BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025:

Kết quả của hai năm đầu nhiều gian khó 

Cập nhật ngày: 09/09/2022 - 00:12

BTN - Hai năm qua, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phòng chống, kiểm soát dịch bệnh được tỉnh đặt song hành với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.

Đoàn công tác của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc làm trưởng đoàn khảo sát dự án cảng quốc tế Long An ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An (ảnh: Xuân Vũ)

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đoàn kết, thống nhất, bám sát thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo; kịp thời ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.

Hai năm qua, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phòng chống, kiểm soát dịch bệnh được tỉnh đặt song hành với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo đảm an sinh xã hội. Mọi nỗ lực hành động hướng tới mục tiêu xây dựng Tây Ninh trở thành tỉnh khá trong vùng Đông Nam bộ và cả nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bám sát thực tiễn trong lãnh đạo, điều hành

Những năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19; tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp- nhất là những tác động xấu từ cuộc xung đột Nga - Ukraine dẫn đến lạm phát, giá cả vật tư, hàng hoá tiêu dùng tăng cao. Bối cảnh trên ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế, sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ bản, đời sống nhân dân cũng như kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội. Trong 2 năm 2020, 2021, cả hệ thống chính trị tỉnh tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách ứng phó với dịch Covid-19, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đến nay đã cơ bản được kiểm soát và từng bước đẩy lùi, các hoạt động đời sống xã hội, sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.

Ngày 15.10.2021, Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động số 68-CTr/TU về thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, trong đó có rà soát, bổ sung với 97 nhiệm vụ trọng tâm, 5 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Về các chỉ tiêu chuyên ngành về phát triển kinh tế - xã hội, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Chương trình hành động của Chính phủ, bộ, ban, ngành Trung ương, Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo cụ thể hoá thực hiện phù hợp gắn với nghị quyết, chương trình công tác năm; lãnh đạo, chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh đưa vào nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể để thực hiện.

Thực hiện Chương trình hành động số 68-CTr/TU, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành 81 văn bản triển khai thực hiện 59/97 nhiệm vụ cụ thể hoá thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Các huyện, thị, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ đề ra 471 nhiệm vụ, đã triển khai thực hiện 329/471 nhiệm vụ. Về quán triệt, tuyên truyền, học tập nghị quyết, tỉnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, kết quả, trên 99% đảng viên tham gia học tập, quán triệt; gần 6.000 cán bộ, chiến sĩ, quần chúng tham gia học tập; cấp phát 3.000 tài liệu hỏi đáp tuyên truyền kết quả Đại hội XIII của Đảng cho các địa phương, cơ quan, đơn vị để tổ chức phổ biến, tuyên truyền ra nhân dân. Qua lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 68-CTr/TU và 4 giải pháp đột phá của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực toàn diện trên tất cả các lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ mới đây, ông Nguyễn Hoà Bình- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao đánh giá cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Tỉnh uỷ Tây Ninh trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh. Tây Ninh đạt nhiều thành tựu, đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, một trong những tỉnh top đầu của đất nước bảo đảm an sinh, giữ vững quốc phòng - an ninh ở một địa bàn chiến lược quan trọng. Tỉnh có nhiều điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, thu hút đầu tư, tăng trưởng du lịch và phòng, chống dịch.

