Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Việc sản xuất điện từ nguồn thuỷ lợi và nguồn phế liệu công nghiệp chế biến vẫn còn rất “khiêm tốn” so với tiềm năng hiện có.
Ở Tây Ninh, từ trước đến nay về năng lượng điện chủ yếu là sử dụng từ nguồn điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, ngoài nguồn năng lượng điện từ lưới điện quốc gia, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn còn một số tiềm năng khác có thể khai thác chuyển thành năng lượng điện. Trong những năm gần đây, đã có một số đơn vị đầu tư khai thác năng lượng điện ở một số dạng tái tạo khác, nhưng so với tiềm năng thì các dạng năng lượng này vẫn chưa khai thác được bao nhiêu.
Theo cơ quan chuyên môn về năng lượng, hiện có 4 nguồn năng lượng điện đang được nhiều địa phương áp dụng. Đó là: nguồn điện từ gió (phong điện); nguồn điện từ năng lượng mặt trời; nguồn điện từ độ chênh lệch thế năng của nước (thuỷ điện) và nguồn điện sinh khối từ việc tận dụng các phế phẩm từ công nghiệp chế biến. Ở Tây Ninh, việc sản xuất điện từ nguồn năng lượng gió- một trong những nguồn điện sạch vẫn còn rất hạn chế. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh chỉ có khu vực núi Bà Đen và thị xã Tây Ninh là có tốc độ gió lớn nhất. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý nên dù những khu vực này có gió lớn nhất tỉnh nhưng so với yêu cầu sản xuất năng lượng điện quy mô lớn- cỡ MW trở lên thì vẫn chưa đáp ứng được do tốc độ gió không đủ lớn lại luôn biến động. Còn nếu triển khai các dự án sản xuất điện từ gió với quy mô nhỏ lẻ thì không kinh tế do suất đầu tư cho phát triển điện gió khá cao. Do đó khả năng sản xuất điện từ nguồn năng lượng gió ở Tây Ninh là không khả thi.
Khu vực đầu mối hồ Dầu Tiếng có nhiều tiềm năng về thuỷ điện |
Về lĩnh vực sản xuất địện từ năng lượng mặt trời lại có mặt hạn chế khác. Theo đánh giá của cơ quan chức năng thì tiềm năng về nguồn năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh khá phong phú vì thời gian có bức xạ mặt trời trung bình trong năm khá lớn. Từ nhiều năm trước đây việc lắp đặt các tấm pin mặt trời cũng đã được nghĩ đến. Trên phạm vi toàn quốc, nhiều vùng sâu hẻo lánh, vùng huyện đảo không đó điện lưới quốc gia đã sử dụng pin mặt trời để sản xuất ra điện. Tuy nhiên ở Tây Ninh thì đến nay loại năng lượng tái tạo này vẫn chưa được áp dụng do có một số hạn chế- trong đó hạn chế lớn nhất vẫn là giá thành những tấm pin mặt trời cũng khá cao. Trong điều kiện tỉnh ta hiện nay thì việc sử dụng những tấm pin mặt trời là không kinh tế.
Tuy nhiên, tiềm năng sản xuất điện từ năng lượng sinh khối và năng lượng nước ở Tây Ninh thì rất phong phú và trong thời gian qua đã được một số đơn vị đầu tư khai thác. Cụ thể như về năng lượng sinh khối. Từ hơn 10 năm trước đây, Nhà máy đường 8.000 tấn mía cây/ngày thuộc Công ty CP Bourbon Tây Ninh đã đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất điện sử dụng bã mía để chạy máy phát điện cung cấp năng lượng hoạt động cho nhà máy- thậm chí còn có dư để bán lên lưới điện quốc gia. Sau khi hệ thống sản xuất điện của nhà máy vận hành, hằng năm nhà máy sản xuất trên 40 triệu kWh điện, vừa sử dụng tại chỗ, vừa bán lên lưới 110 kV của ngành Điện lực. Theo dự kiến, khi nhà máy nâng công suất lên 16.000 tấn mía cây/ngày, lượng bã mía tăng lên thì khả năng phát điện của nhà máy có thể nâng lên đến 55 MW.
Riêng tiềm năng sản xuất điện từ nguồn năng lượng dòng chảy của nước ở Tây Ninh về quy mô lớn thì không có, nhưng về quy mô nhỏ thì có khá nhiều do có hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, tập trung ở khu đầu mối và hệ thống kênh chính. Theo Luận chứng kinh tế kỹ thuật về lợi dụng năng lượng trên công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng do Viện Thiết kế thuỷ lợi Nam bộ thì Tây Ninh có đến 11 điểm có thể khai thác thuỷ điện. Trong đó, trên kênh chính Đông có 3 điểm, trên kênh chính Tây có 3 điểm, trên hệ thống kênh Đông có 2 điểm, trên hệ thống kênh Tây có 2 điểm và trên hệ thống kênh Đông và Tây có 1 điểm. Tổng công suất của 11 điểm này nếu như khai thác hết có thể lên đến gần 10 MW và với sản lượng khoảng 40 triệu kWh. Tuy nhiên, trong tổng số 11 điểm này chỉ có 6 điểm trên kênh chính Đông và Tây là có quy mô đáng kể với tổng công suất chiếm đến hơn 9 MW. Điểm có thể khai thác thuỷ điện với quy mô lớn nhất có thể đạt công suất đến hơn 3 MW và sản lượng đến gần 13 triệu kWh thuộc kênh chính Đông. Trong những năm gần đây, đã có một vài đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy khai thác thuỷ điện trên hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng.
Tuy nhiên, thực tế so với tiềm năng sản xuất điện từ nguồn thuỷ lợi và nguồn phế liệu công nghiệp chế biến vẫn còn rất “khiêm tốn” so với tiềm năng hiện có. Về lĩnh vực sản xuất điện từ bã mía, tuy toàn tỉnh có 3 nhà máy với lượng mía đưa vào ép hằng năm cả triệu tấn, nhưng đến nay chỉ mới có Nhà máy SBT áp dụng. Về lĩnh vực sản xuất thuỷ điện thì đến nay cũng chỉ mới có vài dự án quy mô nhỏ. Nên chăng ngành chức năng tổ chức khảo sát thực tế việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo này, tìm hiểu rõ mặt được, mặt chưa được để có định hướng và chính sách phù hợp khuyến khích các đơn vị đầu tư khai thác có hiệu quả những tiềm năng về năng lượng trên địa bàn tỉnh trong những năm về sau.
Sơn Trần