BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khảm lá cây mì hoành hành- nông dân, doanh nghiệp điêu đứng 

Cập nhật ngày: 28/03/2018 - 06:30

BTN - Dịch bệnh khảm lá cây mì hoành hành thời gian qua đã gây khó khăn không nhỏ cho người trồng mì và doanh nghiệp sản xuất tinh bột mì. Những ngày qua, có lúc giá khoai mì lên đến 3.500 đồng/kg, nhưng nhiều nhà máy sản xuất tinh bột vẫn không thu mua được nguyên liệu để chế biến.

Một ruộng mì bị nhiễm bệnh khảm lá toàn bộ ở ấp Ninh Hoà, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu.

CẦN XỬ LÝ DỨT ĐIỂM BỆNH KHẢM LÁ MÌ
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ mì năm nay, cả tỉnh trồng khoảng 24.000 ha, trong đó có khoảng 8.000 ha bị nhiễm bệnh khảm lá với nhiều mức độ khác nhau. So với thời điểm này năm 2017, diện tích mì được người dân gieo trồng chỉ khoảng 80%. 

Hiện nay, đa số người trồng mì đều nhận thức được sự nguy hại của bệnh khảm lá trên cây mì, cũng như nắm được những khuyến cáo của ngành chức năng. Thế nhưng, vẫn còn nhiều người có tâm lý chủ quan, cộng với sự nôn nóng khi thấy giá mì ngày càng tăng lên, đã “liều lĩnh” xuống giống ngay trên đất đã bị nhiễm bệnh, đồng thời còn sử dụng giống mì không rõ nguồn gốc, hậu quả, sau khi xuống giống, chỉ một thời gian ngắn cây mì đã bị nhiễm bệnh, có ruộng nhiễm toàn bộ 100% diện tích.

Nhìn ruộng mì bị nhiễm bệnh nặng, một nông dân ở ấp Ninh Hoà, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu thở dài, cho biết, vụ trước ông cũng trồng mì trên đất ruộng này. Khi đó, mì có bị nhiễm bệnh nhưng chỉ khoảng 20% đến 30% diện tích. Đến vụ mì này, ông không mua giống tại địa phương mà đi mua ở một xã bên cạnh.

Người bán cây giống cho biết, cây được lấy về từ tỉnh Bình Phước, nơi không có dịch bệnh khảm lá trên cây mì nên ông cũng an tâm. Thế mà đến nay, ruộng mì chỉ mới được khoảng 3 tháng tuổi đã bị bệnh nặng, không phát triển được nữa.

Dù biết khi cây mì bị nhiễm bệnh nặng như vậy sẽ cho năng suất rất thấp, nhưng ông không đành lòng cày bỏ vì... tiếc của (!). Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến chuyện, nếu không kịp thời tiêu huỷ theo hướng dẫn của ngành chức năng, ruộng mì của ông có thể sẽ lây bệnh cho những ruộng mì gần đó, ông… im lặng, không trả lời.

Trong khi đó, cũng trên cánh đồng thuộc địa bàn ấp Ninh Hoà, xã Bàu Năng vẫn có những ruộng mì phát triển tốt. Theo bà con, ruộng mì không nhiễm bệnh được trồng từ giống K94 theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. 

Một nông dân kể, sau khi nghe khuyến cáo của ngành chức năng, ông đã lặn lội qua Bình Dương để tìm mua giống mì K94 đem về trồng trên diện tích 2 ha. Đến nay, cây mì phát triển tốt, chỉ một số ít bị nhiễm bệnh, chiếm khoảng 10%.

Theo nông dân này, vào đầu vụ mì, trước nhu cầu xuống giống của người dân, nhiều thương lái đã đi thu gom cây mì về bán mì giống cho bà con. nhưng bản thân họ không có nhiều kiến thức về dịch bệnh trên cây trồng, không phân biệt được cây giống nào có bệnh, cây giống nào không.

Còn người dân thì do nôn nóng xuống giống cho kịp vụ (nhất là đối với những người trồng mì ruộng), chỉ nghe thương lái nói cây giống không nhiễm bệnh là mua về trồng. Hậu quả là hiện nay có nhiều ruộng mì bị nhiễm bệnh nặng và người trồng mì coi như trắng tay.

