Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khai thác cây rừng phụ trợ gặp rắc rối vì thiếu uỷ quyền
Thứ bảy: 00:25 ngày 30/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chưa được sự uỷ quyền từ hộ có hợp đồng nhận khoán trồng rừng, Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (BQLRPH) đã lập phiếu thu tiền chi phí tạm giữ tỉa thưa rừng trồng từ người mua cây, dẫn đến khiếu nại kéo dài. Thậm chí, người mua cây còn khởi kiện BQLRPH ra toà với yêu cầu bồi thường một khoản tiền lớn.

Bà Mai trình bày vụ việc.

Thu tiền khi chưa có uỷ quyền

Theo đơn của bà Nguyễn Thị Mai (ngụ khu phố 3, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu), ngày 13.5.2021, bà có mua vườn cây keo khoảng 42 ha đã đến thời kỳ khai thác của ông Phan Trung Tiên, đây là cây rừng phụ trợ được ông Tiên ký hợp đồng nhận khoán trồng rừng với BQLRPH. Ngày 26.7.2021, bà Mai đến BQLRPH nộp chi phí tạm giữ tỉa thưa rừng trồng năm 2021 với số tiền khoảng 236 triệu đồng.

BQLRPH đã lập phiếu thu số tiền trên từ bà Mai. Đồng thời, Đội Quản lý, Bảo vệ và Phát triển rừng Suối Ngô cũng đã cấp giấy cho bà Mai được đưa phương tiện cơ giới vào khu rừng cây phụ trợ của ông Tiên để khai thác. Giấy này có thời hạn từ ngày 26.7 đến hết ngày 26.8.2021. Bà Mai đã thuê nhân công đưa máy cày, máy cưa đến khai thác cây.

Bất ngờ, ngày 14.8.2021, BQLRPH đã ra Thông báo số 63 về việc thu hồi giấy xác nhận cho khai thác cây phụ trợ đối với ông Phan Trung Tiên (thời hạn cấp giấy từ ngày 27.6 đến 16.9.2021), mời bà Mai đến BQLRPH để hoàn thành thủ tục nhận lại số tiền đã đóng thay cho ông Tiên. Lý do, BQLRPH có sai sót để cho bà Mai đóng tiền thay cho ông Tiên mà không có giấy uỷ quyền từ hộ nhận khoán này.

Sau khi ra thông báo trên, BQLRPH không cho bà Mai tiếp tục khai thác cây rừng phụ trợ. Bà Mai yêu cầu, nếu cơ quan quản lý rừng không cho khai thác cây thì phải có quyết định đình chỉ, lập biên bản kiểm kê khối lượng cây đã khai thác còn để tại khu rừng nhằm làm cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại, đề nghị các bên phải gặp nhau bàn bạc, tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, những yêu cầu vừa nêu của bà Mai đã không được thực hiện, kéo dài thời gian.

Trước sức ép của bên hợp đồng thu mua gỗ tại Đồng Nai, bà Mai đành cho nhân công tiếp tục khai thác cây. Thời điểm này, BQLRPH có cử người đến lập 7 biên bản với nội dung chính là căn cứ vào Thông báo số 63 nêu trên, yêu cầu bà Mai tạm dừng việc khai thác cây, liên hệ ông Tiên để giải quyết tranh chấp dân sự giữa hai người. Các biên bản đã lập không thu giữ bất cứ phương tiện nào dùng để khai thác cây, không có số liệu kiểm kê khối lượng cây rừng đã khai thác.

Bà Mai cho biết, trong 7 biên bản, bà đều có ghi yêu cầu các bên phải gặp nhau để thống nhất hướng giải quyết về thiệt hại kinh tế trong thời gian buộc bà dừng khai thác cây. Vì đến thời điểm này, sự việc không chỉ dừng lại ở hợp đồng mua bán cây giữa bà Mai và ông Tiên, mà còn liên quan đến BQLRPH do đã thu số tiền tạm giữ trên của bà, kéo dài thời gian giải quyết, gây phát sinh thiệt hại.

Thế nhưng, yêu cầu này vẫn không được thực hiện. Đến khi bà Mai cho nhân công bốc gỗ lên phương tiện vận chuyển thì bị BQLRPH giữ máy cày, máy cưa. “Sự việc lại kéo dài, gây thiệt hại về giá trị cây đã khai thác nhưng phải để quá lâu, tiền thuê nhân công, tiền bồi thường “bể” hợp đồng với bên thu mua cây tại Đồng Nai. Tôi đề nghị BQLRPH có trách nhiệm về thiệt hại này cho tôi”- bà Mai trình bày.

Theo hồ sơ vụ việc, trong 7 biên bản mà BQLRPH đã lập, bà Mai đều có đề nghị được làm việc với các bên liên quan. Về việc BQLRPH tạm giữ một máy cày, một máy cưa thì có phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu để giải quyết.

