưởng chậm, thậm chí rơi vào suy thoái, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng bị tác động và gặp nhiều khó khăn.

Nhận thức được điều đó, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trên cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nói riêng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường ở cả trong nước và quốc tế cho các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương.

Trong khuôn khổ chương trình, từ ngày 12-16.7, tại công viên 23 tháng 9 (phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của 18 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan mở rộng kênh phân phối truyền thống và hiện đại, tích cực củng cố và phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu qua các hình thức xúc tiến thương mại, như hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm trực tuyến và trực tiếp, tạo ra nhiều kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Các chuyên gia lĩnh vực xúc tiến thương mại tham gia thảo luận kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua kênh phân phối trong và ngoài nước.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thành công các Chương trình kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại cả ba miền Bắc – Trung – Nam; gần đây nhất là chương trình kết nối giao thương tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên và khu vực phía Bắc - Bắc Trung Bộ, được các doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế đánh giá tích cực. 

Chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các tỉnh thành phía Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” năm 2023 cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp các tỉnh thành phía Nam nói riêng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Đặc biệt, với những thông tin hữu ích từ các địa phương và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư, chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tìm ra giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Tham gia chương trình kết nối giao thương lần này, tỉnh Tây Ninh có từ 4 – 8 gian hàng tiêu chuẩn của 10 doanh nghiệp địa phương. Các doanh nghiệp Tây Ninh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm mang tính tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh và có tiềm năng xuất khẩu, sản phẩm OCOP như: Mía, mì, cao su, hạt điều, mãng cầu Núi Bà, bánh kẹo, bánh tráng Tây Ninh, muối ớt tôm các loại, yến sào Tây Ninh…; trưng bày, quảng bá tài liệu, hình ảnh của tỉnh; catalog giới thiệu khu, cụm công nghiệp; giới thiệu ẩm thực, du lịch.

Tại hội nghị, các diễn giả là chuyên gia trong lĩnh vực xúc tiến thương mại tham gia thảo luận về kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua kênh phân phối trong nước, như: Thuận lợi và khó khăn của các doanh nghiệp địa phương khi tiêu thụ sản phẩm trên cả nước trong bối cảnh hiện nay; tiêu chuẩn, nhu cầu nhập hàng tại Trung tâm phân phối, hệ thống bán lẻ trong nước; các kênh phân phối trong nước hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua nền tảng số.

Ngoài ra, các chuyên gia còn thảo luận về kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương vào hệ thống phân phối tại thị trường nước ngoài với các nội dung: Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ giới thiệu về chương trình đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài, những yêu cầu và phương pháp tiếp cận; yêu cầu về tiêu chuẩn, nhu cầu nhập khẩu hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối, bán lẻ nước ngoài; yêu cầu của các nhà nhập khẩu nước ngoài đối với hàng hoá Việt Nam; yêu cầu của nhà thu mua, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đối với các sản phẩm của doanh nghiệp địa phương.

Nhi Trần