Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Du lịch Tây Ninh:
Khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế
Thứ hai: 06:05 ngày 31/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua từng giai đoạn, từng thời kỳ khác nhau, tỉnh Tây Ninh luôn xác định mục tiêu phát triển du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế quan trọng; và qua các giải pháp thực hiện đã đạt được một số kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2010 - 2016 luôn tăng, cụ thể: khách tham quan tại các khu, điểm du lịch tăng 3,2%/năm; khách lưu trú tăng 6,7%/năm; doanh thu du lịch tăng 13,8%/năm.

Du lịch Tây Ninh với những tiềm năng phong phú, đa dạng đã được nhắc đến khá nhiều- thậm chí từng được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”.

Tuy nhiên, dù các nhà lãnh đạo, những người làm du lịch, và những ai yêu quý Tây Ninh đã rất trăn trở tìm nhiều giải pháp, song vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để đánh thức “nàng” trở dậy.

Do vậy, hội thảo quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Tây Ninh với chủ đề “sát sườn”: “Du lịch Tây Ninh: tiềm năng - lợi thế - cơ hội phát triển” đã tạo sự quan tâm lớn đối với dư luận xã hội.

Trước thềm hội thảo, phóng viên Báo Tây Ninh đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN THANH NGỌC (ảnh)- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Nhóm công tác xây dựng chương trình phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh về vấn đề này.

PV: Ông có thể trao đổi khái quát về tiềm năng du lịch Tây Ninh?

Ông Nguyễn Thanh Ngọc: Tây Ninh là tỉnh biên giới thuộc miền Đông Nam bộ, có diện tích 4.041,25km2, gồm 8 huyện và 1 thành phố, với dân số trên 1,1 triệu người, gồm nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống đan xen, trong đó có 4 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa và Chăm.

Tây Ninh có vị trí địa lý thuận lợi, là điểm tiếp giáp giữa cao nguyên Nam Trung bộ với đồng bằng sông Cửu Long, vừa mang đặc điểm của một cao nguyên nổi bật là núi Bà Đen cao nhất Nam bộ (986m), vừa có dáng dấp của vùng đồng bằng với những cánh đồng xanh bất tận.

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ giao thông về đường bộ quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc, với đường biên giới quốc gia dài 240km giáp với 3 tỉnh Svay Rieng, Prey Veng, Tbong Khmum, với 16 cửa khẩu, trong đó  có 2 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát; tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật quan trọng của cả nước (với 8,5 triệu dân)- một thị trường tiềm năng với nguồn khách du lịch lớn; là điểm nối với các trung tâm du lịch nổi tiếng của Vương quốc Campuchia, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 170km, cách Siem Reap- nơi có di sản văn hoá thế giới Angkor Wat khoảng 300km.

Tây Ninh còn nằm trên tuyến đường Xuyên Á- là tuyến giao thông huyết mạch đóng vai trò kết nối các vùng kinh tế trọng điểm như thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ sang Campuchia và các nước ASEAN. Xuyên Á cũng là tuyến đường quan trọng trong việc tổ chức đưa, đón các tour, tuyến du lịch, đưa đón du khách từ Việt Nam sang Campuchia và các nước ASEAN và ngược lại.

Tài nguyên du lịch của Tây Ninh phong phú và đa dạng, hội đủ yếu tố phát triển các loại hình du lịch truyền thống, tâm linh, sinh thái, mạo hiểm, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hoà, ít thiên tai, hệ sinh thái đa dạng; vừa có sông, có núi, có hồ, có rừng.

Đặc biệt, Tây Ninh là quê hương giàu truyền thống cách mạng, là cái nôi căn cứ địa cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc.

Ngoài hệ thống di tích lịch sử - văn hoá đa dạng, Tây Ninh còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn rất dồi dào với nhiều di sản văn hoá phi vật thể độc đáo được công nhận. Có những sản phẩm du lịch rất riêng, độc đáo, không có nơi nào có được.

