Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP:
Kết quả giải ngân còn hạn chế
Thứ tư: 00:13 ngày 05/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Do quy định khách hàng là DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm. Nhiều DN mong muốn tiếp cận gói hỗ trợ nhưng nhiều thủ tục hồ sơ còn phức tạp, khó đáp ứng yêu cầu để được giải ngân.

Ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Sáng 30.9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Hội nghị do ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tây Ninh chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, tính đến 30.9.2022, trên địa bàn có 44 tổ chức tín dụng (TCTD) bao gồm 23 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM), 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã, 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô và 18 quỹ tín dụng nhân dân với tổng cộng 126 điểm hoạt động kinh doanh; có 206 ATM và 864 POS. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1.340 điểm giao dịch của 10 công ty tài chính.

Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 9 ước đạt 62.640 tỷ đồng, tăng 17% so đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 7,4%) và tăng 21,4% so cùng kỳ.

Tổng dư nợ cho vay ước đạt 83.200 tỷ đồng, tăng 9,5% so đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 4,9%) và tăng 16,1% so cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,35% tổng dư nợ, giảm so với tỷ lệ 0,68% của đầu năm.

Trong 9 tháng năm 2022, lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay của các TCTD trên địa bàn có xu hướng tăng nhẹ (tăng 0,2% - 0,4%).

Năm 2022, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6% - 6,5%, lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN Việt Nam định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Đến 16.9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so đầu năm và tăng 17,19% so cùng kỳ năm 2021, góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế khôi phục và tăng trưởng.

Thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ, Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20.5.2022 về hỗ trợ lãi suất (HTLS) 2% từ ngân sách Nhà nước cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Đến cuối tháng 8.2022, các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh thực hiện HTLS 399 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 1.400 tỷ đồng. Dư nợ đến ngày 31.8 là 13,7 tỷ đồng với 12 khách hàng.

Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31, kết quả giải ngân đến nay còn hạn chế. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh, trong quá trình triển khai Nghị định số 31 cho thấy việc xác định đối tượng được HTLS còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không được hỗ trợ.

Một số hoạt động sản xuất - kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề/lĩnh vực được quy định. Không tách bạch chi tiết theo Phụ lục I Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6.7.2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Các ngân hàng cũng gặp vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm bảo đảm tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Có trường hợp khách hàng sản xuất, kinh doanh những ngành, lĩnh vực thuộc đối tượng HTLS, nhưng không đủ điều kiện để tiếp cận vốn các NHTM nên cũng không được hưởng chính sách HTLS 2%.

Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp cho biết, phần đông các DN đang khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất. Do quy định khách hàng là DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm. Nhiều DN mong muốn tiếp cận gói hỗ trợ nhưng nhiều thủ tục hồ sơ còn phức tạp, khó đáp ứng yêu cầu để được giải ngân.

Ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh yêu cầu các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục vay vốn, đơn giản hoá hồ sơ, quy trình cho vay, rút ngắn thời gian thẩm định tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm khách hàng có đủ điều kiện được tiếp cận vốn thuận lợi. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh; tăng cường xử lý nợ xấu, áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả để xử lý, kéo giảm tỷ lệ nợ xấu.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin liên quan