Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTN) - Thấy tráng bánh thủ công quá cực mà thu nhập cũng không cao, sau khi có khoản vốn tích luỹ, năm 2006, anh chị lại bàn bạc và thống nhất đầu tư mua máy về làm cơ sở bánh tráng công nghiệp với vốn đầu tư ban đầu là 250 triệu đồng.

|
Vợ chồng anh Trần Văn Sum - chị Nguyễn Thị An bên chiếc máy sản xuất bánh tráng
Chị Nguyễn Thị Mì- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Đông (Gò Dầu) đưa chúng tôi đến tổ 4, ấp Phước Đức A thăm gia đình chị Nguyễn Thị An (sinh năm 1973, hội viên Hội Phụ nữ) và chồng là anh Trần Văn Sum (sinh năm 1971). Đó là một ngôi nhà tường kiểu mới khang trang. Cặp bên hông nhà là cơ sở sản xuất bánh tráng công nghiệp, với sân phơi rộng rãi.
Đang sắp xếp và cân bánh tráng, anh Sum, chị An dừng tay tiếp chúng tôi. Chị An cho biết quê chị ở xã Gia Lộc (Trảng Bàng). Năm 1991 chị kết hôn với anh Sum và về làm dâu, làm vợ và sau đó là làm mẹ ở ấp Phước Đức A cho đến ngày hôm nay.
Trước đây gia đình anh Sum có 1 ha ruộng sản xuất lúa, đậu phộng. Nhưng vì giá cả nông sản luôn bấp bênh, nên có lúc gia đình anh gặp không ít khó khăn. Thấy bà con khu vực làm nghề tráng bánh tráng thủ công cũng sống được, vào năm 2004, chị An bàn với anh Sum, và hai vợ chồng nhất trí làm thêm nghề tráng bánh tráng.
Hằng ngày, từ khuya là hai anh chị thức dậy nhóm lò, thổi lửa tráng bánh cho đến sáng. Sau đó để bánh phơi ở nhà cho mẹ chồng trông, còn vợ chồng chị lại ra đồng sản xuất. Nhờ siêng năng cần mẫn, thức khuya dậy sớm, vừa làm ruộng, vừa tráng bánh, vợ chồng anh Sum, chị An có thu nhập ổn định và có vốn tích luỹ.
Thấy tráng bánh thủ công quá cực mà thu nhập cũng không cao, sau khi có khoản vốn tích luỹ, năm 2006, anh chị lại bàn bạc và thống nhất đầu tư mua máy về làm cơ sở bánh tráng công nghiệp với vốn đầu tư ban đầu là 250 triệu đồng.
Từ khi lập cơ sở tráng bánh công nghiệp đến nay, bình quân mỗi năm gia đình anh Sum, chị An có thu nhập trên 200 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí. Song song đó anh chị còn góp phần giải quyết việc làm cho 20 lao động. Nhờ có thu nhập khá, vợ chồng anh Sum, chị An xây nhà cửa khang trang, mua thêm ruộng đất, vừa qua anh chị còn sắm được xe du lịch. Hai con của anh chị có điều kiện học hành tốt. Hiện nay một đứa học đại học, còn một đứa học lớp 12.
Từ khi cuộc sống gia đình ổn định đến nay, vợ chồng anh Sum, chị An rất nhiệt tình tham gia đóng góp cho xã hội. Riêng phần chị An, mỗi năm ủng hộ cho Hội Phụ nữ xã 1 triệu đồng. Đáng lưu ý là anh chị tích cực đóng góp làm đường giao thông nông thôn.
Trước đây con đường từ tỉnh lộ 782 vào tổ 4 hư hỏng nặng, vào mùa mưa lầy lội khó đi. Thế là gia đình anh chị tự nguyện mua đất giặm vá con đường với kinh phí 10 triệu đồng để gia đình mình và bà con trong khu vực cùng đi.
Trong năm 2013, sau khi mua được 50 cao ruộng trên cánh đồng ấp Phước Đức B, xã Phước Đông, anh Sum, chị An cũng tự nguyện đóng góp 7 triệu đồng làm con đường giao thông nội đồng để gia đình anh chị và bà con trên cánh đồng cùng đi chung.
Nhờ siêng năng cần kiệm, biết tính toán trong sản xuất kinh doanh, vợ chồng anh Sum, chị An trở thành chủ cơ sở sản xuất bánh tráng công nghiệp có thu nhập khá. Trên con đường xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo một cách bền vững, nâng cao thu nhập của nông dân, rất cần có những hộ nông dân siêng năng, cần mẫn, biết tính toán trong cách làm ăn, mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề phù hợp như vợ chồng anh Sum, chị An.
N.H