Du khách thăm Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. (ảnh: Đ.H.T)

PV: Ông có thể nói rõ hơn về những điểm nổi trội của du lịch Tây Ninh?

Ông Nguyễn Thanh Ngọc: Có thể nói, Tây Ninh rất đa dạng về loại hình du lịch dành cho các đối tượng khác nhau. Nếu quý khách muốn thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên, đã có núi Bà Đen trứ danh, một vẻ đẹp hùng vĩ, kỳ ảo.

Trên sườn núi, khi phóng tầm mắt ra xa là cảnh hồ Dầu Tiếng- hồ nước  nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, với mặt nước rộng mênh mông, êm ả và những cánh đồng lúa chín vàng, mang vẻ đẹp của tranh thuỷ mặc.

Hay bạn có thể lên tàu để khám phá sông Vàm Cỏ Đông, ghé Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát đa dạng sinh học, hoặc bạn có thể dừng chân ở Ma Thiên Lãnh- một “Đà Lạt” của Tây Ninh, thưởng thức vẻ đẹp trong lành nhưng kỳ bí, hoang sơ.

Nếu bạn tìm về văn hoá tâm linh, hay lịch sử, chúng tôi có núi Bà Đen đã nổi tiếng linh thiêng gắn với truyền thuyết bà Lý Thị Thiên Hương vừa khí phách vừa trữ tình; Toà thánh Cao Đài với kiến trúc “độc nhất vô nhị” và tín ngưỡng đậm đà bản sắc người miền Nam, và còn nhiều địa danh khác như chùa Gò Kén, chùa Thiền Lâm; độc đáo hơn nữa là Trung ương Cục miền Nam- căn cứ đầu não cách mạng miền Nam, căn cứ Dương Minh Châu, Hội thề Rừng Rong…

Còn nếu ưa thích khảo cổ, bạn hãy đến với nền văn hoá Óc Eo, đến với các tháp cổ Chóp Mạt, Bình Thạnh, hay những ngôi nhà xưa có lịch sử hàng trăm năm…

Còn ẩm thực, từ lâu Tây Ninh đã nổi tiếng với món bánh canh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, những món chay thanh đạm đầy màu sắc đã được nâng lên tầm nghệ thuật của tín đồ tôn giáo Cao Đài, hay đơn giản mà độc đáo như muối ớt tôm, ốc núi Bà, thằn lằn núi…

Ngoài ra, tôi muốn nói thêm, con người cũng là nét riêng của Tây Ninh. Vùng đất có lịch sử mới vài trăm năm, nhưng đó là lịch sử của một quá trình liên tục đấu tranh để khai phá, giữ gìn và phát triển không hề ngơi nghỉ của người Tây Ninh nơi vùng “phên, giậu” của Tổ quốc.

Nói rõ hơn, từ khi có dấu chân người trên mảnh đất này, người dân Tây Ninh luôn trong tâm thế sống, lao động, chiến đấu và hy sinh để bảo vệ vùng đất biên cương phía Tây Tổ quốc luôn an ninh.

Cứ ngỡ rằng, sống trong hoàn cảnh đó sẽ khiến tâm hồn người ta cằn cỗi, khắc nghiệt, nhưng không, gian khổ chỉ càng làm người Tây Ninh kiên cường, bất khuất, mất mát chỉ làm người Tây Ninh thêm yêu thương, bao dung và càng thêm phóng khoáng.

Hãy nhìn sự ổn định về an ninh trật tự xã hội của địa phương, hay những lời khen ngợi dành cho lực lượng Cảnh sát giao thông đang lan truyền trên mạng xã hội trong thời gian gần đây, bạn sẽ cảm nhận được điều đó.

Tôi tin, người Tây Ninh - đất Tây Ninh cũng là “đặc sản” riêng của địa phương.

Du lịch khám phá núi Bà Đen- một loại hình đang được giới trẻ ưa thích. (ảnh: Nguyễn Minh Đức).

PV: Với tiềm năng và lợi thế như vậy, Tây Ninh sẽ có chiến lược gì để khai thác và phát triển du lịch?