Ngày 16 và 17.9.2021, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu lập biên bản trả lại tài sản cho chủ sở hữu, do Hạt xác định bà Mai không vi phạm hành chính, bà đã xuất trình đầy đủ hồ sơ theo quy định. Đến đây, bà Nguyễn Thị Mai đã nộp “đơn kiến nghị cứu xét” lên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh.

Ngày 12.10.2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có Văn bản số 294 trả lời đơn cho bà Mai, nội dung chính như sau: “Số lâm sản đã khai thác tại tiểu khu 41 thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng còn để tại hiện trường có tổng khối lượng 167,822m3 gỗ keo tròn, 49 ster lâm sản ngoài gỗ (củi keo). Khối lượng gỗ đã khai thác có trong Phương án tỉa thưa cây phụ trợ số 377/PA/KRDT ngày 14.7.2021 của BQLRPH. Toàn bộ số lâm sản đã khai thác nêu trên đúng quy định pháp luật”.

Qua trao đổi với bà Mai về việc sau khi nhận được Thông báo số 63 của BQLRPH, tại sao bà không dừng khai thác cây để giải quyết theo yêu cầu của cơ quan quản lý rừng? Bà Mai giải thích, trong thông báo không nêu rõ thời gian cụ thể nào để bà đến BQLRPH nhận lại khoản tiền đã đóng thay cho ông Tiên.

Thông báo này cũng không thể hiện việc thu hồi giấy xác nhận cho bà Nguyễn Thị Mai được đưa phương tiện máy cày, máy cưa vào rừng để khai thác cây phụ trợ (mặc dù thời hạn giấy xác nhận vẫn còn đến ngày 26.8).

Do vậy, bà Mai cho rằng việc bà vẫn tiếp tục khai thác cây là không sai, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xác định như vậy. Hơn nữa, bà mất khá nhiều thời gian để trông chờ các bên cùng ngồi lại bàn bạc, tháo gỡ.

Phiếu thu phí tạm giữ tỉa thưa rừng trồng năm 2021 của BQLRPH (do bà Mai nộp tiền).

BQLRPH thừa nhận có sai sót

Theo Thông báo số 63 đang đề cập, không có hai nội dung mà bà Mai vừa nêu trên. Ông Vũ Anh Đức- Phó Giám đốc BQLRPH (người ký phiếu thu nhận chi phí tạm giữ tỉa thưa rừng trồng năm 2021 từ bà Mai) thừa nhận có sai sót trong việc để bà Mai đóng tiền thay cho ông Tiên, trong khi chưa có giấy uỷ quyền từ ông Tiên.

Sở dĩ có chuyện này vì BQLRPH muốn tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho bà Mai được khai thác cây. Không ngờ, trong quá trình khai thác thì hộ nhận khoán hợp đồng trồng rừng là ông Tiên có đơn khiếu nại.

Ông Đức còn cho biết, về nội dung các biên bản đã lập mặc dù không có phần kiểm kê khối lượng gỗ đã khai thác, nhưng BQLRPH có cắt cử người trông coi khu vực khai thác gỗ 24/24, chờ cơ quan chức năng liên quan đến phối hợp xử lý.

Riêng việc bà Mai “bắt bẻ” Thông báo số 63 như trên thì nên chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thực tế, đến ngày 8.10.2021, BQLRPH, ông Tiên, bà Mai có cuộc họp thống nhất theo hướng ông Tiên đồng ý uỷ quyền cho bà Mai được thực hiện các thủ tục khai thác cây rừng phụ trợ, sau khi bà Mai hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho ông Tiên theo hợp đồng mua bán cây giữa hai người.

Qua trao đổi với ông Tiên, ông cho biết có hợp đồng bán cây cho bà Mai với số tiền 700 triệu đồng. Hai bên thoả thuận khi nào bà Mai giao đủ số tiền này, ông Tiên sẽ làm tờ uỷ quyền cho bà thực hiện thủ tục khai thác cây.

Tuy nhiên, trong khi bà Mai chưa giao đủ tiền thì đã đến BQLRPH làm thủ tục khai thác cây như đã diễn ra. Ông Tiên không có nhu cầu khởi kiện bà Mai về hành vi trên, nhưng việc BQLRPH thu phí tạm giữ từ bà Mai mà chưa được sự uỷ quyền của ông là không đúng quy định, nên ông phải khiếu nại BQLRPH để bảo vệ quyền lợi của mình.

“Cuối cùng cũng diễn ra cuộc họp thống nhất hướng giải quyết như ông Đức cho biết. Sau đó, bà Mai đã trả đủ tiền và tôi làm giấy uỷ quyền cho bà vào ngày 11.10.2021. Hiện bà Mai đang tiếp tục khai thác cây rừng phụ trợ tại tiểu khu 41.

Lý ra, sự việc phải được xử lý đúng như hướng vừa nêu ngay từ khâu bà Mai đến nộp tiền tại BQLRPH nhưng chưa có giấy uỷ quyền của tôi. Thật đáng tiếc là vụ việc đã chậm xử lý, nhùng nhằng, dẫn đến phát sinh khiếu nại”- ông Tiên nêu ý kiến.

Quốc Sơn

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục