Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khai thác khoáng sản: Cơ bản đi vào nề nếp 

Cập nhật ngày: 12/11/2023 - 23:49

BTN - Theo ông Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản cơ bản đi vào nề nếp, ổn định, hạn chế tình trạng sai phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này

Một mỏ khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, huyện Dương Minh Châu.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3172/QĐ-UBND ngày 26.12.2018, trên địa bàn tỉnh có 185 khu vực khoáng sản, gồm 3 khu vực đá xây dựng, 39 khu vực cát xây dựng, 9 khu vực khoáng sản đất sét làm gạch ngói, 126 khu vực vật liệu san lấp, 5 khu vực khoáng sản than bùn, 3 khu vực khoáng sản cuội sỏi.

Ông Trần Minh Sơn cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản dưới luật được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau; hệ thống văn bản pháp luật về quản lý khoáng sản ngày càng hoàn thiện, hiệu quả.

Các mỏ khoáng sản khi được cấp phép khai thác đều được thăm dò, phê duyệt trữ lượng làm cơ sở cho việc thẩm định, cấp giấy phép hoạt động và tính toán được giá trị mỏ, tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tạo nguồn thu cho tỉnh; các mỏ đều có dự án đầu tư, thiết kế mỏ hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật có ý kiến thẩm định cơ quan chuyên môn, phê duyệt theo thẩm quyền; đều phải thực hiện cam kết, kế hoạch bảo vệ môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án khai thác các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện việc ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định.

Thời gian qua, UBND tỉnh chú trọng chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường thanh, kiểm tra, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương và trách nghiệm của các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, phục hồi môi trường, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định và hạn chế tình trạng khai thác trái phép.

Đối với các doanh nghiệp, nhìn chung cơ bản chấp hành tốt và liên hệ cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục còn thiếu sót để được cơ quan có thẩm quyền xem xét cho hoạt động trở lại. Nhất là các đơn vị hoạt động khai thác cát được cấp bến thuỷ nội địa theo quy định tại hồ Tha La và hồ Dầu Tiếng.

Theo đó, các phương tiện khai thác được gắn logo, định vị hành trình và đúng theo công suất thẩm định của Sở Công Thương; lắp đặt camera, trạm cân, lưu truyền dữ liệu từ trạm cân vào máy tính và được cơ quan có chức năng tiến hành đăng kiểm đưa vào hoạt động; xây dựng ao lắng; có thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy; hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định. Đồng thời được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động trong công trình thuỷ lợi theo quy định; di dời phương tiện khai thác không có trong kế hoạch ra khỏi hồ Dầu Tiếng; mỗi giấy phép chỉ một bến bãi.

Các bãi khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng 

Sở TN&MT là cơ quan thường trực của Tổ tác nghiệp tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát trong hồ Tha La, hồ Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh đối với 13 tổ chức khai thác khoáng sản cát xây dựng (16 giấy phép khai thác khoáng sản) trong hồ Dầu Tiếng và hồ Tha La. Qua kiểm tra, nhìn chung 12/16 tổ chức chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Sở TN&MT tổ chức 1 cuộc kiểm tra đối với 4 tổ chức, UBND tỉnh ban hành 1 quyết định xử lý vi phạm hành chính 120 triệu đồng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng xử lý 12 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực hoạt động khoáng sản, với tổng số tiền là 828.342.500 đồng.

Tham mưu UBND tỉnh về đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Có thể nói, hoạt động khai thác khoáng sản đã góp phần cung cấp nguồn vật liệu xây dựng tại chỗ cho địa phương, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công và hạ giá thành các công trình, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác khoáng sản còn góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, đóng góp một phần vào ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thuế, phí và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển khoáng sản ngày càng được quản lý chặt chẽ, dần đi vào nề nếp. Khai thác và sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm đã góp phần phục vụ các nhu cầu về phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhất là khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, đất san lấp và cát xây dựng.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 591/QĐ-UBND ngày 15.3.2021 về việc phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 592/QĐ-UBND ngày 15.3.2021 về việc phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 2292/QĐ-UBND ngày 14.11.2022 về việc phê duyệt bổ sung khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 2295/QĐ-UBND ngày 14.11.2022 về việc phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2022.

Sở TN&MT có các Tờ trình số 4887, 4888, 4889, 4890/TTr-STNMT ngày 11.7.2023 về việc phê duyệt các phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Ngày 24.8.2023, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn số 7609/VP-KT về việc thông báo kết luận cuộc họp cho ý kiến về việc phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Sở Tài nguyên và Môi trường có Báo cáo số 6400/BC-STNMT ngày 13.9.2023 về việc đề xuất thành phần đi học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh tại Công văn số 7609/VP-KT.

Ngày 13.10.2023, UBND tỉnh Tây Ninh và UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức trao đổi kinh nghiệm công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Thực tế, tỉnh đã chậm tổ chức đấu giá quyền khai thác tài nguyên khoáng sản theo quy định tại Điều 78 và điểm đ khoản 1 Điều 81 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 và khoản 2 Điều 27 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26.3.2012 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Sở Tài nguyên & Môi trường và các ngành liên quan luôn chú trọng đến công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản.

Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh có Công văn số 3157/UBND-KT ngày 20.9.2022 về việc triển khai hướng dẫn công tác kê khai, nộp thuế, phí theo sản lượng thực tế trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, tiếp tục rà soát, kiểm tra lại việc hoàn thành nghĩa vụ với NSNN của những đơn vị đã được phê duyệt hồ sơ đóng cửa mỏ, đã ban hành quyết định đóng cửa mỏ; rà soát lại việc kê khai sản lượng tính thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường các mỏ đang khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan TN&MT và cơ quan Thuế trong công tác kiểm tra đối chiếu sản lượng khai thác tài nguyên trong năm theo từng mỏ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát tổng thể hiện trạng việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tất cả các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện để xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Thế Nhân