Ông Nguyễn Thanh Ngọc:  Trên cơ sở Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 4.10.2012 của Tỉnh uỷ Tây Ninh về đẩy mạnh khai thác tiềm năng, phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn 2020, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.

Đây là cơ sở quan trọng để triển khai đầu tư, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch- nhất là về cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ, sản phẩm du lịch.

Tỉnh chọn Khu di tích lịch sử văn hoá núi Bà Đen làm trung tâm đầu tư phát triển du lịch, trong đó đã xây dựng quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trung tâm lễ hội tâm linh núi Bà Đen. Kêu gọi đầu tư, phát triển một số khu du lịch đã được quy hoạch như khu du lịch Ma Thiên Lãnh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đảo Nhím…

Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ du lịch đã từng bước được cải thiện đáng kể, mạng lưới giao thông đến các tuyến, điểm du lịch đã và đang được nâng cấp, mở rộng; hệ thống cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch được tăng cường cả về số lượng và chất lượng.

Để khai thác tiềm năng du lịch, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua từng giai đoạn, từng thời kỳ khác nhau, tỉnh Tây Ninh luôn xác định mục tiêu phát triển du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế quan trọng; và qua các giải pháp thực hiện đã đạt được một số kết quả khả quan.

Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2010 - 2016 luôn tăng, cụ thể: khách tham quan tại các khu, điểm du lịch tăng 3,2%/năm; khách lưu trú tăng 6,7%/năm; doanh thu du lịch tăng 13,8%/năm.

Năm 2016, Tây Ninh đón gần 2,68 triệu lượt khách tham quan. Những kết quả đạt được trong thu hút khách du lịch, tốc độ tăng trưởng du lịch cho thấy nỗ lực của tỉnh trong khai thác thế mạnh của ngành “công nghiệp không khói”.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, du lịch Tây Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đến nay, vẫn chưa có lời giải thấu đáo cho câu hỏi: “Làm gì và làm như thế nào để khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh?”.

Du lịch Tây Ninh còn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, như: cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất (bao gồm hệ thống giao thông - vận tải, thông tin truyền thông, hệ thống các cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển, ăn uống, vui chơi giải trí và dịch vụ du lịch…) còn thiếu, phát triển chậm, chưa đồng bộ; định hướng phát triển du lịch chưa rõ, thiếu tính chiến lược lâu dài; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đa dạng, phong phú, chưa tạo ra nhiều sản phẩm nổi trội, có sức hấp dẫn lớn; chất lượng sản phẩm thấp; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, doanh nghiệp du lịch chưa mạnh, thiếu tính chuyên nghiệp, việc kết nối các đơn vị lữ hành còn hạn chế; thiếu các nhà đầu tư chiến lược; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa chuyên nghiệp, hiệu quả v.v… 

Đỉnh núi Bà Đen- một địa điểm đang thu hút nhiều bạn trẻ thích “phượt” (ảnh: Nguyễn Minh Đức)

Do vậy, với tinh thần cầu thị, lãnh đạo tỉnh mong muốn và kỳ vọng hội thảo quốc tế về du lịch lần này sẽ là cơ hội quý giúp Tây Ninh nhìn nhận, đánh giá sâu hơn- nhất là định vị đúng vị trí du lịch của tỉnh trong tổng quan du lịch của cả nước, xác định đúng và trúng tiềm năng, lợi thế, nhận diện rõ hơn về thực trạng (nhất là những bất cập, hạn chế, yếu kém) của du lịch Tây Ninh; đồng thời, được chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm quý về phát triển du lịch, cũng như tiếp nhận nhiều ý kiến, ý tưởng, sự hiến kế, định hướng làm cơ sở tiền đề xây dựng chiến lược đề ra giải pháp phát triển phù hợp, tạo bước đột phá thật sự để du lịch Tây Ninh không chỉ là ngành kinh tế quan trọng mà còn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần to lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh và vững chắc trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông về buổi trao đổi này!

THANH NAM

(Thực hiện)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh