Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023:
Khắc phục khó khăn, hạn chế và nỗ lực tăng tốc
Thứ sáu: 00:13 ngày 21/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tăng cường hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc...

Đoàn công tác của tỉnh Tây Ninh khảo sát tại dự án cảng quốc tế Long An. Ảnh: Xuân Vũ

Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khoá X, đại biểu HĐND tỉnh đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, đặc biệt về những tồn tại, hạn chế, đề nghị UBND tỉnh có giải pháp khắc phục. Những vấn đề này cũng đã được UBND tỉnh nhận diện, đánh giá và đề ra phương hướng giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2023.

Đại biểu đóng góp nhiều ý kiến

Phát biểu thảo luận, đại biểu HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và cơ bản thống nhất với các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết năm 2023 của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh giao. Đại biểu Võ Quốc Thắng cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, GRDP của tỉnh tăng trưởng 4,07%, đây là tín hiệu tăng trưởng tốt trong bối cảnh chịu nhiều tác động bất lợi sau đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đại biểu đồng tình với các giải pháp của UBND tỉnh đề ra và đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trong phiên thảo luận tổ chiều 19.7, nhiều đại biểu cho rằng, 6 tháng đầu năm 2023, GRDP tuy tăng trưởng nhưng còn thấp, khả năng không đạt kế hoạch đề ra, đề nghị UBND tỉnh đánh giá khả năng đóng góp của các ngành và có giải pháp phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Đại biểu cũng chỉ ra thực trạng một số dự án trọng điểm triển khai chậm, có dự án đã điều chỉnh thời gian nhiều lần, có dự án sẽ hết hạn trong năm 2023 (cụ thể, dự án hệ thống xử lý nước thải Hoà Thành, dự án đường Đất Sét - Bến Củi, nâng cấp, mở rộng ĐT.795, đường ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn - giai đoạn 2, dự án trang thiết bị y tế cho các trung tâm tuyến huyện, xã...) và đề nghị UBND tỉnh có giải pháp quyết liệt sớm triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ thời gian thực hiện dự án đã được phê duyệt.

Sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn phải cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến an ninh trật tự như nạn cờ bạc, ma tuý, trộm cắp, vỡ hụi, lừa đảo qua mạng có xu hướng gia tăng, nhất là ở địa bàn nông thôn, đại biểu đề nghị lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương quan tâm, có biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, kéo giảm tệ nạn xã hội.

Về chính sách cho người lao động, đại biểu đề nghị đánh giá việc đóng BHXH cho công nhân của các doanh nghiệp, tình trạng doanh nghiệp nợ đóng BHXH, quan tâm việc chi trả chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân, người lao động nghỉ việc. Ngành LĐ-TB&XH phối hợp các doanh nghiệp, các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác đào tạo nghề, tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm, bảo đảm kết nối cung - cầu và nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp hiệu quả giải quyết tình trạng thiếu nhân lực ngành y tế, giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, quản trị công...

Vinamilk sẽ tiếp tục đầu tư nhà máy chế biến sữa công suất 36 triệu lít/năm và trang trại bò sữa số 2 quy mô 8.000 con tại Tây Ninh. Ảnh: Minh Dương

Dự báo sát tình hình, triển khai quyết liệt các giải pháp

Theo phân tích, giải trình của UBND tỉnh, tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh chủ yếu nhờ vào khu vực sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, năm nay động lực này bị suy giảm do những khó khăn chung từ nền kinh tế thế giới và trong nước. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào tăng trưởng ngành dịch vụ và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển.

Dự báo mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2023 chỉ ở mức tăng 7%, tương đương giá trị GRDP đạt được khoảng từ 60.090 tỷ đồng (kế hoạch năm 2023 là 60.665 tỷ đồng, tăng 8%). Để đạt được kế hoạch năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch của ngành.

Cụ thể, GRDP ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng trưởng ổn định và giá trị cả năm dự kiến đạt khoảng 13.830 tỷ đồng, tăng 2,9% so cùng kỳ, cao hơn so với kế hoạch. Để đạt được chỉ số tăng trưởng này, ngành nông nghiệp phải tập trung triển khai các chuỗi sản xuất chăn nuôi heo, gia cầm, chim yến và thực hiện đúng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp đã đề ra.

