Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xã Ninh Điền, huyện Châu Thành:
Khai thác rừng trồng, đốt chủ động thực bì, gây ảnh hưởng đến rừng tự nhiên
Thứ hai: 04:17 ngày 24/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc xử lý thực bì gần rừng để dẫn đến cháy rừng cần được xem xét, phân tích rõ nguyên nhân và có hướng xử lý, chấn chỉnh kịp thời.

Hiện trạng khu vực khoảng 6 ha rừng trồng cây keo lai đã được khai thác và đốt thực bì chủ động.

Những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nắng nóng kéo dài qua nhiều tháng, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được xác định ở cấp dự báo nguy hiểm. Ngày 12.4.2023 vừa qua, tại địa bàn xã Ninh Điền (huyện Châu Thành) đã xảy ra 2 vụ cháy làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên.

Không có biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng tại bàu Sa Nghe

Khu vực xảy ra vụ cháy thứ nhất là tại bàu Sa Nghe. Đây là khu vực nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp (theo Báo cáo số 10 ngày 17.4.2023 của Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành - Bến Cầu), tại vị trí giáp khu vực 92,69 ha rừng tự nhiên xã Ninh Điền, gần Nhà máy sản xuất bột khoai mì Hùng Duy. Qua quan sát vào ngày 17.4, có khoảng 2 ha cây tràm nước và cây keo lai bị cháy, có phần cháy lan vào rừng tự nhiên nhưng không đáng kể.

Theo công chức phụ trách mảng nông nghiệp xã Ninh Điền, khu vực đất bàu Sa Nghe do UBND xã Ninh Điền quản lý, chưa xác định được nguyên nhân gây cháy. Khi phát hiện đám cháy, phía Nhà máy sản xuất bột khoai mì Hùng Duy đưa phương tiện qua hỗ trợ chính quyền địa phương và lực lượng chức năng chữa cháy. Số cây keo lai và tràm nước bị cháy không do người trồng, tự mọc phân tán.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Ngân Hà- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tại khu vực bàu Sa Nghe có người trồng cây keo lai nhưng không thực hiện biện pháp PCCCR theo quy định. Khi nhận được tin báo về đám cháy, lực lượng Kiểm lâm đã nhanh chóng đến phối hợp chữa cháy.

Thực tế, số cây tràm nước và keo lai tại bàu Sa Nghe bị cháy xém từ gốc đến ngọn. Có thể hình dung được ngọn lửa khi cháy bùng lên khá cao, vì có nhiều cây cao đến khoảng 7m vẫn bị cháy đến phần ngọn, kể cả một số cây rừng tự nhiên gần đám cây keo cũng bị lửa tác động tương tự. Tại thời điểm quan sát, hiện trạng cho thấy không có dấu thực hiện biện pháp lâm sinh PCCCR tại bàu Sa Nghe.

Nhiều cây rừng tự nhiên bị ảnh hưởng bởi đám cháy do đốt thực bì chủ động.

Khai thác rừng trồng trong mùa khô

Cùng ngày 12.4, tại khu vực rừng trồng cây keo lai khoảng 6 ha đã được thu hoạch (phía sau Nhà máy sản xuất bột khoai mì Phú Đại Đồng) cũng có đám cháy gây ảnh hưởng đến rừng tự nhiên liền kề. Báo cáo số 10 ngày 17.4.2034 của Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành - Bến Cầu xác định khu vực này nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp, giáp với khu vực 92,69 ha rừng tự nhiên xã Ninh Điền.

Ông Nguyễn Văn Thơ- Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Điền cho biết, trong mùa khô này, UBND huyện Châu Thành, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành - Bến Cầu không có chủ trương cho khai thác rừng trồng. Diện tích rừng trồng khoảng 6 ha đó là của người dân, không nằm trong dự án do Nhà nước quản lý, người dân tự khai thác. Trong quá trình người dân khai thác cây keo lai có làm đơn xin UBND xã Ninh Điền, với cam kết bảo đảm PCCCR.

Ông Thơ còn cho biết thêm, sau khi khai thác cây rừng trồng, người dân có dọn đường băng phòng chống cháy để đốt chủ động thực bì. Trước khi đốt, người này có lên xã thông báo (bằng miệng - ông Thơ cho hay) và nhờ lực lượng bảo vệ rừng đến hỗ trợ trong quá trình đốt thực bì… Tuy nhiên, trong quá trình đốt có gió thổi lên nên lửa táp vào một số cành, nhánh cây rừng tự nhiên.

