Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhóm zalo tuyên truyền phòng, chống tội phạm:
Kết nối, huy động sức mạnh toàn dân
Chủ nhật: 07:40 ngày 24/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mạng xã hội luôn tiện ích, có khả năng truyền tải thông tin nhanh chóng, dễ tiếp cận. Mô hình “Nhóm Zalo tuyên truyền phòng, chống tội phạm” đã tạo mối liên kết chặt chẽ với người dân, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần bảo đảm an ninh trật tự.

Xã Phước Ninh ra mắt mô hình “Nhóm Zalo tuyên truyền phòng, chống tội phạm”.

Kết nối người dân và công an

Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức cao trong việc chấp hành pháp luật. Mặc dù công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên nhưng vẫn còn hạn chế, nội dung, hình thức tuyên truyền chưa thay đổi kịp thời so với sự phát triển của công nghệ thông tin- nhất là đối với nhóm thanh, thiếu niên, người đi làm ăn xa.

Với hy vọng khắc phục những hạn chế trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, kịp thời chuyển tải thông tin đến từng hộ gia đình, đoàn viên, hội viên, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng mô hình tuyên truyền thông qua mạng xã hội Zalo.

Là đơn vị được chọn làm điểm thực hiện, vào tháng 6.2019, UBND xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) tổ chức lễ ra mắt mô hình “Nhóm Zalo tuyên truyền phòng, chống tội phạm” trên địa bàn. Trong buổi ra mắt, Ban điều hành mô hình đã thông tin nội dung hoạt động của các nhóm, phân công cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, đoàn thể tham gia.

Trước đó, UBND xã đã chọn 3 tổ dân cư tự quản để thí điểm thực hiện mô hình. Sau đó, lãnh đạo UBND xã phối hợp với Công an tỉnh, huyện Dương Minh Châu đánh giá hiệu quả và chính thức thực hiện mô hình ứng dụng mạng xã hội Zalo trong tuyên truyền phòng, chống tội phạm trên toàn xã.

Ông Đỗ Tuấn Kiệt - Trưởng Công an xã Phước Ninh cho biết, để thành lập nhóm Zalo tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tổ công tác đến từng hộ gia đình, vận động mọi người tham gia để trao đổi thông tin, nắm bắt kịp thời tình hình an ninh trật tự ở nơi mình sinh sống. Bất kỳ vụ việc gì người dân phản ánh, Công an xã cũng nhanh chóng tiếp nhận, xác minh và cử lực lượng xuống địa bàn kiểm tra, xử lý. Qua đó, lực lượng Công an và người dân thêm gần gũi hơn, mọi vướng mắc được trao đổi, giải quyết kịp thời.

Chia sẻ về khó khăn trong thời gian đầu triển khai thực hiện, Công an xã Phước Ninh cho biết, một số người lớn tuổi không biết sử dụng điện thoại thông minh, không thể tham gia vào nhóm Zalo. Với quyết tâm khắc phục khó khăn, trưởng nhóm vận động các thành viên còn lại trong gia đình như con, cháu của người lớn tuổi tham gia vào nhóm Zalo. Họ thường xuyên cập nhật thông tin, tài liệu tuyên truyền và thông báo lại cho người lớn tuổi, người không sử dụng điện thoại thông minh.

Cách thức tuyên truyền hiệu quả

Hiện nay, trên địa bàn xã Phước Ninh đã thành lập 60 nhóm Zalo tổ dân cư tự quản, 6 nhóm Zalo các ấp, 1 nhóm Zalo họ đạo Cao Đài, 2 nhóm Zalo công nhân… với khoảng 1.500 thành viên. Thời gian qua, các nhóm Zalo đã cung cấp nhiều thông tin, tài liệu thiết thực như nguyên nhân xảy ra va chạm, tai nạn giao thông đường bộ; tội phạm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê và biện pháp phòng ngừa; những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ, biện pháp ngăn chặn; tội phạm cố ý gây thương tích, giết người… để mọi người cùng xem và lưu ý.

Anh Nguyễn Văn Thanh, ngụ ấp Phước Lễ cho biết: “Tôi thường dùng điện thoại vào nhóm Zalo xem thông tin mới về tình hình an ninh trật tự, hoạt động của các loại tội phạm, sau đó đọc cho người thân nghe. Các thông tin đăng tải trên nhóm khá hữu ích, ngắn gọn, dễ hiểu, giúp tôi đề cao cảnh giác với các loại tội phạm. Nếu phát hiện đối tượng tình nghi vào khu dân cư, tôi sẽ lập tức thông báo trên nhóm Zalo cho bà con và Công an khu vực biết để theo dõi”.