GRDP ngành công nghiệp dự kiến đạt 21.150 tỷ đồng, tăng 8,6% so cùng kỳ, giảm so với kế hoạch đề ra. Theo đó, ngành công nghiệp phải tăng cường hoạt động sản xuất trong quý III và quý IV, trong những tháng cuối năm kỳ vọng có thêm sự đóng góp của các dự án năm 2022 đã đi vào hoạt động và 3 dự án công nghiệp điều chỉnh tăng vốn trong 6 tháng đầu năm; tích cực hỗ trợ nhà đầu tư đưa vào hoạt động 13 dự án trong khu công nghiệp, trong đó có 11 dự án đầu tư nước ngoài và 2 dự án đầu tư trong nước; bảo đảm liên kết cung ứng nguồn lao động cho doanh nghiệp.

GRDP ngành xây dựng dự kiến đạt 3.700 tỷ đồng, tăng 9,7% so cùng kỳ, tăng so với kế hoạch. Để đạt được giá trị này, phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu “đến cuối năm đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao”; tích cực hỗ trợ cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án theo dự kiến: dự án nhà máy chế biến gỗ công nghiệp MDF của Công ty TNHH Vinapan, dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh; bảo đảm điều kiện cho 5 dự án trong khu công nghiệp triển khai xây dựng.

GRDP ngành dịch vụ được dự báo sẽ tăng trưởng bứt phá trong thời gian tới, giá trị cả năm đạt khoảng 18.500 tỷ đồng, tăng 8% so cùng kỳ. Để đạt được giá trị này, tỉnh sẽ phối hợp doanh nghiệp, nhà đầu tư đưa vào hoạt động siêu thị Go! - Hoà Thành và tăng một số điểm kinh doanh của chuỗi siêu thị hiện có trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh triển khai hoạt động thu hút khách du lịch trong dịp hè tại các khu, điểm du lịch, nhất là Khu du lịch núi Bà Đen. Đây là điều kiện hoàn thành mục tiêu trong 6 tháng cuối năm của ngành du lịch với lượng khách tham quan khu, điểm du lịch cả năm ước đạt trên 5 triệu lượt, tổng doanh thu đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.

GRDP thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm dự kiến 2.910 tỷ đồng, tăng 6,2% so cùng kỳ. Trong năm 2023, tiếp tục thực hiện các chính sách miễn giảm thuế thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh cho biết, giá trị lĩnh vực này dự báo không tăng nhiều và tốc độ tăng sẽ phụ thuộc vào tốc độ tăng thu từ doanh nghiệp nhà nước, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực ngoài quốc doanh và từ hoạt động xuất, nhập khẩu.

Phát biểu tại phiên họp sáng 20.7 kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khoá X, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu; những hạn chế trong phát triển KT-XH đã được UBND tỉnh nhận diện, đánh giá và đề ra phương hướng trong thời gian tới.

6 tháng cuối năm 2023, UBND tỉnh ưu tiên thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 đề ra; tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tăng cường hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đã có chủ trương và chọn được nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh khắc phục những bất cập, điểm nghẽn liên quan quy hoạch, đất đai, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế.

Về đầu tư công, tập trung điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sát hợp với khả năng nguồn lực và có trọng tâm trọng điểm, bổ sung các dự án có tính động lực, đòn bẩy thúc đẩy KT-XH phát triển. Đối với việc đầu tư các dự án, công trình, các tuyến đường giao thông theo đề nghị của đại biểu, UBND tỉnh giao các ngành khảo sát thực tế để đề xuất xử lý đối với từng dự án cụ thể. Trong đó về cơ bản sẽ tháo gỡ các vướng mắc lớn nhất gây chậm tiến độ là đền bù giải phóng mặt bằng; tỉnh đã cơ bản hoàn chỉnh hồ sơ về chính sách hỗ trợ đền bù, tái định cư, tổ chức lại đơn vị làm nhiệm vụ đền bù giải phóng mặt bằng.

Tỉnh cũng sẽ có giải pháp giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề, từng bước thực hiện phân luồng học sinh; bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động. Trong thời gian tới, khắc phục những hạn chế trong công tác khám, chữa bệnh, khắc phục triệt để vấn đề thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ thu hút, hỗ trợ giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh.

Song song đó, chấn chỉnh những hạn chế trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; quan tâm củng cố xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Phương Thuý

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh