BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khám bệnh Bảo hiểm y tế: Lâu và mệt

Cập nhật ngày: 12/11/2009 - 09:31

Rất đông bệnh nhân chờ được khám theo diện bảo hiểm y tế.

Những năm trước, bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ áp dụng cho cán bộ, công nhân viên chức nên thường không có tình trạng khám bệnh quá tải. Ba năm gần đây, khi phát triển thêm loại hình BHYT trẻ em, BHYT toàn dân thì hầu như ai cũng có thể có được một tấm thẻ BHYT. Số lượng phát triển mạnh, nhưng cơ sở vật chất, nhân lực chuẩn bị cho việc khám, chữa bệnh BHYT chưa tương xứng. Vì vậy, gần đây ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tây Ninh- nơi tập trung số lượng lớn bệnh nhân có thẻ BHYT luôn xảy ra tình trạng quá tải.

Một buổi sáng đầu tuần, tôi đến BVĐK Tây Ninh. Mặc dù đã hạ quyết tâm đi tìm hiểu thực tế, nhưng khi chứng kiến cảnh khám bệnh ở đây, chúng tôi chỉ muốn... quay về vì ngán ngẩm. 

Trước tiên, tôi phải đến một chiếc bàn nhỏ phía ngoài để ghi tên, tuổi, địa chỉ và nhu cầu khám của mình vào một tấm giấy nhỏ để sẵn trong rổ. Sau đó, mang đến bàn hướng dẫn để được nhân viên ghi số thứ tự vào. Sau khi có số thứ tự, là ngồi chờ báo số bảng điện tử. Khi bảng điện tử nhảy đến số của mình mới vào để mua sổ khám bệnh. Chỉ riêng giai đoạn này, đã phải chờ đúng 1 giờ đồng hồ.

Vì chờ đợi quá lâu, rất nhiều bệnh nhân không khỏi phiền hà. Thậm chí có người đã bỏ về, như vợ chồng anh Đỗ Văn Trí, ngụ xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành. Vợ chồng anh có một đứa con mới hơn một tuổi đang bị nóng sốt. Hai vợ chồng anh đưa bé đến đây, nhưng phải chờ từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 40 phút mà vẫn chưa được khám. Cháu bé thì càng lúc càng nóng sốt. Không chờ đợi được nữa, anh chị đành phải đưa con rời Bệnh viện để đến phòng khám đa khoa tư nhân. Anh Trí bức xúc nói: “Có thẻ BHYT cũng như không. Muốn đưa con đến đây khám bệnh, chúng tôi phải khám ở tuyến cơ sở trước, sau đó mới được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Phải đi lòng vòng mất biết bao nhiêu thời gian, công sức để rồi cuối cùng cũng không được gì, biết vậy, tôi đưa con đi bác sĩ tư hồi sớm cho rồi”.        

Trở lại chuyện khám bệnh của tôi, sau khi có sổ khám bệnh rồi, tôi được chỉ vào buồng số 5 để nộp sổ. Ở đây, chúng tôi tiếp tục chờ hơn 30 phút sau mới được gặp bác sĩ. Sau khi hỏi han vài câu, bác sĩ ghi vào hai tờ giấy và chỉ tôi đến nộp hồ sơ ở phòng số 5 (nằm ở khu hành lang bên ngoài). Rồi còn được... chỉ qua, chỉ lại phòng này, phòng nọ ba, bốn chập nữa cũng chưa xong. Loay hoay mãi, cuối cùng thì một nhân viên y tế đã hướng dẫn cho tôi xuống phòng siêu âm.

Khác với cảnh chen lấn, ồn ào ở các phòng trên, phòng siêu âm trống trơn, không có bệnh nhân và cũng… không có ai trực. Tôi phải ngồi chờ hơn 5 phút mới có một nữ bác sĩ đến. Sau khi xem xong hồ sơ của tôi, nữ bác sĩ hướng dẫn tôi qua phòng siêu âm 4D. Trong phòng 4D không có bác sĩ, bệnh nhân nào cả, khi đẩy cửa bước vào tôi chỉ thấy một nhân viên đang ngồi trước máy vi tính. Không rời mắt khỏi màn hình, cô bảo tôi ra ngoài trước cửa ngồi chờ bác sĩ. Ngồi chờ gần 10 phút nữa mới có bác sĩ vào phòng. Tôi phản ánh về việc phải chờ quá lâu, vị bác sĩ này bảo: “Tôi mới qua văn phòng bên xem 4 lá phim mà bảo là lâu?”. Tôi siêu âm xong đúng 11 giờ, cô nhân viên và vị bác sĩ ra khỏi phòng và khoá cửa lại.

Vừa ra tới hành lang bệnh viện, tôi thấy một thanh niên đang dìu một cô gái đau bụng oằn oại, đi tìm phòng siêu âm. Tôi hướng dẫn họ đến phòng 4D và ở lại với họ để theo dõi sự việc ra sao.

Thấy khoá cửa, đôi nam nữ dìu nhau trở lại phòng làm việc ở đầu dãy hỏi tìm bác sĩ. Một bác sĩ trong phòng trả lời bác sĩ siêu âm đã

Lãnh đạo BVĐK Tây Ninh làm việc với đoàn giám sát HĐND tỉnh.

xuống trại rồi và bảo đầu giờ chiều hãy trở lại. Tôi thử bước vào phòng này thì thấy vị bác sĩ vừa siêu âm cho tôi vẫn đang ngồi cầm xem những lá phim. Nhìn đồng hồ, lúc đó 11 giờ 5 phút, đôi thanh niên tiếp tục nài nỉ xin siêu âm nhưng không được giải quyết. Với vẻ bất mãn, anh thanh niên nói: “Chúng tôi đã đóng tiền hết 70.000 đồng nhưng rốt cuộc vẫn không khám kịp trong buổi sáng. Bây giờ phải đi tìm bệnh viện tư nhân để khám bệnh chứ chờ tới đầu giờ chiều làm sao chịu nổi?”.

Trong buổi làm việc với Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh chiều ngày 5.11.2009, bác sĩ Trần Minh Trường, Phó Giám đốc BVĐK Tây Ninh cho biết: Hiện nay, có 91.000 bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại BVĐK tỉnh. Trong năm qua có gần phân nửa số bệnh nhân khám và điều trị nội trú tại đây có thẻ BHYT. Năm 2010, theo Luật BHYT mới, bệnh nhân sẽ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến xã, huyện. BVĐK tỉnh chỉ nhận đăng ký cho bệnh nhân ở khu vực Thị xã, các cơ quan, ban, ngành và trẻ em dưới 6 tuổi, nhưng theo dự kiến số bệnh nhân khám, chữa bệnh tại BVĐK tỉnh sẽ tăng lên 20%, vì các tuyến cơ sở vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Thực hiện quy định của Luật BHYT, công tác khám, chữa bệnh sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, vì các quy định đồng chi trả, phân tuyến, khám bệnh rất phức tạp. Bệnh viện cần được hỗ trợ trang thiết bị để có thể thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh BHYT trong tình hình mới.

Về vấn đề nhân lực, hiện nay BVĐK tỉnh đang thiếu 4 bác sĩ dành cho khám, chữa bệnh BHYT. Bác sĩ Trường cũng cho biết thêm: Hiện nay, ngành Y tế đã xây dựng xong đề án nâng cấp bệnh viện lên 700 giường, trong đó có khu dành cho khám, chữa bệnh BHYT riêng nhưng hiện tại, đề án này vẫn chưa được duyệt.

Trương Dương