Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giải ngân vốn đầu tư công:
Khắc phục những tồn tại, hạn chế, nỗ lực hoàn thành kế hoạch
Thứ sáu: 09:56 ngày 08/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo số liệu công khai về tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2023 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được công bố tại Công điện số 09/CĐ-BKHĐT ngày 6.11.2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Tây Ninh xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố.

Dự án đường 789, dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đang triển khai thi công.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, công tác giải ngân vốn đầu tư công mặc dù đạt khá so với cả nước nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đã đề ra của tỉnh. Đến hết ngày 31.10.2023, đã giải ngân 2.800,629 tỷ đồng, đạt 68,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 60,59% kế hoạch HĐND tỉnh giao (giảm so với cùng kỳ - giải ngân đến 31.10.2022 là 3.076,682 tỷ đồng tỷ đồng, đạt 78,92% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 68,58% kế hoạch HĐND tỉnh giao); ước giải ngân đến hết ngày 31.1.2024 là 4.406,540 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 95,33% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Theo Nghị quyết số 69/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về việc giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 - nguồn ngân sách Nhà nước. Trong năm, UBND tỉnh đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 4.518,589 tỷ đồng/4.622,354 tỷ đồng tương đương 97,7% kế hoạch.

UBND tỉnh nhìn nhận, công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mục tiêu đã đề ra của tỉnh do vẫn còn một số hạn chế như: công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án chưa phù hợp dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần, vướng mắc giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu thi công còn hạn chế làm chậm tiến độ dự án.

Công tác chuẩn bị thủ tục cần thiết để giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 cho các dự án tại một số sở, ban, ngành và địa phương còn thiếu chủ động, nhiều dự án chuyển tiếp đã quá thời gian bố trí vốn theo quy định nhưng chưa chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn, gia hạn hiệp định....

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng thường xuyên kiểm tra các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh để nắm tình hình, có những chỉ đạo giải quyết khó khăn ( ảnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng kiểm tra tiến độ thi công đường 787).

Để khắc phục, UBND tỉnh đề nghị các chủ đầu tư nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, lập kế hoạch, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, khó khăn vướng mắc phát sinh; làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.

Duy trì, tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư công.

Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng- nhất là đối với các dự án giao thông vẫn còn khó khăn. Nhiều dự án vừa phải thi công, vừa phải chờ mặt bằng cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, nhiều dự án không thể kết thúc do chỉ vướng một đoạn nhỏ trong toàn tuyến đường với nhiều nguyên nhân khách quan như người dân không đồng tình với phương án đền bù, thu hồi đất nên tiếp tục khởi kiện ra toà; nhiều hộ dân dù nhận tiền đền bù nhưng kéo dài việc bàn giao mặt bằng... có hộ dân bị thu hồi triển khai dự án nhưng công tác tái định cư cho các hộ dân này chưa được chuẩn bị trước để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng sau khi bàn giao đất cho dự án có nơi ở mới ổn định.

Có mặt bằng thi công thuận lợi là yếu tố quan trọng để các công trình về đích đúng kế hoạch góp phần hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh hoạ

Vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, chủ đầu tư dự án và chính quyền các địa phương cần nghiên cứu, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công… như thực hiện trước công tác kiểm đếm, đo đạc đất, phương án tái định cư nhằm nâng cao tính sẵn sàng, khả thi của dự án.

Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hoà lợi ích của Nhà nước và người dân. Tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất... hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện.

Về năng lực nhà thầu còn hạn chế, UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư áp dụng các hình thức đấu thầu phù hợp với tính chất dự án, đúng quy định pháp luật, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thi công, lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp theo quy định, tránh để tình trạng các nhà thầu có tâm lý chờ điều chỉnh giá đối với hợp đồng trọn gói thi công.

Để tạo điều kiện cho các nhà thầu thuận lợi trong tìm kiếm nguồn vật liệu phục vụ dự án, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc giao mỏ nguyên vật liệu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền.

Cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng bảo đảm theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP  ngày 9.2.2021 của Chính phủ làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án. Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.

Thiên Tâm

Báo Tây Ninh
cách chứng minh tài chính du hoc hiệu quả 2024
Tin cùng chuyên mục