Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngành Y tế:
Khắc phục chuyện thiếu thuốc, thiết bị “ngủ đông
Thứ tư: 08:01 ngày 16/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thiếu thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh (đối với người có thẻ BHYT) và việc đầu tư, sử dụng thiết bị là những vấn đề của ngành Y tế được dư luận quan tâm, dù câu chuyện này không mới. Thực hiện chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, Sở Y tế đã có thêm giải trình về nội dung nêu trên.

Khám bệnh cho người bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Tân Biên.

Lãnh đạo Sở cho biết, sau khi nghiêm túc kiểm điểm, nhìn nhận thực tế những việc thực hiện trong thời gian qua, Sở đã có biện pháp khắc phục những vấn đề đã nêu. Cụ thể, Sở Y tế tiếp tục triển khai quyết liệt các chỉ đạo của ngành để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, sự hài lòng của người dân. Ngành Y tế chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh chú trọng cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ và tăng sự hài lòng của người bệnh; thực hiện tiêu chí bệnh viện an toàn trong phòng, chống dịch.

Các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thực hiện Dự án thiết lập hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến/từ xa (Telemedicine) hỗ trợ trao đổi thông tin (chủ yếu bằng hình ảnh) đối với tất cả các lĩnh vực hoạt động giữa các bệnh viện trong tỉnh (hội chẩn trực tuyến, chỉ đạo phẫu thuật, cấp cứu, hội thảo, giao ban chuyên môn...); giữa bệnh viện trong tỉnh với các bệnh viện tuyến trung ương.

Ngành Y tế tiếp tục thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, thực hiện tốt quy chế kê đơn, cấp thuốc, quy trình khám, chữa bệnh giảm thời gian chờ đợi, giảm phiền hà cho người bệnh.

Ðối với vấn đề thiếu thuốc, để có nguồn cung ứng thuốc, vaccine liên tục không để thiếu như thời gian qua, Sở Y tế tổ chức họp tổng kết, rà soát, ban hành lại quy trình thực hiện các giai đoạn trong đấu thầu thuốc, vaccine: nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành để loại bỏ các công đoạn không cần thiết, rút ngắn các công đoạn một cách hợp lý, phù hợp luật. Xây dựng lại đội ngũ nhân viên tham gia đấu thầu gồm tổ chuyên gia, tổ thẩm định, giám sát... có năng lực, kinh nghiệm thực hiện đấu thầu. Xác định thời gian tổ chức, xác lập thời gian các giai đoạn thực hiện, hoàn thành các mục tiêu đấu thầu. Phối hợp chặt chẽ với BHYT thực hiện tốt công tác giám định, thanh toán, vừa bảo đảm kịp thời kinh phí mua thuốc, vật tư tiêu hao... vừa bảo đảm chất lượng.

Vấn đề sử dụng hiệu quả trang thiết bị, Sở Y tế đã triển khai đồng bộ, tăng cường thực hiện các giải pháp. Cụ thể, chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng trang thiết bị, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thông tin, đề xuất của đơn vị cũng như hằng năm thực hiện 1-2 đợt tổng rà soát để làm cơ sở thực hiện công tác điều phối một số trang thiết bị từ nơi không sử dụng hoặc sử dụng tần suất thấp đến nơi có yêu cầu sử dụng cao hơn.

Các cơ sở y tế có phương hướng lâu dài trong kế hoạch phát triển về chuyên môn, kỹ thuật làm cơ sở chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực trước khi đề xuất đầu tư trang thiết bị để có thể đưa vào khai thác hiệu quả ngay sau khi được đầu tư. Các đề xuất đầu tư trang thiết bị mới, cụ thể trong năm 2020 được xem xét chặt chẽ trên cơ sở rà soát điều kiện cơ sở hạ tầng, nhân lực, quy định, chi phí phát sinh ngoài nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư, các đơn vị phải tự bảo đảm các nguồn kinh phí đào tạo, nâng cấp cơ sở, điện, nước trước khi được đầu tư. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ chuyên môn giữa tuyến trên và tuyến dưới thông qua các hệ thống thông tin tim mạch, hệ thống hội chẩn trực tuyến từ xa.

Ngày 1.12, Ban Văn hoá - Xã hội của HÐND tỉnh có Báo cáo số 28 thẩm tra kết quả thực hiện chất vấn tại kỳ họp thứ 17 HÐND tỉnh trình kỳ họp thứ 19. Ban Văn hoá - Xã hội đề nghị Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh công lập- nhất là tuyến huyện bố trí khoa học, hợp lý hơn việc đón tiếp, thực hiện quy trình khám, chữa bệnh cho người dân.

Ðẩy mạnh việc liên kết tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên ngành Y tế công lập để đáp ứng quy chuẩn về trình độ, bằng cấp theo quy định của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tiếp tục quan tâm vấn đề thanh toán, quyết toán từ quỹ bảo hiểm y tế tại các đơn vị y tế công lập tuyến huyện.

Ðề nghị Sở Y tế phối hợp tốt hơn với Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc thực hiện công tác đấu thầu thuốc, công tác thanh toán, quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập từ quỹ BHTY để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, chậm thanh toán kinh phí khám, chữa bệnh cho các đơn vị y tế công lập, gây khó khăn cho hoạt động tự chủ tài chính của các đơn vị này.