Sau một thời gian hoạt động, mô hình nhóm Zalo phòng, chống tội phạm đã giúp lực lượng chức năng xử lý nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự tại địa phương.Công an nhận được 32 thông tin phản ánh của người dân. Mọi người đã cung cấp thông tin về việc một số đối tượng đi rải tờ rơi quảng cáo cho vay lãi nặng trên các tuyến đường của xã,đối tượng tụ tập đêm khuya nghi vấn trộm cắp xe và trộm chó hoặc những việc hữu ích khác như thông báo nhặt được ví tiền.

Vào ngày 28.8.2019, trên địa bàn ấp Phước Hội, anh Lê Hoàng Tâm phát hiện một con trâu đi lạc, không biết chủ sở hữu. Anh Tâm lập tức thông tin lên nhóm Zalo ấp, thành viên Ban điều hành đã chia sẻ lên tất cả các nhóm trên địa bàn xã. Sau gần 2 giờ đồng hồ, anh Lê Hoàng An, ngụ ấp Phước Lợi, xã Suối Đá đã nhận lại được con trâu đi lạc nhiều ngày qua.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình “Nhóm Zalo tuyên truyền phòng, chống tội phạm”, Trưởng Công an xã Phước Ninh cho rằng đây là mô hình hay, đem lại hiệu quả trong công tác quản lý địa bàn. Trước đây, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn khó khăn. Có lúc muốn tuyên truyền thông tin phòng, chống tội phạm phải lồng ghép trong các cuộc họp định kỳ hằng tháng, hằng quý. Từ khi triển khai nhóm Zalo, mọi người tiết kiệm thời gian, dễ dàng nắm bắt thông tin, tố giác tội phạm, giúp lực lượng Công an có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả, không để xảy ra tội phạm trên địa bàn.

Tích cực nhân rộng mô hình

Từ khi đi vào hoạt động, mô hình “Nhóm Zalo tuyên truyền phòng, chống tội phạm” ngày càng phát huy hiệu quả. Lực lượng Công an thuận lợi hơn trong việc chuyển tải thông tin. Người dân nâng cao ý thức tự phòng, tự quản, tích cực tương tác, báo tin kịp thời. Trên địa bàn tỉnh, hiện có khoảng 140 “Nhóm Zalo tuyên truyền phòng, chống tội phạm” với hơn 2.700 thành viên.

Để thông tin được cụ thể hoá và đúng đối tượng, lực lượng chức năng triển khai xây dựng từng nhóm Zalo, tuỳ theo lĩnh vực, đối tượng như: Tổ dân cư tự quản, Ban điều hành mô hình “Vận động toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm ở địa bàn khu dân cư”, Ban điều hành trong tôn giáo Cao Đài ở xã hoặc liên xã, lực lượng tuần tra nhân dân, bảo vệ dân phố, chi hội, đoàn thể ấp…

Mới đây, tại Công ty cổ phần Công trình đô thị Tây Ninh, Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh đã tổ chức triển khai xây dựng các nhóm Zalo kết nối giữa công nhân công trình đô thị với lực lượng công an để tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tiếp nhận thông tin về an ninh trật tự. Tuỳ theo nhiệm vụ, khu vực làm việc của từng công nhân, Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc sẽ xây dựng các nhóm Zalo khác nhau.

Khu vực TP. Tây Ninh chia làm 5 nhóm, huyện Hoà Thành chia làm 3 nhóm với khoảng 210 công nhân. Một số công nhân bày tỏ sự ủng hộ việc xây dựng nhóm Zalo. Họ sẽ có điều kiện thuận lợi khi tham gia hoạt động, mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm pháp luật với Công an và chính quyền địa phương. Nhiều người cho biết sẽ mua điện thoại thông minh để cài đặt ứng dụng Zalo, tham gia mô hình.

Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đánh giá, việc xây dựng mô hình “Nhóm Zalo tuyên truyền phòng, chống tội phạm” phù hợp với tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của mọi người. Người dân, công nhân làm việc ở các khu công nghiệp mạnh dạn trao đổi thông tin về an ninh trật tự và các vấn đề khác với chính quyền, Công an địa phương.

Triển khai việc xây dựng mô hình tại xã Suối Ngô (huyện Tân Châu).

Từ hiệu quả tích cực của mô hình, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh vừa có văn bản yêu cầu Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố nghiên cứu mô hình, vận dụng xây dựng ở địa phương mình cho phù hợp với thực tế. Từng tổ dân cư tự quản, từng ấp, khu phố, các đoàn thể, lực lượng tuần tra nhân dân, bảo vệ dân phố, số công nhân làm việc ở khu công nghiệp cư trú trên địa bàn phải lập nhóm Zalo. Đến hết năm 2019, các xã, phường, thị trấn phải triển khai xây dựng mô hình này.

Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục