Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Án ngữ ở một trong những vị trí đẹp nhất của Cố đô Huế, Khách sạn Morin (30 Lê Lợi) từ lâu đã được biết đến với ba cái nhất: Khách sạn sớm nhất, độc nhất và lớn nhất miền Trung đầu thế kỷ XX.
Án ngữ ở một trong những vị trí đẹp nhất của Cố đô Huế, Khách sạn Morin (30 Lê Lợi) từ lâu đã được biết đến với ba cái nhất: Khách sạn sớm nhất, độc nhất và lớn nhất miền Trung đầu thế kỷ XX. Đây là nơi mà năm 1930, vua hề lừng danh thế giới Charlie Chaplin từng lưu trú trong một chuyến tham quan Huế.
Khách sạn do một doanh nhân người Pháp, ông Bogarde xây dựng và đưa vào kinh doanh từ năm 1901. Năm 1904, sau khi được tu sửa do thiệt hại bởi cơn bão năm Thìn, khách sạn được nhượng quyền cho nhà tư sản A.Guerin, được đổi tên thành A.Guerin– khách sạn lớn của Huế (A.Guerin- Grand hotel de Hue). Năm 1907, khách sạn được một gia đình thương gia Pháp, anh em nhà Morin mua lại. Cái tên Morin của khách sạn bắt đầu từ đó. Với qui mô 70 phòng ngủ, nhà hàng 120 chỗ, quầy ca-phê, rạp cinema, xưởng may và các cửa hàng bán vải, rượu, mỹ phẩm... Morin trở thành khách sạn bề thế và danh tiếng nhất miền Trung trước năm 1945. Sau hơn 35 năm (1957-1990) được sử dụng làm cơ sở của Đại học Huế; năm 1991, Morin được trả về chức năng của một khách sạn và năm 2002 được nâng cấp lên chuẩn 4 sao, với cái tên Saigon Morin nhưng dáng vẻ cổ kính được giữ nguyên như cũ.
|
Khách sạn Morin năm 1901 |
Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, với nét kiến trúc Pháp tiêu biểu đầu thế kỷ XX, Khách sạn Saigon Morin là nơi từng lưu lại dấu ấn của nhiều chính khách, thương gia, các ngôi sao điện ảnh, nhà văn nổi tiếng thế giới thời bấy giờ, trong đó có nhà văn Pháp Andre Malraux. Riêng vua hề Charlie Chaplin từng hai lần lưu trú tại đây cùng gia đình (năm 1930) và hưởng tuần trăng mật cùng vợ (năm 1936).
Khoảnh khắc thư giãn của gia đình vua hề Charlie Chaplin tại Morin (năm 1930) |
Hiện, ngoài 183 phòng ngủ sang trọng, 04 nhà hàng và nhiều khu vực dịch vụ mua sắm và yếu tố lịch sử, nhiều du khách rất thích đến Morin, để được ngắm nhìn sông Hương và một góc cổ kính của T.P Huế từ sân thượng thơ mộng của khách sạn. Tại đây, còn có bộ sưu tập ảnh được ưa thích ghi lại những khoảnh khắc lịch sử trong hơn một thế kỷ như hình ảnh Morin ngập chìm trong cơn lũ lịch sử năm 1953; Đoàn Ngự đạo triều Nguyễn diễu qua khách sạn trong Lễ tế Nam Giao (năm 1939) hay cuộc viếng thăm của vua Bảo Đại (năm 1949)...
|
Rạp chiếu phim tại Khách sạn Morin (năm 1954) |
Khách sạn Saigon Morin ngày nay |
K.D (st)