Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khai thác đất nhưng lại hút cát (!?)
Thứ ba: 12:24 ngày 19/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, bà Trần Thị Kim Liên, sinh năm 1963 cùng 6 hộ dân ngụ tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu gửi đơn đến Báo Tây Ninh phản ánh việc khai thác đất của Công ty TNHH MTV Quốc Hùng (Công ty Quốc Hùng) tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Hưng có nhiều sai phạm.

Người dân phát hiện doanh nghiệp cho máy bơm hút cát tại mỏ đất vào sáng ngày 6.3 (ảnh do UBND xã Tân Hưng cung cấp).

NGƯỜI DÂN BỨC XÚC

Theo nội dung phản ánh của người dân, mỏ đất này hoạt động vào khoảng năm 2013, người dân địa phương đã phát hiện đơn vị khai thác có nhiều sai phạm. Theo đó, tại vị trí mỏ đất, khi doanh nghiệp móc đất sâu hơn 2m thì lộ ra lớp cát trắng bên dưới (nói theo người dân là bên dưới vị trí khai thác đất là mỏ cát), vì thế doanh nghiệp có giấy phép khai thác đất đã đưa máy vào bơm cát. Do vậy, họ lo sợ việc bơm cát gây sạt lở đất gây ảnh hưởng đến đất sản xuất.

Sau nhiều lần người dân phản ánh, mỏ đất tạm thời đóng cửa không còn thấy hoạt động. Ðến tháng 8.2018, mỏ đất của Công ty Quốc Hùng hoạt động trở lại. Ngoài việc móc đất, công ty tiếp tục cho máy bơm cát dưới hầm đất lên. Phát hiện sự việc này, người dân đã kiến nghị chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền xử lý đóng cửa vĩnh viễn mỏ đất trên.

Người dân tiếp tục theo dõi, đến ngày 27.12.2018 lại phát hiện doanh nghiệp này cho nhân viên dùng máy bơm để bơm cát nên đã gọi điện thoại báo chính quyền địa phương. Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương đến kiểm tra, doanh nghiệp đã cho tắt máy bơm nên cán bộ địa phương có mặt tại hiện trường không thấy doanh nghiệp cho bơm máy thổi cát. Người đại diện của doanh nghiệp cho rằng việc đặt máy bơm cát tại mỏ đất là để nạo vét lòng ao (?!).

Sau đó, người dân lại phát hiện doanh nghiệp tiếp tục cho nhân viên dùng máy bơm cát từ dưới ao lên phía trên từ lúc 8 giờ ngày 5.3 đến 10 giờ ngày 6.3.2019. Ðể doanh nghiệp không thể chối cãi, người dân đã dùng điện thoại quay phim việc bơm hút cát, không cho nhân viên của doanh nghiệp tắt máy bơm và báo chính quyền xã Tân Hưng đến lập biên bản.

Lo ngại việc doanh nghiệp được cấp phép khai thác đất nhưng lại hút cát sẽ gây sạt lở, ảnh hưởng đến đất sản xuất, bà Trần Thị Kim Liên cùng các hộ dân kiến nghị cơ quan chức năng xem xét đóng cửa vĩnh viễn mỏ đất của Công ty Quốc Hùng. Ðồng thời các ngành chức năng cần kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục những địa điểm bị sạt lở gây ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân.

CẦN GIẢI QUYẾT DỨT ÐIỂM

Ðược biết, mỏ đất của Công ty Quốc Hùng trước đây đã bị cơ quan chức năng xử lý do vi phạm về độ sâu khai thác, bờ ta-luy không đúng hồ sơ thiết kế… đã yêu cầu doanh nghiệp khắc phục những vi phạm.

Cụ thể vào ngày 25.5.2016, UBND tỉnh có văn bản giải quyết đơn khiếu nại của người dân đối với Công ty Quốc Hùng. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị doanh nghiệp lập hồ sơ đóng cửa mỏ, khắc phục những tồn tại về độ sâu khai thác và bờ bao. Trong quá trình khắc phục, doanh nghiệp không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của 4 hộ dân có đất xung quanh. UBND tỉnh đề nghị các hộ dân khiếu nại không gây cản trở việc khắc phục của doanh nghiệp. Sau khi khắc phục, doanh nghiệp phải báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên - Môi trường. Trong trường hợp phát hiện sạt lở bờ bao xung quanh thì phải báo ngay cho UBND xã Tân Hưng kiểm tra, giải quyết.

Theo Quyết định 1892 ngày 30.7.2018 của UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản của Công ty Quốc Hùng, Giấy phép khai thác khoáng sản số 1514 ngày 29.7.2009 và Quyết định gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản số 1583 ngày 7.8.2013 của UBND tỉnh với thời gian đóng cửa mỏ là 8 tháng. Tháng 8.2018, doanh nghiệp thực hiện việc đóng cửa mỏ và cũng bắt đầu từ đây người dân khiếu nại các vấn đề liên quan đến việc đóng cửa mỏ như khai thác quá độ sâu, bơm cát tại mỏ đất…

Ngày 27.11.2018, Sở Tài nguyên - Môi trường có văn bản trả lời cho các hộ dân khiếu nại. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, việc doanh nghiệp sử dụng phương tiện cơ giới vào khu vực khai thác để thực hiện các công việc phải làm trong quá trình thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Do đó, các hộ dân khiếu nại doanh nghiệp chưa khắc phục độ sâu khai thác, bờ bao, những vị trí sạt lở giáp phần đất của các hộ dân trên là chưa đúng. Nếu phát hiện có sai phạm pháp luật trong quá trình đóng cửa mỏ thì phải báo ngay cho chính quyền địa phương, chính quyền huyện Tân Châu, Sở Tài nguyên và môi trường để xử lý theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, về phía chính quyền địa phương, ông Lê Hữu Phúc - Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết, việc thực hiện đề án đóng cửa mỏ của Công ty Quốc Hùng, cũng như tiến độ thực hiện như thế nào, địa phương không nắm được do doanh nghiệp không thông báo cho địa phương. Quan điểm của địa phương là doanh nghiệp phải báo cáo tiến độ thực hiện theo giấy phép cho địa phương nắm để kiểm tra, theo dõi.

Ông Phúc còn cho biết, trong quá trình doanh nghiệp thực hiện đề án đóng cửa mỏ thì người dân địa phương đã 2 lần phản ánh về việc doanh nghiệp cho bơm cát tại mỏ đất. Trong đó, lần phản ánh vào tháng 10.2018, Sở Tài nguyên - Môi trường có kiểm tra và có văn bản trả lời khiếu nại cho các hộ dân. Riêng trong lần doanh nghiệp cho bơm cát bị người dân phát hiện, bắt quả tang vào ngày 6.3.2019, UBND xã đã lập biên bản. Ngay trong ngày, UBND xã có văn bản báo cáo cho UBND huyện về việc Công ty Quốc Hùng bơm cát trong quá trình thực hiện đóng cửa mỏ. UBND huyện cũng đã tổ chức đi kiểm tra thực tế mỏ đất của Công ty Quốc Hùng để xử lý.

Theo ông Phúc, trước việc người dân phản ánh doanh nghiệp có nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện đề án đóng cửa mỏ như bơm cát, gây sạt lở, chính quyền địa phương mong muốn các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm của doanh nghiệp (nếu có). Ðồng thời có biện pháp giám sát doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ đúng quy định, không gây ảnh hưởng đến môi trường, đất sản xuất của người dân.

THẾ NHÂN

Tin cùng chuyên mục