Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Ngày thương binh liệt sỹ Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Khắc ghi công ơn, lan tỏa nghĩa tình Ngày Thương binh - Liệt sĩ
Thứ năm: 21:44 ngày 24/07/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trải qua hơn 7 thập kỷ kể từ khi Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 được xác lập, truyền thống đền ơn đáp nghĩa không chỉ là một phần của lịch sử dân tộc, mà còn là chuẩn mực đạo lý trong ứng xử đời thường.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thị Xuân Hương thăm gia đình chính sách

Lan tỏa ý nghĩa tri ân

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 mang trong mình ý nghĩa lịch sử, chính trị và xã hội sâu sắc, là biểu tượng cao đẹp của truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.

Ngay sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp quay lại xâm lược, hàng vạn đồng bào và chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, cống hiến xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thấu hiểu sâu sắc những mất mát, hy sinh to lớn ấy, Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân đã dành trọn tình yêu thương cho những người con ưu tú của đất nước.

Ngay từ đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời, kêu gọi toàn dân ủng hộ, giúp đỡ bộ đội. Đặc biệt, cuộc vận động "Mùa đông binh sĩ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, thể hiện tấm lòng nhân ái của toàn dân với chiến sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thậm chí đã cởi chiếc áo len đang mặc để tặng binh sĩ, một nghĩa cử lay động lòng người.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ", đánh dấu văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ.

Đến tháng 6/1947, tại Đại Từ (Bắc Thái), các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ tháng 7/1955, ngày này chính thức đổi tên thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” để ghi nhận sự hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chính thức đưa ngày 27/7 hàng năm trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.

Ngày 27/7 không chỉ là dịp để tưởng nhớ, mà còn là lời khẳng định việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm thiêng liêng của toàn xã hội.

Đây là dịp để giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước và củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Tây Ninh nỗ lực trong công tác Đền ơn đáp nghĩa

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thị Xuân Hương thăm gia đình chính sách

Trong những năm qua, cùng với đà phát triển KT-XH, tỉnh Tây Ninh luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công và đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" với nhiều hoạt động thiết thực. Nhờ đó, đời sống của các gia đình người có công không ngừng được nâng lên, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Hiện nay, Tây Ninh có hơn 143.000 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Trong số đó, có 6.850 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 103 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 14.200 thương, bệnh binh, gần 42.000 hồ sơ liệt sĩ và thân nhân, cùng 2.885 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh xác nhận, công nhận chính sách ưu đãi cho 281 trường hợp, cơ bản không còn hồ sơ tồn đọng. Hơn 20.800 đối tượng đang hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên với tổng số tiền 58,2 tỉ đồng/tháng.

Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định, Tây Ninh còn tích cực vận động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ nhà tình nghĩa (xây mới 171 căn, sửa chữa 466 căn) và quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 19 tỉ đồng.

Đặc biệt, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được phụng dưỡng hàng tháng. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết với tổng số tiền hơn 176,8 tỉ đồng, góp phần giúp các gia đình người có công vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đến nay, 100% hộ gia đình chính sách tại Tây Ninh đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú.

Hướng đến kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), những ngày gần đây, tỉnh Tây Ninh tổ chức nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa như tổ chức các đoàn lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tặng quà 590 gia đình chính sách; tổ chức đoàn thăm thương binh nặng tại các trung tâm điều dưỡng; đưa người có công tiêu biểu dự Lễ kỷ niệm toàn quốc tại Hà Nội; tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ; Lễ truy điệu và an táng 328 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia. Đặc biệt, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được xác định là nhiệm vụ thiêng liêng.

Trải qua 24 giai đoạn, các đội quy tập của Tây Ninh đã tìm kiếm được 8.627 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó, có 282 hài cốt biết tên và địa chỉ. Mỗi lễ truy điệu, mỗi lần hồi hương hài cốt liệt sĩ là một lần nhắc nhở thế hệ hôm nay về những hy sinh để có được độc lập, hòa bình.

Hành động thiết thực

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt và đẩy mạnh công tác chăm sóc người có công với cách mạng trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: "Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân,...".

Trước yêu cầu đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đang tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Nâng cao nhận thức rằng, việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi không chỉ là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, mà còn là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt của chế độ ta. Từ đó, biến nhận thức thành hành động thiết thực, cụ thể, tích cực góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, đưa các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Quan tâm đặc biệt đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người có công sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.

Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính và quy tập hài cốt liệt sĩ. Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công và phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Tháng Bảy không chỉ là một mốc thời gian để tưởng niệm, mà là lời nhắc nhở mạnh mẽ về trách nhiệm gìn giữ những giá trị lịch sử bằng những hành động cụ thể. Những hoạt động đền ơn đáp nghĩa cần trở thành mạch nguồn xuyên suốt trong hành trình phát triển của đất nước.

Tri ân bằng cả tấm lòng – đó không chỉ là khẩu hiệu, mà là cam kết, là nghĩa tình sâu nặng, là biểu hiện cụ thể của sự nối dài truyền thống quý báu qua các thế hệ. Qua đó, góp phần vun bồi đạo lý dân tộc, xây dựng niềm tin, hun đúc lòng yêu nước và ý chí, khát vọng vươn lên cho thế hệ mai sau./.

Tân An

Tin cùng chuyên mục