Sở Y tế cần tiếp tục rà soát, thanh lý, chuyển đổi các máy móc, trang thiết bị y tế đã hết niên hạn sử dụng hoặc chưa sử dụng, ít sử dụng, không sử dụng để khắc phục tình trạng các máy móc được bảo quản trong kho hoặc nơi làm việc nhưng không phát huy tác dụng phục vụ công tác khám, điều trị bệnh như mục đích ban đầu khi mua sắm hoặc được hỗ trợ từ các dự án.

Tiếp tục đánh giá tác động và hiệu quả thực sự đạt được trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh (nhu cầu sử dụng, nguồn nhân lực thực hiện, các hoá chất và phụ kiện kèm theo cho trang thiết bị hoạt động) khi mua sắm để trang bị hoặc nhận hỗ trợ từ các dự án, khắc phục tình trạng máy móc ít sử dụng, không sử dụng được trong thời gian tới.

Ðối với Bảo hiểm xã hội, Ban Văn hoá - Xã hội đề nghị cơ quan này phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Sở Y tế trong đấu thầu thuốc, bảo đảm tính hợp lý, hợp pháp về kết quả trúng thầu. Trên cơ sở rà soát kết quả trúng thầu từ nhiều năm trước, rút kinh nghiệm cho những lần đấu thầu trong thời gian tới, bảo đảm chất lượng, đúng, đủ lượng thuốc phục vụ cho người dân, khắc phục tình trạng thiếu thuốc.

Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với ngành Y tế kịp thời phản ánh những khó khăn, hạn chế của địa phương trong công tác thẩm định, quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT do cơ chế, chính sách với các bộ, ngành Trung ương để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc khám và điều trị bệnh cho người dân có thẻ BHYT; phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh phương pháp tuyên truyền để thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia BHYT.

Thiếu thuốc và sử dụng thiết bị y tế như thế nào cho hiệu quả, tránh lãng phí không phải là câu chuyện mới của ngành Y tế tỉnh nhà. Trong đó, tình trạng thiếu thuốc đã được cả cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm giải trình, phân tích nhiều lần.

Hiện tại, chuyện thiếu thuốc gần như đã được khắc phục. Bên cạnh đó, thiếu nhân lực vận hành các trang thiết bị được xác định là nguyên nhân chính khiến nhiều thiết bị y tế hiện đại đang trong trạng thái “ngủ đông”. Nhìn rộng ra, chuyện trang thiết bị ít sử dụng hoặc chưa sử dụng, thậm chí không sử dụng là hệ quả của chính sách đầu tư thiếu đồng bộ.

VIỆT ÐÔNG

Ðấu thầu thuốc, chậm quyết toán chi phí khám, chữa bệnh là hai nội dung còn ít nhiều bất cập, chưa thật sự có tính thống nhất cao giữa Bảo hiểm xã hội và và cơ sở khám, chữa bệnh. Mới đây, nhân kỳ họp của HÐND tỉnh, Bảo hiểm xã hội thông tin cụ thể hơn về hai nội dung vừa nêu.

Lãnh đạo BHXH tỉnh cho biết, trong công tác đấu thầu thuốc, cơ quan BHXH là thành phần được mời tham gia tổ thẩm định đấu thầu thuốc, theo Quyết định số 39/QÐ-SYT ngày 17.1.2020 của Sở Y tế. Về trách nhiệm khi đối chiếu, rà soát giá đấu thầu và giá trúng thầu của các tỉnh lân cận, BHXH tỉnh có văn bản đề xuất tổ đấu thầu xem xét tính hợp lý để quyết định kết quả trúng thầu.

Việc quyết toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, Khoản 5 Ðiều 24 Nghị định số 146/2018/NÐ-CP ngày 17.10.2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT quy định: “Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được thẩm định nhưng không vượt tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được xác định theo quy định tại khoản 4 Ðiều này”. Thời gian qua, giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB thực hiện thanh toán, quyết toán chưa kịp tiến độ theo quy định của luật do một số nguyên nhân. Cụ thể, BHXH Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện KCB BHYT, tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản trả lời để BHXH Việt Nam có cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện chính sách BHYT theo đúng quy định. Bộ Tài chính, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam chậm hướng dẫn thực hiện biểu mẫu thanh toán, quyết toán chi KCB BHYT theo Thông tư 102/2018/TT-BTC.

Các cơ sở KCB và cơ quan BHXH tổ chức thực hiện việc thanh toán chi phí KCB cũng còn nhiều hạn chế. Các cơ sở KCB đưa hồ sơ KCB lên cổng hệ thống giám định thường chậm, sai sót phải điều chỉnh, đổi hồ sơ nhiều lần, chưa bảo đảm đúng theo Thông tư số 48/2017/TT-BYT. Khi đã có biên bản thanh toán, quyết toán, các cơ sở KCB chậm trễ trong xuất hoá đơn bán hàng dịch vụ KCB hằng quý. BHXH đã ban hành nhiều công văn nhắc nhở, trao đổi thông tin nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng này. Tại Tây Ninh, tỷ lệ đưa hồ sơ lên cổng đúng hạn chỉ 87% nên ảnh hưởng tiến độ giám định của cơ quan BHXH.

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục