BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kết thúc Dự án 661: Khó khăn trong việc ứng vốn bảo vệ và phát triển rừng

Cập nhật ngày: 10/06/2012 - 05:25

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá X đã ra Nghị quyết về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng với mục đích chính là tăng độ che phủ của rừng ở nước ta đạt 43% vào năm 2010. Tháng 7.1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 661/QĐ-TTg về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (gọi tắt là Dự án 661). Thực hiện quyết định này, trong hơn 10 năm qua Tây Ninh đã đạt nhiều kết quả trong việc khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới rừng. Năm 2012, Dự án 661 đã kết thúc và ngành chức năng đang gặp khó khăn trong việc ứng vốn bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là trong công tác trồng mới rừng.

Thực hiện Dự án 661, trong hơn 10 năm qua mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Tây Ninh đã trồng mới được hơn 7.000 ha rừng và hằng năm tổ chức bảo vệ, khoanh nuôi tốt hàng chục ngàn ha rừng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là từ năm 2009 đến 2011, tình hình trồng rừng ở Tây Ninh đạt kết quả hết sức khả quan, diện tích trồng mới rừng thực hiện tăng vọt do tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích được kiên quyết xử lý. Việc thực hiện khá tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng theo Dự án 661 đã làm gia tăng đáng kể độ che phủ rừng ở Tây Ninh. Thế nhưng, sau khi Dự án 661 kết thúc vào năm 2011, bước sang năm 2012 tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng bắt đầu gặp khó khăn.

Chưa có vốn đầu tư, công tác bảo vệ rừng gặp khó khăn

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng năm nay là đến nay các dự án rừng cơ sở vẫn chưa có vốn triển khai các hạng mục khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới rừng. Không phải năm nay lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng không được bố trí vốn mà do ngành chức năng chưa thể ứng được vốn để thực hiện nhiệm vụ. Theo kế hoạch phân khai vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương và Trung ương hỗ trợ, năm 2012 tổng vốn dành cho công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Ninh là 30 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 10 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách địa phương là 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5, ngành chức năng vẫn chưa được tạm ứng nguồn vốn này để thực hiện nhiệm vụ năm 2012, mà nguyên nhân chính là do cơ chế cấp phát vốn thay đổi khác hơn so với thực hiện Dự án 661. Trước đây, Dự án 661 được xếp vào dự án “đặc thù” nên việc ứng vốn không bị ràng buộc nhiều thủ tục. Thế nhưng hiện nay, muốn ứng vốn, ngành chức năng phải hoàn tất toàn bộ hồ sơ thủ tục giống như hồ sơ thủ tục đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Cụ thể là: phải dự án đầu tư xây dựng (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) kèm theo quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền; phải qua văn bản lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu; phải có hợp đồng giữa chủ đầu tư và các nhóm hộ, hộ trồng rừng; phải có dự toán và quyết định phê duyệt dự toán của từng công việc, hạng mục… Tuy nhiên, các thủ tục này đến nay ngành chức năng vẫn chưa thể hoàn tất được.

Nguyên nhân cơ bản khiến cho các hồ sơ thủ tục các dự án lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng chưa thể hoàn tất, là do hiện nay ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trong giai đoạn hoàn thiện Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 sau khi đã thông qua UBND tỉnh để chuẩn bị trình thông qua HĐND tỉnh. Chính do quy hoạch chưa được phê duyệt khiến cho dự án đầu tư xây dựng hay báo cáo kinh tế kỹ thuật trong công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng chậm được phê duyệt. Đồng thời, quy trình cấp phát vốn năm nay có nhiều thay đổi nên các dự án rừng cơ sở chưa kịp thích nghi, chậm hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục theo quy trình đầu tư vốn xây dựng cơ bản đối với chương trình bảo vệ và phát triển rừng.

Kế hoạch trồng rừng năm nay sẽ bị ảnh hưởng nếu chưa có vốn đầu tư kịp thời

Nếu chờ đến khi Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 thông qua HĐND tại kỳ họp tới để có cơ sở phê duyệt dự án đầu tư, nguồn vốn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng sẽ tiếp tục chậm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai- nhất là công tác trồng mới rừng vì thời vụ sắp đến. Đầu tháng 6.2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập văn bản đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương về việc lập, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật lâm sinh năm 2012. Theo đó, để giải quyết tạm thời khó khăn về vốn hoạt động cho các Ban quản lý dự án rừng cơ sở, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất trình UBND tỉnh, xin chủ trương cho phép các Ban quản lý dự án rừng cơ sở được lập báo cáo kinh tế kỹ thuật các hạng mục công trình lâm sinh năm 2012, trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian chờ Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 được phê duyệt và Dự án tổng thể đầu tư bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 hoàn thành. Khi được UBND tỉnh cho chủ trương theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì các Ban quản lý dự án rừng cơ sở mới có thể hoàn thành thủ tục, hồ sơ để tạm ứng vốn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.

Riêng công tác trồng mới rừng, hằng năm chỉ diễn ra trong vòng mấy tháng mùa mưa. Hiện nay, Tây Ninh bắt đầu bước vào mùa mưa, ngành chức năng đã khảo sát và thiết kế, đồng thời chuẩn bị đủ cây giống cung ứng cho việc trồng rừng. Thế nhưng, nếu như không có vốn đầu tư kịp thời thì có khả năng tiến độ trồng mới rừng trong năm nay sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, đồng nghĩa với kế hoạch trồng mới rừng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Sơn Trần