Theo quan sát vào ngày 16.4, diện tích trồng cây keo lai khoảng 6 ha đã được thu hoạch trước đó, trên đất chỉ còn lại tro tàn, than, ngổn ngang nhiều nhánh cây cháy đen nằm la liệt trên diện rộng. Diện tích đất khoảng 6 ha này có nhiều cạnh giáp với rừng tự nhiên, có dấu cày đường băng phòng, chống cháy nhưng không toàn bộ, chỗ cày, chỗ không.

Nhiều chỗ rừng trồng cây keo lai sau khi phần thân được thu hoạch mang đi còn lại nhánh, tàn, lá cây bị vứt tại chỗ và liền kề với rừng tự nhiên. Tại một số vị trí có tình trạng cháy lan sang cây rừng tự nhiên.

Ông Nguyễn Văn Thơ- Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Điền cung cấp cho phóng viên một bản cam kết đề ngày 2.3.2023 của ông Lê Văn Lòng, đồng thời cho biết diện tích đất này chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bất kỳ ai. Nội dung chính của bản cam kết: “Nay tôi làm bản cam kết này kính trình lên UBND xã Ninh Điền cho tôi được khai thác diện tích keo nói trên, khi khai thác tôi cam kết thực hiện đúng quy trình phòng cháy, chữa cháy không để xảy ra cháy ảnh hưởng đến rừng, có gì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Trước đó, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 03 ngày 14.11.2022 chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR mùa khô năm 2022-2023. Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố có rừng; các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các cơ quan, đơn vị liên quan đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được chỉ đạo, trong đó thường xuyên tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền về PCCCR.

Ngoài ra, ngày 30.12.2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) ban hành Thông tư số 26 quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Tại Điều 12 (Khai thác thực vật rừng thông thường từ rừng sản xuất là rừng trồng do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư; cây trồng phân tán, cây vườn nhà có tên trùng với cây gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên) của Thông tư quy định như sau: “Hồ sơ: Bản chính Phiếu thông tin khai thác lâm sản do chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản uỷ quyền lập theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khai thác, chủ lâm sản hoặc tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản uỷ quyền gửi bản sao hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản sao Bảng kê lâm sản đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, tổng hợp”.

Ngày 28.2.2023, Sở NN&PTNT ban hành Công văn số 744 chỉ đạo các địa phương có rừng thực hiện về trình tự, thủ tục và hồ sơ khai thác thực vật rừng thông thường được quy định cụ thể tại Thông tư trên. Trong đó có phần nội dung chỉ đạo rõ là đối với việc khai thác thực vật rừng thông thường từ rừng sản xuất là rừng trồng do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư thì thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Thông tư số 26.

Sở NN&PTNT chỉ đạo, hiện nay công tác giao rừng và cho thuê rừng sản xuất tại các địa phương chưa hoàn thành; do đó, khi thực hiện khai thác đề nghị UBND các huyện yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình liên hệ UBND các huyện để hoàn chỉnh các hồ sơ pháp lý theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 26 ngày 30.12.2022 của Bộ NN&PTNT.

Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh mời đại diện các địa phương có rừng lên triển khai Thông tư số 26. Qua đó, các địa phương triển khai Thông tư này sâu rộng trong nhân dân để biết, thực hiện.

Đối với trường hợp khai thác cây rừng trồng khoảng 6 ha và đốt thực bì chủ động, bà Trần Thị Ngân Hà- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho hay, Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành - Bến Cầu không nhận được bất cứ văn bản nào theo quy định tại Điều 12 Thông số 26 của Bộ NN&PTNT đối với trường hợp khai thác rừng trồng cây keo lai của ông Lê Văn Lòng.

Từ đầu mùa khô đến nay, Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện tuyên truyền nhiều lần trên các phương tiện thông tin truyền thông và bằng nhiều văn bản về PCCCR. Việc tuyên truyền được triển khai xuống UBND các huyện, xã có rừng; thậm chí đến từng tổ chức, cá nhân trồng rừng…

Trong khi công tác PCCCR tại tỉnh Tây Ninh đang được cảnh báo ở cấp nguy hiểm, việc xử lý thực bì gần rừng để dẫn đến cháy rừng cần được xem xét, phân tích rõ nguyên nhân và có hướng xử lý, chấn chỉnh kịp thời.

Quốc Sơn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục