Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kinh tế Tây Ninh:
Kết quả sau một tháng khởi động tăng tốc từ đầu năm
Chủ nhật: 06:45 ngày 04/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau một tháng khởi động thực hiện nhiệm vụ, toàn tỉnh Tây Ninh đã gặt hái được những kết quả đáng phấn khởi. Đây là tín hiệu đầu tiên mở ra triển vọng tỉnh nhà sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm nay.

Cơ giới hóa trong chăm sóc mía. Ảnh: Hằng Hà

Những ngày đầu năm, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 ngay từ đầu năm với quyết tâm chính trị và trách nhiệm cao nhất.

Theo đó, năm 2024 được xác định là năm “nước rút” thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và có ý nghĩa quan trọng mang tính quyết định đến thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Căn cứ các chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung rà soát các nguồn lực, động lực để huy động, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Đến nay, sau một tháng khởi động thực hiện nhiệm vụ, toàn tỉnh Tây Ninh đã gặt hái được những kết quả đáng phấn khởi. Đây là tín hiệu đầu tiên mở ra triển vọng tỉnh nhà sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm nay.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Tây Ninh, tháng 1.2024- là tháng cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu gia tăng đáp ứng nhu cầu mua sắm tết sắp tới, giá cả các mặt hàng chủ yếu vẫn ổn định, không biến động nhiều.

Sản xuất nông nghiệp- nhờ diễn tiến thời tiết thuận lợi, tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân một số cây trồng chủ yếu tăng. Dịch bệnh chăn nuôi được kiểm soát tốt, các đàn gia súc duy trì ổn định, đàn gia cầm phát triển mạnh- nhất là đàn gà.

Giá cả một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu vẫn ổn định. Sản xuất công nghiệp tháng này tăng nhiều so với tháng cùng kỳ năm trước, chủ yếu do có thời gian hoạt động dài hơn, không trùng vào dịp tết âm lịch như tháng 1 năm 2023.

Cụ thể, về trồng trọt, do thời tiết đầu năm thuận lợi, cùng với xu hướng giá cả một số sản phẩm (lúa, mì...) tăng khuyến khích người dân tranh thủ xuống giống sớm; việc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng được thực hiện thường xuyên, kịp thời.

Việc giám sát giá cả đầu vào vật tư nông nghiệp được các ngành chức năng tăng cường, giúp ổn định giá cả, bảo đảm chất lượng vật tư, phân bón, thức ăn gia súc, tạo sự an tâm cho người sản xuất, bảo đảm tiến độ gieo trồng và đàn vật nuôi ổn định.

Tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân, đến giữa tháng 1 đạt 75.551 ha, cao hơn diện tích cùng kỳ năm trước 4,46%, (tương ứng 3.229 ha). Do thời tiết thuận lợi và giá cả tiêu thụ tốt, tiến độ gieo trồng các cây chủ yếu- lúa, bắp, mì, mía tăng khá cao, diện tích cũng đạt cao so cùng kỳ năm 2023 (từ 100%  đến 138%), chỉ có đậu phộng và đậu các loại mới đạt hơn 93%.

Về chăn nuôi, trong tháng 1, các cơ sở chăn nuôi tích cực chuẩn bị các sản phẩm phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới; giá cả một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu vẫn ổn định, không biến động tăng mạnh so với tháng trước, giá gà tăng nhẹ, giá trâu, bò, heo hơi vẫn đang ở mức thấp.

Đàn bò ước tháng này đạt 99.247 con, so với cùng kỳ tăng 0,87% (tăng 852 con), sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đến giữa tháng ước đạt 246,87 tấn, so với cùng kỳ tăng 0,25%; sản lượng sữa bò tươi ước đạt 2.989 tấn, giảm nhẹ (0,17%) so cùng kỳ.

Đàn heo ước tính hiện có 194.589 con, tăng 18,5% (tăng 30.381 con) so với cùng kỳ. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng ước đạt 4.895,91 tấn, tăng 7,34% (tăng 334,97 tấn) so cùng kỳ. Đàn heo tiếp tục đà phát triển, số đầu con và sản lượng xuất chuồng tăng mạnh do một số doanh nghiệp ở huyện Tân Biên, Tân Châu quy mô lớn bắt đầu hoạt động. Đàn trâu có 8.902 con, giảm 2,29% so cùng kỳ do điều kiện chăn nuôi cũng như tiêu thụ sản phẩm gia súc này còn gặp nhiều khó khăn.