Tiếp tục nỗ lực, tăng tốc trong nửa cuối nhiệm kỳ

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, với tinh thần vượt khó vươn lên, trong hai năm 2020 và 2021, tỉnh đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, dù ở giai đoạn nào- kể cả thời điểm phải phong toả do dịch bệnh- cũng không để đứt gãy sản xuất, xuất khẩu; bảo đảm tốt an sinh xã hội. Khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước khôi phục, phát triển. Nổi bật, Tây Ninh nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài cao; nhóm 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước (năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 0,2%); nhiều năm liền trên địa bàn tỉnh không để phát sinh khiếu kiện đông người; cải cách hành chính có cải thiện tích cực. Các tôn giáo trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, đúng pháp luật, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo với nhau và giữa lãnh đạo các cấp với các chức sắc tôn giáo. Là tỉnh biên giới, nhiều thách thức về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhưng nhìn chung tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định; xây dựng mối quan hệ đối ngoại theo từng cấp đối với các tỉnh tiếp giáp thuộc Vương quốc Campuchia trên tinh thần hoà bình, hữu nghị.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu các ngành dịch vụ có xu hướng tăng- nhất là trong 6 tháng đầu năm 2022 (ảnh minh hoạ)

Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) vẫn bảo đảm được mức tăng trưởng dương trước tác động nghiêm trọng của đại dịch tới mọi lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội. 6 tháng đầu năm 2022, GRDP tăng 5,2% so với cùng kỳ. Tuy chưa đạt so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước, nhưng là mức tăng trưởng khá ấn tượng, thể hiện nỗ lực lớn trong điều kiện khó khăn tưởng chừng khó vượt qua sau 2 năm chịu tác động của đại dịch và tình trạng lạm phát gia tăng hiện nay. So với cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đứng 46/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 4/8 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm và xếp thứ 9/19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Một số chỉ tiêu kinh tế của tỉnh thực hiện trong hai năm qua đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội XI đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; năng suất lao động tăng dần qua các năm, năm 2021 đạt 141 triệu đồng/lao động, tăng 9,2% so với năm 2020. Tình hình sản xuất nông - lâm - thuỷ sản phát triển tương đối ổn định, hầu hết các sản phẩm chủ lực được duy trì. Xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả tích cực; thị xã Hoà Thành đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận thành phố Tây Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh có 55/71 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 77,5%; 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu các ngành dịch vụ có xu hướng tăng, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 1,12%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng 12,2%, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 17,7% so với cùng kỳ, vượt Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra (8%/năm), tăng cao hơn mức bình quân cả nước (cả nước tăng 17,3%). Đặc biệt, du lịch khôi phục và phát triển ấn tượng, tăng 124,2%, đạt 3,3 triệu lượt khách; danh thu tăng 54,2%; trong 6 tháng năm 2022, Tây Ninh là một trong ba tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng du lịch.

Đa số các chỉ tiêu về xây dựng Đảng đều đạt, vượt so với Nghị quyết Đại hội XI đề ra, cụ thể, năm 2021, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 96,85% (nghị quyết trên 85%), tỷ lệ đảng bộ xã biên giới hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 95% (nghị quyết 90% trở lên), tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ 97,23% (nghị quyết 90%)…

Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu đạt thấp so với nghị quyết, như GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành mới chỉ đạt trên 3.300 USD (nghị quyết 4.500 USD); cơ cấu kinh tế trong GRDP chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm; chỉ số sản xuất công nghiệp; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo; tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực nông thôn; số bác sĩ, số giường bệnh bình quân trên vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế… Vẫn còn 38/97 nhiệm vụ chưa hoàn thành hoặc thực hiện trễ so với thời gian quy định; chương trình hành động của một số cấp uỷ trực thuộc chưa sát thực, thiếu tính cụ thể; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khó khăn do chịu tác động lớn của đại dịch.

Một số chính sách về đầu tư, quy hoạch sử dụng đất đai, xây dựng chưa kịp thời; công tác đền bù giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm xử lý còn chậm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, triển khai các dự án; cải cách hành chính cải thiện chưa nhiều, chưa bền vững. Dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, do đó, bên cạnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, xem nhẹ.

Những hạn chế, khó khăn trên được tỉnh nhận diện, tiếp tục bám sát chương trình hành động, chương trình toàn khoá, hằng năm, để phấn đấu tăng tốc trong những năm cuối nhiệm kỳ. Trên tinh thần Tây Ninh vì cả nước và cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá trong vùng Đông Nam bộ và cả nước.

PHƯƠNG THUÝ