Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Đại hội Hội Luật gia tỉnh lần thứ IV nhiệm kỳ 2014 - 2019 sẽ diễn ra từ 3.11 đến 4.11.2014, tại hội trường Sở Giáo dục & Đào tạo. Phóng viên Báo Tây Ninh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Rộng – Giám đốc Sở Tư pháp – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh về công tác Hội nhân dịp Đại hội diễn ra.

Ông Nguyễn Văn Rộng – Giám đốc Sở Tư pháp – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh.
Phóng viên: Ông có thể khái quát vài nét kết quả công tác nhiệm kỳ qua để bạn đọc Báo Tây Ninh hiểu thêm về hoạt động của Hội Luật gia tỉnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Rộng: Trước hết cần khẳng định Hội Luật gia là tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, tổ chức thống nhất tự nguyện của các luật gia trên cả nước. Nhiệm kỳ 2009 – 2014, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Hội Luật gia Việt Nam, Hội Luật gia tỉnh Tây Ninh đã có những bước phát triển quan trọng về tổ chức, bộ máy và hội viên.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 13 chi hội ở cơ quan cấp tỉnh, 9 Hội Luật gia cấp huyện, 25 chi hội Luật gia ở cấp xã. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp mới 657 hội viên- đạt 438% so Nghị quyết Đại hội đã đề ra, nâng tổng số hội viên lên 1.135 người, trong đó có 334 hội viên ở cấp xã. Thời gian qua, Hội đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và nghề nghiệp, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia góp ý xây dựng pháp luật, tích cực công tác tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý…
Phóng viên: Thực tế, hầu hết các tổ chức Hội đặc thù, hội nghề nghiệp, trong hoạt động luôn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là kinh phí và nhân sự. Hội Luật gia tỉnh có ngoại lệ?
Ông Nguyễn Văn Rộng: Lúc đầu cũng có khó khăn nhất định, tuy nhiên, do Hội Luật gia có những đặc điểm, nét riêng mà các tổ chức Hội khác không có nên dần cũng vượt qua. Hầu hết hội viên là những người am hiểu pháp luật, gắn công việc hằng ngày được phân công với nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân, nên hoạt động Hội rất thuận lợi. Bên cạnh đó, Hội Luật gia các cấp, các ngành luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, nên những khó khăn về kinh phí và nhân sự đến nay đã được giải quyết, đáp ứng yêu cầu.
Phóng viên: Trong thực tế, khi nói đến luật sư thì mọi người hiểu ngay là làm công việc gì, thế nhưng, khi nói đến luật gia, một số người vẫn còn chưa am tường công việc cụ thể của họ. Ông có thể nói rõ hơn về tổ chức của Hội Luật gia và làm thế nào để trở thành hội viên của Hội?
Ông Nguyễn Văn Rộng: Nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức Hội Luật gia là tập hợp những người đã và đang công tác pháp luật nhằm xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và nghề nghiệp. Hội có nhiệm vụ tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, kiến nghị với cơ quan Nhà nước những vấn đề về xây dựng và thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ thường xuyên của Hội là tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho hội viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Một nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng là tổ chức Hội có nhiệm vụ tham gia các hoạt động chính trị, pháp lý phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Căn cứ vào điều lệ Hội Luật gia Việt Nam, muốn trở thành hội viên thì có những điều kiện sau: là công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức tốt, đã hoặc đang làm công tác pháp luật trong cơ quan, tổ chức, thời gian từ ba năm trở lên. Trường hợp không đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên chính thức, nếu có công đóng góp cho Hội và tự nguyện xin vào Hội có thể được công nhận là hội viên danh dự của Hội.
Phóng viên: Nhiệm kỳ qua, kết quả về hoạt động tuyên truyền pháp luật của Hội như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Rộng: Hội đã thực hiện 67.630 cuộc tuyên truyền pháp luật với 1.749.834 lượt người tham dự. So với Nghị quyết đề ra là 1 triệu lượt người thì đạt hơn 174% và so với nhiệm kỳ trước tăng 37%.
Về công việc cụ thể: Hội Luật gia tỉnh thực hiện tốt kế hoạch liên tịch với Báo Tây Ninh về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo - qua 5 năm đã đưa ra 221 tình huống pháp lý, thu hút 2.237 ý kiến tranh luận; tư vấn pháp luật 582 trường hợp; viết 482 bài giới thiệu luật mới, câu chuyện pháp luật và các vụ việc thuộc lĩnh vực pháp luật để giáo dục ý thức chấp hành pháp luật.
Thông qua xét xử lưu động 192 vụ án hình sự, các hội viên ở Toà án và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, huyện còn tuyên truyền pháp luật cho hàng chục ngàn người những quy định của pháp luật về Luật Hình sự, Tố tụng Hình sự, Luật Dân sự, Tố tụng Dân sự và các luật có liên quan trong quá trình giải quyết vụ án. Về tham gia tuyên truyền pháp luật phục vụ xây dựng nông thôn mới, Hội Luật gia đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn, tuyên truyền pháp luật ở 8 xã trọng điểm xây dựng nông thôn mới, có 614 người dự.
Các tổ chức Hội tập trung tuyên truyền các luật gần gũi đời sống nhân dân như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống ma tuý, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Dân sự, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hợp tác xã, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm và những quy định của pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực mình công tác, qua đó, làm cho người dân hiểu, thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Hội còn phối hợp các ngành tuyên truyền pháp luật ở địa bàn dân cư- nhất là các xã vùng nông thôn; tuyên truyền pháp luật trên Đài truyền thanh huyện, thành phố về các luật mới có hiệu lực với thời lượng trên một ngàn giờ; phối hợp tư vấn tuyên truyền giáo dục pháp luật với Ban giám thị Trại giam Cây Cầy, Trung tâm tư vấn pháp luật (thành lập 11.2013), qua đó đã tư vấn được 34 vụ (5 vụ miễn thù lao), góp phần phục vụ công tác pháp luật đối với người dân.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Hữu Đức
(thực hiện)