Cũng theo nông dân này, nếu ngành chức năng và chính quyền địa phương không có những biện pháp cứng rắn, quyết liệt về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khảm lá trên cây mì, e rằng khó có thể xử lý dứt điểm dịch bệnh này trong thời gian tới.

 
Thu hoạch mì tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu.

THU MUA GIÁ CAO, NHÀ MÁY VẪN KHÔNG ĐỦ NGUYÊN LIỆU
Một doanh nghiệp sản xuất tinh bột mì ở xã Suối Ngô, huyện Tân Châu cho biết, doanh nghiệp đã tạm thời đóng cửa nhà máy, ngưng hoạt động hơn 2 tuần qua. Bởi lẽ, giá khoai mì hiện nay đã lên đến trên 3.000 đồng/kg, nhưng nhà máy cũng chỉ thu mua được nguyên liệu để chạy khoảng 30-40% công suất thiết kế.

Do vậy, doanh nghiệp buộc phải tạm thời đóng cửa nhà máy vì nếu hoạt động sẽ bị lỗ. Chủ doanh nghiệp này nhận xét, thời gian tới, sẽ tiếp tục thiếu nguyên liệu vì dịch bệnh trên cây mì chưa ngăn chặn được. 

Ông Chung- một chủ doanh nghiệp sản xuất tinh bột mì ở xã Trường Đông, huyện Hoà Thành phải lặn lội đến tận các tỉnh Đồng Nai, Đăk Lăk... mới có nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, dù công suất nhà máy chỉ có 20 tấn/ngày. Dù biết giá mì cao như vậy doanh nghiệp không thể nào có lãi, nhưng nếu đóng cửa nhà máy, ngưng hoạt động lại ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của công nhân nên ông vẫn cho nhà máy hoạt động “được lúc nào hay lúc đó”.

Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, cây mì bị nhiễm bệnh khảm lá nặng sẽ dẫn đến năng suất giảm khoảng 80%. Trước đây, năng suất mì có thể đạt 50 tấn củ/ha, nhưng nếu bị nhiễm bệnh, 1 ha mì chỉ có thể cho sản lượng khoảng từ 10 đến 15 tấn, do vậy người trồng mì khó có thể thu hồi vốn đầu tư cho sản xuất.

Theo ông Trong, trong thời gian tới, các địa phương cần phải thực hiện các phương án, giải pháp phòng, chống bệnh khảm lá trên cây mì một cách quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó, qua thực tiễn cho thấy giống mì K94 có khả năng kháng virus, không thích ứng với bọ phấn trắng gây bệnh khảm lá trên cây mì, cần tuyên truyền cho nông dân.

Về phía ngành Nông nghiệp, ông Trong tông tin, sẽ hỗ trợ nông dân bằng cách đi tìm mua giống mì K94 ở các tỉnh không có dịch bệnh để cung cấp cho người dân. Người dân có nhu cầu sử dụng giống mì K94 có thể đăng ký tại Trạm Khuyến nông các huyện, thành phố để ngành Nông nghiệp tổng hợp, xem xét cung cấp giống.

Có ý kiến cho rằng, dù Tây Ninh được xem là thủ phủ của cây mì, cung cấp khoảng 50% lượng tinh bột mì, tuy nhiên, để không còn đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguyên liệu trong thời gian tới, các địa phương cần phối hợp với ngành Nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khảm lá trên cây mì. 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác vận động, thậm chí là cưỡng chế đối với những hộ dân có diện tích mì bị nhiễm bệnh nặng hợp tác cùng các ngành chức năng áp dụng các biện pháp trừ dịch bệnh. Đồng thời cần tăng cường kiểm soát các điểm bán giống cây mì, không để cây mang mầm bệnh tiếp tục được sử dụng.

Nhưng điều quan trọng nhất, theo Giám đốc Sở NN&PTNT, vẫn là ý thức của người trồng mì về dịch bệnh khảm lá, nhất là tuân thủ các hướng dẫn của ngành chức năng trong công tác phòng, chống dịch.

THIÊN TÂM