Công nhân nhà máy bao bì. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Đàn gia cầm ước đạt 11,658 triệu con, tăng 19,23% (tăng 1,879 triệu con) so cùng kỳ. Trong đó, đàn gà ước đạt 11,254 triệu con, so với cùng kỳ tăng 19,48% (tăng 1,835 triệu con); sản lượng thịt gà hơi ước đạt 4.502,13 tấn, so với cùng kỳ tăng 12,21% (tăng 489,81 tấn).

Tuy nhiên, do giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao, trong khi giá gà không ổn định, có lúc giảm mạnh khó tránh khỏi ảnh hưởng đến việc tái đàn trong thời gian tới. Sản lượng trứng gà trong tháng ước đạt 50,46 triệu quả, tăng 0,66% (tăng 330 ngàn quả), đáp ứng nhu cầu dịp tết sắp tới.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 1.2024 so với tháng cùng kỳ năm trước tăng 32,86%, nguyên nhân do tháng 1.2023 trùng vào dịp nghỉ Tết Quý Mão có thời gian hoạt động ngắn hơn năm nay. Nhóm có chỉ số sản xuất tăng cao gồm: sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 33,62%, trong đó chế biến và bảo quản rau quả tăng 43,64% (chủ yếu là hạt điều), sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột tăng 24,59%, sản xuất đường tăng 16,24%, đặc biệt sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 317,81% do có bổ sung năng lực mới; sản xuất trang phục tăng 38,74%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân nhóm tăng 40,33%; sản xuất kim loại tăng 41,32%; công nghiệp dệt tăng 43,52%; khai khoáng khác tăng 46,41%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 51,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 58,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 92,86%; sản xuất thiết bị điện tăng 95,8% và cao nhất là sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 113,91%....

Sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh như: bột mì đạt 126.734 tấn (tăng 19,78%); đường các loại 29.150 tấn (tăng 18,81%); quần áo các loại 17,73 triệu cái (tăng 29,38%); vỏ ruột xe các loại 7, 613 triệu cái (tăng 23,97%); gạch các loại 59,63 triệu viên (tăng 14,86%); giày các loại 6,624 triệu đôi (tăng 26,24%); Clinker porland 84.278 tấn (tăng 66,55%); nước máy sản xuất 1,08 triệu mét khối (tăng 5,78%); điện thương phẩm 535 triệu kWh (tăng 62,23%); xi măng 85.000 tấn (tăng 20,05% so cùng kỳ)...

Đáng chú ý, do tháng 1.2024 cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các hoạt động kinh doanh thương mại sôi động hơn, nhu cầu mua sắm có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng quà tặng trong dịp tết. Các hệ thống phân phối bán lẻ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm thúc đẩy tiêu dùng.

Nguồn cung hàng hoá lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu, giá của hầu hết các loại hàng hoá tiêu dùng trong tháng tương đối ổn định, không có biến động lớn nên tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng. Doanh thu thương mại ước thực hiện tháng 1.2024 đạt hơn 14.616 tỷ đồng (tăng 11,38% so cùng kỳ năm trước); doanh thu dịch vụ, lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng tháng 1.2024 ước đạt 2.013,64 tỷ đồng (tăng 8,84% so cùng kỳ).

Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 29,84 tỷ đồng (tăng 8,49% so cùng kỳ); doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 1.148 tỷ đồng (tăng 14,74% so cùng kỳ); doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác đạt 834,25 tỷ (tăng 1,64% so cùng kỳ). Hoạt động du lịch lữ hành tháng này tăng 20,82% so với cùng kỳ tháng 1.2023.

Điểm qua một số kết quả trên lĩnh vực kinh tế Tây Ninh trong tháng đầu năm 2024 cho thấy rất nhiều điểm sáng đầy lạc quan, thể hiện được quyết tâm chung trong toàn tỉnh trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng năm 2024, tạo đà thắng lợi cho năm tới, năm cuối giai đoạn 2020-2025 tại tỉnh nhà.

Duy Nhã

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục